Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê: Giá XK cao – người dân vẫn... không đủ sống
09 | 06 | 2008
Khuyến khích nông dân không nên mở rộng diện tích cà phê trong giai đoạn hiện nay là chủ trương của tỉnh Đắk Lăk, Đăk Nông và một số tỉnh có diện tích trồng cà phê lớn. Bởi theo nghiên cứu của tỉnh Đắk Nông, nếu trừ đi các chi phí đầu tư, thu nhập trung bình trên 1ha cà phê của gia đình 5 nhân khẩu chỉ đạt trên dưới 200.000đồng/người/tháng. Như vậy thì việc mở rộng diện tích sẽ là lợi bất cập hại.
Càng mở rộng diện tích càng lỗ

Dù giá cà phê bán trên thị trường mấy tháng đầu năm nay được đánh giá là tăng khá cao so với những năm trước đây, tuy nhiên, theo bà con nông dân trồng cà phê thì phần chênh lệch về giá bán không đủ bù cho những chi phí sản xuất đầu vào của cà phê.

UBND tỉnh Đắk Nông đã có một nghiên cứu khá chi tiết về các công đoạn sản xuất cà phê. Theo đó, để trồng 1ha cà phê vối, người dân phải đầu tư, chi cho các công đoạn cụ thể như: chi phí vật tư, chi phí nhân công, chi phí máy, chi phí trực tiếp... hết khoảng 46,182 triệu đồng. Nếu 1ha cà phê đó cho năng suất đạt khoảng 3.000kg/ha, với giá bán trung bình: 30.000đồng/kg thì doanh số thu về đạt khoảng 90 triệu đồng. Nếu trừ đi số vốn bỏ ra thì người nông dân còn lại là 43,8 triệu đồng. Như vậy, nếu một gia đình có 5 nhân khẩu thì sau 1 năm trồng trọt, cà phê sẽ cho họ thu nhập khoảng 730.000 đồng/người/tháng. Tuy nhiên, đó là năng suất đạt cao, còn nếu năng suất cà phê chỉ đạt 2.000kg/ha thì sau khi trừ đi tổng chi phí đầu vào, thu nhập của bà con chỉ còn là trên 200.000đồng/người/tháng.

Với phép tính này, UBND các tỉnh trồng cà phê đã phải khuyến cáo bà con nông dân không nên mở rộng diện tích trồng cà phê trong giai đoạn hiện nay. Sở dĩ đưa ra những khuyến cáo này là bởi thời gian qua, thấy giá cà phê XK của các doanh nghiệp tăng cao, dự báo nhu cầu cà phê trên thế giới vẫn rất lớn, vì thế tại nhiều địa phương, bà con nông dân đã tự mở rộng diện tích trồng cà phê, hy vọng sẽ thu được hiệu quả cao.

Xuất khẩu không đạt chỉ tiêu

Nếu như 3 tháng đầu năm XK cà phê còn đạt cao cả về số lượng và giá trị thì từ tháng 4, XK cà phê đã có xu hướng giảm rõ rệt. Riêng tháng 5, XK cà phê chỉ đạt 70 ngàn tấn, trị giá 154 triệu USD, giảm gần 10 triệu USD so với tháng 4, đạt 75,3% về sản lượng và tăng 7,7% về giá so với cùng kỳ. Do đạt thấp như vậy, 5 tháng đầu năm nay, XK cà phê chỉ đạt 493 ngàn tấn, với kim ngạch 1,008 tỉ USD, chỉ đạt 64,4% về số lượng và 90,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2007.

Sở dĩ dẫn đến những con số đạt thấp này, một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là do thời gian gần đây, các doanh nghiệp XK đang gặp khó khăn về vấn đề vốn. Nguồn vốn kinh doanh XK cà phê của các doanh nghiệp lâu nay chủ yếu dựa vào vốn vay ngắn hạn của ngân hàng. Vì thế việc lãi suất cho vay ngắn hạn của các ngân hàng tăng cao, muốn có vốn để thu mua cà phê XK, doanh nghiệp không còn cách nào khác hoặc bấm bụng đi vay, hoặc cân đối giảm hoạt động XK. Các doanh nghiệp đều cho rằng, chưa bao giờ hoạt động XK cà phê lại gặp khó khăn như hiện nay. Mặc dù các doanh nghiệp XK đã có nhiều kinh nghiệm đối phó với việc biến động giá cà phê trên thị trường thế giới, nhưng với lãi suất ngân hàng cao như hiện nay, doanh nghiệp gần như "bó tay". Hầu hết các doanh nghiệp lớn XK cà phê đều chỉ XK được khoảng 50% số lượng so với cùng kỳ năm 2007.

Giải pháp đầu tư về “chất” hơn “lượng”

Trong bối cảnh XK gặp khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp đều đề xuất các giải pháp tháo gỡ nguồn vốn giúp doanh nghiệp thu mua nguyên liệu cung cấp cho XK. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Cao Đức Phát đã có kiến nghị Chính phủ đưa các mặt hàng nông, thủy sản vào danh sách các mặt hàng được ưu đãi về vốn. Trước mắt, mới chỉ có mặt hàng sản xuất và XK cá tra được Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước áp dụng nguồn vốn vay ưu đãi, vì thế các doanh nghiệp XK cà phê cần phải có thời gian và đưa ra những giải pháp của doanh nghiệp, nhằm giải quyết khó khăn trước mắt.

Mặt khác, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh khó khăn về nguồn vốn thì việc XK cà phê của Việt Nam chưa đạt giá trị cao trong khi sản xuất đứng thứ 2 thế giới là bởi đầu tư sản xuất cà phê chất lượng cao ở Việt Nam vẫn chưa được xem trọng. Vì thế, để giải quyết bài toán trên, các chuyên gia đưa ra mấy giải pháp cụ thể như: thay bằng việc mở rộng diện tích trồng cà phê vô tội vạ của bà con nông dân thì các cơ quan chức năng nên có những chính sách đầu tư, hướng dẫn, giúp đỡ bà con phương pháp sản xuất cà phê theo chứng chỉ mới của các tổ chức trên thế giới cấp như “UTZ”. Đây là một Tổ chức được nhiều nước trên thế giới công nhận tiêu chuẩn chất lượng cà phê.

Tại tỉnh Đăk Lăk, sản xuất cà phê theo hướng dẫn của Tổ chức UTZ cũng đã được áp dụng, nhưng mới chỉ có số ít doanh nghiệp, trong khi sản xuất cà phê chiếm tới 90% là bà con nông dân. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng phải “vào cuộc” bằng những việc làm cụ thể, tuyên truyền cho người nông dân hiểu được cái lợi từ việc áp dụng các quy trình kỹ thuật, môi trường… trồng trọt chăm sóc mới này so với phương thức cũ không chỉ từ việc bón phân, tưới nước đúng thời điểm sẽ tiết kiệm được vốn và nguồn nước trong mùa khô hạn mà mỗi tấn cà phê giá còn tăng thêm từ 120 – 150 USD. Như vậy về lâu dài, cà phê Việt Nam sẽ tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường thế giới nhờ chất lượng sản phẩm.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường