Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển cà phê: Cần một tổ chức mạnh
10 | 06 | 2008
Để cà phê Việt Nam trở thành một thương hiệu mạnh trên thế giới, cần có một giải pháp đồng bộ từ việc chọn giống, chăm sóc, chế biến cũng như kinh doanh. Tất cả đòi hỏi phải có sự chỉ đạo chặt chẽ, quản lý thống nhất giữa địa phương và Trung ương, giữa người trồng cà phê với người chế biến, kinh doanh…
Lâm Đồng có diện tích cà phê đứng thứ hai cả nước, chỉ sau Đắk Lắk. Trong khi cà phê Đắk Lắk đã có một vài thương hiệu nổi tiếng, thì Lâm Đồng vẫn chưa có thương hiệu cà phê cho mình. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hoàng Sĩ Sơn cho biết, để xây dựng thương hiệu cà phê, Lâm Đồng phải cùng lúc thực hiện mấy việc: ổn định diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng. Về diện tích, ổn định ở mức khoảng 120.000ha (hiện là 118.000ha). Để nâng cao năng suất, sẽ chú trọng việc tận dụng và xây dựng các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ để có nước tưới cho cây cà phê. Điều quan trọng nhất là việc chọn giống tốt và phát triển cà phê ghép chồi. Tỉnh sẽ làm mạnh việc khuyến nông và từ cấp xã trở lên đều có chính sách khuyến khích phát triển cây cà phê. Lâm Đồng cũng nhận thức được rằng, việc vận động người trồng cà phê thu hoạch đúng mùa vụ, hái quả chín là không đơn giản. Tỉnh chủ trương đẩy mạnh việc tuyên truyền, đồng thời tăng cường đảm bảo an ninh nông thôn để chống nạn trộm cà phê, khuyến khích bà con trồng giống cà phê Catimo cho quả chín muộn bằng việc hỗ trợ một nửa tiền giống.

Để làm được việc này, đòi hỏi phải có nguồn vốn lớn. Ở Lâm Đồng đã có một số doanh nghiệp nước ngoài và trong nước (như Công ty TNHH Thái Hoà - Lâm Đồng) cho nông dân vay vốn không lấy lãi để trồng cà phê. UBND tỉnh sớm công bố định hướng phát triển cây cà phê và việc xây dựng thương hiệu cà phê Lâm Đồng, để các ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp căn cứ vào đó cho dân vay vốn. Điều khó nhất là ai đứng ra vay? Lâm Đồng chủ trương khuyến khích các doanh nghiệp đứng ra vay vốn ngân hàng để cho người trồng cà phê vay. Nhưng làm sao cả 2 phía (doanh nghiệp và người trồng cà phê) thực hiện đúng hợp đồng? Khi hợp đồng bị vi phạm, ai đứng ra giải quyết? Nhiều doanh nghiệp có thể đứng ra vay vốn cho dân nhưng cần có chế tài đảm bảo để doanh nghiệp có thể thu hồi vốn. Đó là trách nhiệm của chính quyền.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều cán bộ ở Lâm Đồng và Đắk Lắk đều băn khoăn về một mô hình quản lý Nhà nước đối với ngành cà phê. TS. Trịnh Đức Minh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho rằng, cần phải tổ chức lại ngành cà phê trên địa bàn từng tỉnh và cả nước. Mỗi tỉnh cần có một tổng công ty cà phê. Cả nước cần có một cơ quan quản lý, cấp cục hoặc tổng cục lo việc phát triển cà phê Việt Nam. Cần tổ chức các doanh nghiệp cà phê lại thành một tập đoàn mạnh, lo việc sản xuất - kinh doanh, trong đó, nhất thiết phải có ngân hàng tham gia.

So với Lâm Đồng, Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng thương hiệu cho cà phê. Trong đó đã xây dựng được chỉ dẫn địa lý cho cà phê Buôn Ma Thuột và năm 2005 đã được Nhà nước bảo hộ. Tuy nhiên, các chỉ dẫn này mới chỉ nêu ra các đặc thù của cà phê Buôn Ma Thuột, còn bước quản lý và phát triển thì chưa ai làm. Hiệp hội Cà phê chỉ thực hiện cơ chế kiểm soát nội bộ, còn ngành nông nghiệp mới chỉ kiểm soát bên ngoài. Cũng như ở Lâm Đồng, cái khó trong xây dựng thương hiệu cà phê ở Đắk Lắk còn là vốn. Tất cả những điều này cần sự vào cuộc rất tích cực của Nhà nước. Trồng - chế biến và kinh doanh cà phê đòi hỏi vốn lớn. Ở cơ sở, người trồng cà phê phải liên kết lại trong các mô hình hợp tác thì mới làm được. Các ngân hàng, các tổ chức quốc tế cũng muốn thông qua các mô hình này để đầu tư giúp người trồng cà phê xây dựng cơ sở vật chất như sân phơi, kho chứa…

Đòi hỏi về một tập đoàn kinh tế mạnh, sự vào cuộc tích cực về mặt quản lý Nhà nước để cây cà phê phát triển, đang là một đòi hỏi bức xúc hiện nay.



Nguồn: TTTM
Báo cáo phân tích thị trường