Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhà nông "hậu giải phóng mặt bằng"
20 | 08 | 2007
Hiện nay, cùng với tốc độ đô thị hoá, hình thành các khu công nghiệp thì số nông dân không còn đất canh tác ngày càng nhiều. Theo một thống kê mới đây, cả nước có hơn 50.000 ha đất nông nghiệp đã bị thu hồi để phát triển các khu, cụm công nghiệp và có trên nửa triệu lao động nông thôn bị mất việc làm. Con số này đang ngày một gia tăng.

Theo dự kiến, diện tích đất bị thu hồi giai đoạn 2006-2010 sẽ là 331.430 ha, đồng nghĩa với 2,5 triệu nông dân mất việc. Đây là vấn đề bức xúc cần được giải quyết!

Tiền vào nhà khó, có tiền là tiêu!

Vốn quen nghề cày cấy, chăn nuôi lợn, gà nhỏ lẻ gom góp từng đồng lận túi, lần đầu tiên cầm trong tay một cục tiền lớn được đền bù về đất đai, hầu hết nông dân không nghĩ được câu trả lời cho bài toán làm gì để đồng tiền sinh lợi? Từ nghèo khổ bỗng chốc thành triệu phú, thậm chí có nhà là tỷ phú. Tiền vào nhà khó, có tiền là tiêu(!).

Qua thực tế khảo sát của nhiều địa phương, nhất là những thành phố lớn, những khu đô thị lớn nông dân đã dùng khoảng 60-70% số tiền đền bù đất vào việc xây dựng nhà cửa, sắm xe, mua hàng tiêu dùng và cho con cái ăn chơi.

Anh Lưu Văn Kháng ở thôn Nhân Mỹ, xã Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội) nhận 150 triệu tiền đền bù đất. Có tiền, anh đã phá ngôi nhà cũ lụp xụp lâu nay, thay vào đó ngôi nhà 3 tầng. Số tiền ít ỏi còn lại không biết làm gì anh gửi vào tiết kiệm và mở quán tạp hoá nhỏ. Mới 38 tuổi đời, vai dài, sức rộng ngày ngày anh chỉ biết ngồi trông hàng và làm việc vặt trong nhà. Nông dân ở ngoại ô thành phố lớn mất đất đã vậy, còn ở nông thôn khốn khó hơn nhiều?

Năm 2002, tỉnh Hà Nam phê duyệt thiết kế qui hoạch cụm công nghiệp Hoàng Đông (huyện Duy Tiên), trên tổng diện tích gần 84 ha. Từ đầu năm 2004 cụm công nghiệp đi vào san lấp mặt bằng. Sau gần 3 năm vẫn chỉ có mặt bằng. Đất nằm không, trong lúc hơn 800 hộ dân nằm trong diện bị thu hồi đất ở 4 thôn Hoàng Lý, Bạch Xá, Hoàng Thượng, Hoàng Đông đã qua 4 mùa thu hoạch vẫn không có ruộng cày cấy, không có công ăn việc làm. Ông Đỗ Văn Lợi ở đội 2, thôn Hoàng Thượng được đền bù hơn 76,5 triệu đồng.

Nhà có 5 nhân khẩu, trong đó có 3 cháu đang đi học, chỉ còn trông chờ vào một ít ruộng đất trước đây dùng để gieo mạ làm thu nhập chính. Mất đất, vợ chồng ông đều phải đi làm phu hồ, nhưng do sức khoẻ yếu, không quen công việc nên đành nghỉ.

Ở 2 huyện miền núi nam và bắc Trà My (Quảng Nam) nơi đang xây dựng thuỷ điện sông Tranh, có 991 hộ (chủ yếu đồng bào dân tộc thiểu số) thuộc 8 xã được hưởng kinh phí di dời, tái định cư với số tiền lên tới 488,5 tỷ đồng. Có tiền dân dồn hết vào mua xe máy đời mới nhất, điện thoại di động loại xịn nhất (chụp được ảnh) - mặc dù ở đây chưa hề có sóng di động. Nhiều nông dân được đền bù hàng tỷ đồng muốn mua cả xe hơi, trong khi bằng lái xe máy chưa có. Rất ít hộ nghĩ tới chuyện đầu tư số tiền này vào sản xuất, lo cho cuộc sống lâu dài.

Trước thực tế tiêu tiền "vung tay quá trán", UBND 2 huyện bắc và nam Trà My đã yêu cầu chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến tận nơi, vận động người dân gửi tiết kiệm. Nhưng, khi 2 huyện nghĩ ra cách "giúp dân" thì đã quá muộn, số tiền còn lại chỉ vẻn vẹn không quá 1,5 tỷ đồng!

Trước khi lấy đất, chính quyền địa phương và các chủ doanh nghiệp đều hứa và hơn thế còn cam kết là sẽ nhận tỷ lệ khá cao thanh niên và người lao động trên địa bàn vào làm việc tại doanh nghiệp. Nhưng, phần lớn lời hứa đều "gió bay", các chủ đầu tư thường "ngoảnh mặt" không nhận lao động tại địa phương theo cam kết, nếu có nhận chỉ là chiếu lệ, rồi lại sa thải không thương tiếc với cái cớ là không đáp ứng được công nghệ mới, nên phần nhiều tuyển lao động các nơi khác đến.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, sau 15 năm kể từ ngày khu công nghiệp đầu tiên ra đời, đến nay thì qui hoạch xây dựng các khu công nghiệp cũng chưa gắn với qui hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho nông dân bị thu hồi đất. Nhà nước chỉ mới có chính sách hỗ trợ tiền cho chuyển đổi nghề nghiệp, trong khi đó học nghề gì, học ở đâu, học bao lâu, học rồi có tìm được việc làm hay không là việc người dân tự lo, tự bươn trải, chính quyền các cấp cũng không biết và cũng không quan tâm.

Nông dân thành cổ đông doanh nghiệp?

Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2005 cả nước có 130 khu công nghiệp và khu chế xuất với tổng diện tích 26.500 ha do Chính phủ quyết định thành lập. Ngoài ra, còn có trên 200 cụm công nghiệp do UBND các tỉnh thành lập với tổng diện tích 13.991 ha và trên 10.000 ha đất các khu kinh doanh tập trung khác. Tổng cộng cả 3 hạng mục đã "ngốn" hết 50.511 ha đất nông nghiệp, phần lớn là bờ xôi, ruộng mật, làm ăn dễ dàng, giao thông thuận lợi.

Lẽ ra, việc thu hồi đất là cơ hội để chuyển dịch cơ cấu lao động theo đúng hướng thì chính quyền các cấp có khu công nghiệp lại thả nổi. Sau khi bị thu hồi đất, đời sống của người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, đa số chuyển sang làm thuê, chạy xe ôm, buôn thúng, bán bưng ở gần các khu công nghiệp. Thiếu việc làm ắt dẫn đến đói nghèo và theo đó các tệ nạn xã hội có điều kiện phát triển.

Mặt khác, các địa phương cũng chưa chú ý hướng dẫn người dân trong việc sử dụng hợp lý và hiệu quả số tiền được bồi thường. Gần đây, UBND Tp.HCM cũng đã đề xuất phương án hoán đổi đất giữa nhà đầu tư với người có đất khi hạ tầng được xây dựng xong.

Cụ thể, đất nông nghiệp trồng cây hàng năm là 10%, nghĩa là người dân có 1.000 m2 đất nông nghiệp khi nhà đầu tư hoàn thiện hạ tầng sẽ nhận lại 100 m2; đất nông nghiệp trồng cây lâu năm tỷ lệ là 12%. Tất nhiên, việc làm này còn phải chờ cấp có thẩm quyền cao hơn quyết định.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng khi nói về nông dân hậu giải phóng mặt bằng, đặt câu hỏi: "Tại sao chúng ta không học theo cách làm của không ít nước là dùng phần lớn tiền bán đất của nông dân góp cổ phần vào các doanh nghiệp trên mảnh đất nông dân bị thu hồi để có khoản lợi tức hàng năm?".

Đây là một vấn đề rất lớn, cần có chiến lược của Nhà nước và trách nhiệm cao của chính quyền địa phương đối với nông dân trong thời kỳ hậu WTO.



(Nguồn: Thời báo kinh tế Việt Nam)
Báo cáo phân tích thị trường