Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sàn hàng hóa: Sân chơi không dành cho nghiệp dư
27 | 10 | 2011
Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông thường xuyên đưa tin về biến động giá vàng, giá cà phê cùng nhiều loại hàng hóa nguyên nhiên liệu thô. Để tránh rủi ro về biến động giá cho các thành phần trong chuỗi cung ứng, một mặt, người ta ca ngợi các hợp đồng “futures”, hợp đồng quyền chọn qua sàn giao dịch hàng hóa nhưng mặt khác, người ta cũng nghi ngại các sàn giao dịch thế này có thể gây nguy hại đến nền kinh tế.

Trong khi đó, vài năm gần đây, ở Việt Nam xuất hiện nhiều sàn giao dịch hàng hóa như vàng (đã bị nhà nước cấm), cà phê, cao su, gạo, thép, hạt điều được thành lập, và cũng có nhiều sàn hàng hóa bị buộc phải đóng cửa như sàn vàng. Thế thì nên hiểu sàn giao dịch hàng hóa thế nào cho đúng là câu hỏi của khá nhiều người.

Chuyên trang Nông sản Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online xin giới thiệu bài viết 3 kỳ của chuyên gia Lê Hoàng Nhi, thạc sĩ luật về các công cụ và thị trường tài chính – Đại học Paris 11, thạc sĩ tài chính – Sorbonne Panthéon Paris 1. Bài viết dưới đây cung cấp thêm một góc nhìn về sàn giao dịch hàng hóa.

Kỳ 1: Từ chợ truyền thống….

Khi một ai đó có nhu cầu trao đổi hàng hóa, họ phải tìm kiếm đối tác trong danh bạ riêng của mình. Các giao dịch được thực hiện ở dạng này tạm gọi là các giao dịch “không qua chợ”. Việc tìm ra một đối tác có nhu cầu tương ứng nhiều khi không phải là chuyện đơn giản. Do đó, mọi người thường tìm đến chợ. Chợ là một không gian quy ước, là nơi giúp mọi người gặp gỡ và trao đổi hàng tiền, dịch vụ dễ dàng. Cho đến nay, cả hai hình thức giao dịch “qua chợ” và “không qua chợ” vẫn tồn tại song song nhau.

Có rất nhiều cách phân loại chợ khác nhau tùy theo cách tiếp cận. Đối với nhà làm luật hay nhà quản lý, họ thường phân chia các giao dịch nói chung (“qua chợ” và “không qua chợ”) thành các nhóm chính: giao dịch dân sự, thương mại hay giao dịch tài chính. Việc phân loại này dựa vào chủ thể giao dịch, đối tượng giao dịch hoặc các công cụ giao dịch.

Giao dịch dân sự thì muôn hình vạn trạng. Chủ thể thực hiện các giao dịch này là cá nhân, tổ chức; đối tượng giao dịch và phương thức giao dịch thì phong phú, dựa vào ý chí của các bên. Các quan hệ dạng này được luật dân sự điều chỉnh.

Giao dịch thương mại cũng rất phong phú. Tính thương mại ở đây thể hiện ở chỗ: một bên chủ thể trong quan hệ này là thương nhân (pháp nhân, thể nhân thương mại); các đối tượng và phương thức giao dịch này phải được liệt kê trong Luật thương mại.

Giao dịch tài chính thì hẹp hơn, nó cũng là một hoạt động thương mại. Giao dịch tài chính được đặt ra khỏi nhóm các giao dịch thương mại dựa vào tiêu chí đối tượng giao dịch (các sản phẩm tài chính) và phương thức giao dịch (các công cụ tài chính). Thường thì các quan hệ dạng này phải được điều chỉnh bởi luật về thị trường tài chính. Việt Nam chưa có luật chung cho thị trường tài chính mà thay vào đó là các luật riêng rẽ như luật về các tổ chức tín dụng, luật chứng khoán…

Việc phân loại các loại giao dịch như thế này nhằm dễ dàng cho quản lý vĩ mô. Các giao dịch càng phức tạp, cao cấp như tài chính, thì rủi ro càng lớn. Thiệt hại xảy ra (nếu có) sẽ dễ dàng kéo theo hiệu ứng liên hoàn gây nguy hiểm cho cả nền kinh tế. Do đó, nó cần được quản lý một cách đặc biệt.

Sàn giao dịch hàng hóa: chợ thương mại hay chợ tài chính?

Qua phân loại như trên, chúng ta biết rằng dù quy mô và phương thức chợ có khác nhau như chợ phiên, chợ huyện, chợ nổi, chợ cạn, chợ bán lẻ, bán sỉ hay siêu thị, chợ đầu mối... thì những hình thức chợ này cũng chỉ dừng lại là những chợ thương mại chứa đựng những quan hệ dân sự và thương mại.

Sàn giao dịch hàng hóa chẳng qua là một dạng “chợ”. Vấn đề đặt ra ở đây là các giao dịch qua sở giao dịch hàng hóa thuộc về nhóm giao dịch nào? Giải đáp được câu hỏi này thì nhà làm luật và nhà quản lý mới có những biện pháp quản lý tương ứng.

Các giao dịch qua sàn giao dịch hàng hóa được thực hiện bởi các thương nhân nên chắc chắn những giao dịch này không thuộc về giao dịch dân sự đơn thuần. Sàn giao dịch chỉ có thể được xem như là chợ thương mại hoặc chợ tài chính.

Chúng ta có thể tham khảo cách nhìn nhận về sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới để tìm về cội nguồn của nó. Ở Mỹ vào thế kỷ 19, sau khi cơ khí hóa nền nông nghiệp, quy mô sản xuất và sản lượng lúa mì tăng lên rất nhiều lần. Những chợ và giao dịch quy mô nhỏ dường như trở nên lỗi thời. Nhu cầu về một chợ nông sản tập trung quy mô lớn ra đời.

Lần đầu tiên, vào năm 1848, CBOT (Chicago Board of Trade), trung tâm giao dịch nông sản tập trung quy mô lớn, được thành lập nhằm giúp nông dân có cơ hội gặp gỡ, xúc tiến thương mại, đấu giá sản phẩm của mình. Ban đầu,họ mua bán trao tay. Sau, để đảm bảo khả năng sinh lời, người nông dân lựa chọn các hợp đồng forward để định trước sản lượng, mức giá thanh toán trong tương lai.

Nếu chỉ dừng lại với những yếu tố này, CBOT chỉ là một chợ thương mại, là nơi đấu giá, xúc tiến thương mại.

Một thời gian sau, các giao dịch ở sàn CBOT trở nên phổ biến. Giao dịch càng trở nên nhộn nhịp hơn khi mà các thành phần tham gia thị trường này mua đi bán lại các hợp đồng forward. Tạo điều kiện cho việc chuyển nhượng các hợp đồng này, sàn CBOT đã tiêu chuẩn hóa các hợp đồng, tổ chức niêm yết đấu giá để có một mức giá chung của thị trường.

Với quy mô giao dịch lớn, người nông dân và các nhà kỹ nghệ nhiều khi không có đủ nguồn tài chính để tham gia thị trường. Để loại bỏ rào cản này và hỗ trợ người tham gia thị trường, sàn CBOT tạo ra một cơ chế thanh toán mới là tiền bảo chứng (margin).

Những người tham gia chỉ cần ký quỹ một lượng tiền bảo chứng với giá trị rất nhỏ so với giá trị hợp đồng. Tùy vào loại hàng hóa, thông thường, số tiền ký quỹ đòi hỏi chỉ bằng 5% đến 10% giá trị hợp đồng.

Số tiền này bảo đảm thanh toán khoản lỗ của hợp đồng khi giá thay đổi. Nếu giá thay đổi theo chiều hướng xấu và người tham gia thị trường vẫn muốn giữ hợp đồng thì họ buộc phải nạp thêm tiền ký quỹ. Ngược lại, nếu giá thay đổi theo chiều hướng tốt, họ sẽ được nhận khoản tiền lời tương ứng vào tài khoản của mình. Trách nhiệm quản lý việc ký quỹ, thanh toán thuộc về cơ quan thanh lý của sàn giao dịch.

Chính cơ chế thanh toán qua tiền bảo chứng giúp cho loại hợp đồng này trở thành một đòn bẩy tài chính mạnh và đồng thời cũng rất rủi ro. Với một số tiền bảo chứng ít ỏi, họ có thể mua bán hàng hóa với giá trị gấp 10 đến 20 lần. Nếu giá thị trường thay đổi theo chiều hướng tích cực, họ sẽ lời nhanh chóng. Nhưng nếu giá thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, họ cũng nhanh chóng mất sạch tiền ký quỹ.

Những người tham gia thị trường này bao gồm nông dân, các nhà sản xuất và ngay cả những nhà buôn đầu cơ. Thuở ban đầu, họ đến với sàn CBOT nhằm tạo thuận tiện cho việc trao đổi, giao nhận hàng hóa. Nhưng nhiều người trong số họ không muốn giao nhận hàng. Thế là, họ mua hoặc bán lại hợp đồng đó trước kỳ hạn. Việc này trở nên phổ biến và việc giao nhận hàng hóa thực sự trở nên hiếm, ngày nay chỉ chiếm dưới 5% giá trị giao dịch của sàn.

Giao dịch qua sàn dựa trên giấy tờ là chủ yếu. Sàn hàng hóa hoạt động dựa trên sự quản lý hiệu quả các nguồn vốn của cơ quan thanh lý.

Từ những đổi mới trên, hợp đồng forward được nâng cấp thành một dạng hợp đồng mới, cao cấp hơn là hợp đồng futures. Với những tính riêng biệt này, hợp đồng futures trở thành một công cụ tài chính. Cộng thêm với sự bổ sung các công cụ tài chính khác như hợp đồng quyền chọn (option ), sàn hàng hóa CBOT trở thành một chợ tài chính.

Về sau, các sàn giao dịch hàng hóa (commodities) trên thế giới được xây dựng trên nền tảng các công cụ tài chính như “futures”,“option” đều được xem là chợ tài chính. Những nhà kinh doanh đến với chợ hàng hóa tài chính để bảo hộ giá hàng hóa và đầu cơ.

Sân chơi không dành cho kẻ nghiệp dư

Như đã trình bày ở trên, các giao dịch tài chính thường phức tạp, rủi ro và không phải mặc nhiên dành cho tất cả mọi người. Họ chỉ nên sử dụng các sản phẩm và công cụ tài chính khi đã am hiểu cách sử dụng và những rủi ro gắn liền với chúng. Trong trường hợp công cụ đòn bẩy tài chính là tiền ký quỹ bảo chứng sử dụng trong thị trường hàng hóa, nhà kinh doanh có thể được ăn cả (khi giá tích cực) - ngã về không (khi giá tiêu cực). Nếu nhà kinh doanh không am hiểu và tuân thủ các chuẩn mực bảo hộ rủi ro, việc mất sạch tiền ký quỹ bảo chứng, phá sản là hoàn toàn có thể xảy ra.

Để bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư, quyền và nghĩa vụ của các thành phần trong thị trường này được quy định tương tự hoặc nhiều khi còn chặt chẽ hơn trong thị trường chứng khoán.

Cụ thể, nhà đầu tư chỉ được tham gia giao dịch ở thị trường hàng hóa khi vượt qua được bài kiểm tra kiến thức cơ bản về các công cụ, thị trường và rủi ro (không phải như sàn chứng khoán, ai có tiền đều có thể đầu tư). Nếu nhân viên môi giới, tư vấn bỏ qua bước này dẫn đến thiệt hại cho nhà đầu tư (khách hàng của họ), thì họ phải chịu trách nhiệm.

Do đó, các công ty dịch vụ tài chính, môi giới, hỗ trợ giao dịch và tư vấn viên trong thị trường hàng hóa thuộc về nhóm ngành nghề có điều kiện. Họ phải được cấp chứng chỉ hành nghề và chịu sự kiểm soát của cơ quan quản lý thị trường. Nếu có vấn đề về đạo đức nghề nghiệp hoặc vi phạm quy định về ngành nghề thì phải bị chế tài từ cơ quan quản lý thị trường.

Để quản lý thị trường tài chính phức tạp này, các nước có sàn giao dịch hàng hóa lâu đời đã lập hẳn cơ quan quản lý thị trường chuyên biệt. Cơ quan này quản lý, giám sát hoạt động của thị trường, áp đặt các quy định về quản lý rủi ro và thực hiện các biện pháp chế tài khi có vi phạm.

Chẳng hạn cơ quan quản lý thị trường hàng hóa tài chính ở Mỹ là CFTC (U.S.Commodity Futures Trading Commission) và ở Pháp là AMF (Autorité desMarchés Financiers).

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường