>> Bài 1: Những dự án biến tướng
Năm dự án sân gôn được đầu tư
|
Đồng Mô, một trong những sân gôn đã đi vào hoạt động. Ảnh: Yến Ngọc |
Sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có 19 dự án liên quan đến sân gôn, trở thành địa phương nhiều dự án sân gôn nhất cả nước. Thực tế, mới chỉ có 4 dự án đã đi vào hoạt động là sân gôn Hà Nội, diện tích 110ha (xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn); sân gôn Vân Trì, diện tích 128ha (huyện Đông Anh); sân gôn Đồng Mô, diện tích 350ha (thị xã Sơn Tây) và sân gôn hồ Văn Sơn, diện tích 192ha (xã Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ). Số còn lại mới chỉ được chấp thuận nghiên cứu lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư (9 dự án) hoặc đã được cấp phép đầu tư, nhưng mới dừng ở khâu GPMB (6 dự án). Hai dự án là khu đô thị du lịch sinh thái và sân gôn Long Biên (do Công ty CP Vincom đề xuất) và sân gôn 36 lỗ kết hợp công viên cây xanh và khu du lịch Thanh Trì (do Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh đề xuất) đã chính thức dừng từ đầu năm 2009 do nằm trong vùng đất bãi ngoài đê chưa được phê duyệt quy hoạch đê điều, hành lang thoát lũ. Do chưa có quy định cụ thể về tiêu chuẩn, tiêu chí, cũng như quy hoạch mạng lưới sân gôn nên có thể thấy sự bất hợp lý trong phân bố dự án. Chẳng hạn, trên địa bàn huyện Ba Vì có tới 3 dự án sân gôn; huyện Chương Mỹ 3 dự án, huyện Quốc Oai 2 dự án.
Trước đòi hỏi phải bảo đảm cho sự phát triển ổn định bền vững của Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã rà soát các dự án xây dựng sân gôn trên địa bàn. Theo đề xuất của Hà Nội, sẽ dừng những dự án sử dụng nhiều đất trồng lúa, xây dựng ở vùng đông dân cư, vị trí nhạy cảm về chính trị, văn hóa, xã hội... gây khó khăn cho GPMB. Với tiêu chí này, 10/19 dự án được đề nghị dừng, chuyển mục tiêu đầu tư, trong đó có dự án chiếm nhiều "bờ xôi, ruộng mật" như khu vui chơi giải trí Tuần Châu - Hà Tây, sân gôn "Temple lake golf&resort"; lấy vào đất trại giống cây trồng như sân gôn hồ Cẩm Quỳ (Ba Vì); khó GPMB, không phù hợp định hướng quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội như khu đô thị gôn Mê Linh; khu luyện tập thể thao vui chơi giải trí Mễ Trì (Từ Liêm), sân gôn hồ Đồng Sương (Chương Mỹ), khu du lịch đô thị sinh thái và sân gôn Phú Mãn (Quốc Oai), sân gôn hồ Mèo Gù (Ba Vì)... Chỉ còn 5 dự án được đề xuất triển khai tiếp là sân gôn quốc tế Sóc Sơn, sân gôn và dịch vụ Long Biên, khu du lịch sinh thái hồ Quan Sơn (huyện Mỹ Đức), sân gôn trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Riêng khu du lịch Tản Viên, thành phố đề xuất chỉ triển khai giai đoạn 1, dừng giai đoạn 2 để không lấy vào đất trại gà giống và trung tâm tinh giống bò. Như vậy, cùng 4 dự án đã hoạt động, Hà Nội chỉ còn 9 dự án sân gôn, nếu đề xuất trên được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.
Niềm vui của nông dân không mất đất
Gặp chúng tôi, ông Tạ Văn Giang, cụm trưởng cụm dân cư số 1, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai, nơi có dự án khu vui chơi giải trí Tuần Châu, Hà Tây) phấn khởi ra mặt. "Chính quyền thành phố đã có quyết định sáng suốt để dân chúng tôi còn ruộng cày cấy" - ông nói. Ông Giang, năm nay đã 71 tuổi, suốt đời gắn với ruộng đồng cho biết, toàn cụm 1, thôn Phúc Đức hơn 100 hộ, sống thuần nông trên đất 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm. Thế mà dự án vào thu hồi gần như toàn bộ. Riêng nhà ông, 8 nhân khẩu, 4 sào ruộng bị mất hơn 70% diện tích. Biết tin người dân lo lắng mất ăn, mất ngủ, sợ sau này, không còn đất sản xuất, con cháu họ sống bằng gì. "Bà con chúng tôi theo dõi kỹ lắm, đại biểu Quốc hội chất vấn, lãnh đạo các bộ khẳng định không lấy đất "bờ xôi, ruộng mật" làm sân gôn, nên dân phấp phỏng hy vọng. Vừa rồi, ra trung tâm Hà Nội thăm người họ hàng, tình cờ đọc báo Hànộimới biết tin thành phố đề nghị dừng dự án vì lấy nhiều đất nông nghiệp, tôi mừng quá vội về thông báo với bà con ngay" - ông Giang bộc bạch. Ông Tạ Văn Cần, cũng ở cụm 1, thôn Phúc Đức nói thêm, thực ra bà con rất muốn bộ mặt quê hương đổi thay, nên khi có dự án đầu tư bà con sẵn sàng ủng hộ. Vấn đề quan trọng là cùng với dự án, chính quyền phải định hướng chuyển nghề cho bà con để bảo đảm ổn định cuộc sống. Trưởng thôn Tạ Đức Dấn cho biết, cả thôn có 1.122 hộ, hơn 5.132 nhân khẩu, người đông, đất chật, thuần nông, không nghề thủ công, nên sợ nhất là mất ruộng. Vì thế, thông tin thành phố đề xuất dừng dự án được đa số người dân đồng tình. Không chỉ người dân thôn Phúc Đức mà kể cả người dân thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn cũng bày tỏ sự vui mừng trước đề xuất này. "Đa số người dân muốn có ruộng sản xuất. Tiền đền bù nhận một cục có cả trăm triệu đồng đấy, nhưng con cái không nghề nghiệp, miệng ăn, núi lở rồi cũng hết thôi" - bà Nguyễn Thị Hảo, đội 3, thôn Thụy Khuê cho biết.