Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nên mua rủi ro cho nông dân
11 | 12 | 2008
Gói kích cầu một tỉ USD làm xôn xao những câu chuyện hàng quán ở chợ huyện, chợ xã dù ai cũng hiểu số tiền tương đương 17.000 tỉ đồng này chẳng thấm tháp vào đâu và dễ gì tới mình khi nhiều lĩnh vực đang khát vốn
Tin sốt dẻo, 3.500 tỉ đồng được điều phối cho Vinafood I và Vinafood II để mua lúa. Lời tiên đoán của nhiều người ở miền Tây đã đúng khi các tổng công ty hứng được nhiều cơ hội hơn ai hết.

Họ cười khi đoán đúng, nhưng băn khoăn: Liệu các công ty sẽ nhận tiền từ ngân sách do dân đóng góp, thay mặt Chính phủ “mua rủi ro” hàng hoá khê đọng, giải cứu nông dân? Mọi người hy vọng việc chấm toạ độ sẽ dẫn đến “gói kích cầu” như vậy vì nó giải quyết được bài toán tiêu thụ hàng hoá, tồn trữ và điều vận linh hoạt để “giải phóng” nông dân thoát khỏi cảnh nợ nần chồng chất do không bán được hàng. Bên cạnh đó là cơ hội cho hệ thống phân phối hàng đối lưu về tới nông thôn thay hàng Trung Quốc. Như vậy, các siêu thị, chuỗi cửa hàng bán lẻ, trung tâm phân phối… có thể tham gia vào gói kích cầu chứ không riêng gì các tổng công ty “đặc trách”. “Được như vậy thì… quá tốt” – nhiều nông dân đem hàng lên hội chợ Nông nghiệp quốc tế, tổ chức tại Cần Thơ (3 – 9.12) biểu đồng tình.

Nhiều nông dân còn có chung ý kiến: Mua hàng thiếu chịu ở nông thôn là chuyện lâu rồi. Thậm chí nhiều đám cưới trong xóm, sổ sách ghi: “dì Bảy: một giạ lúa, chú Chín: hai giạ, Ông Mười: ba giạ lúa… – Cuối mùa gặt gởi cho đôi vợ chồng mới cưới”. Góp lúa làm vốn cho con cháu ra riêng, nhưng lúa không ai mua thì mái ấm nho nhỏ này cũng chẳng bằng ai. Cuộc sống ở nông thôn vốn mong manh, lạc hậu càng dễ bị đẩy lùi về quá khứ cùng cực. Nhiều gia đình chấp nhận lộ trình đầy phiêu lưu: bỏ học, ly nông, ly hương ra thành kiếm tiền tự ứng cứu gia đình mình.

Trong khi đó, hầu hết các ngân hàng thương mại đều rời bỏ nông thôn, chỉ còn lại ngân hàng NN-PTNT. Nhu cầu tiền mặt của nông dân do các điểm cho vay nóng chi phối. Nhiều nơi tính lãi quá sức chịu đựng của họ.

“Mua rủi ro” của người trồng lúa hàng hoá, nếu trở thành một chương trình hành động chắc sự vận hành sẽ tốt hơn nhiều. Từ ngành hàng lúa gạo, chương trình “mua rủi ro” áp dụng cho nhiều ngành hàng nông sản hàng hoá khác, chắc chắn sẽ khiến nhịp độ đầu tư, tiêu dùng chuyển động tức thì. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng mọi thứ phải bắt đầu từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật vì đây là gói kích cầu kinh tế. Phải bỏ vốn vô đường sá, thuỷ lợi, cầu cống, đê điều… nói chung là những dự án nền tảng. Nhưng như vậy, 17.000 tỉ đồng lại càng bé nhỏ so với nhu cầu của đồng bằng sông Cửu Long, làm sao giải quyết được nhu cầu của cả nước.



Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Báo cáo phân tích thị trường