Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khai thông đầu ra cho hạt gạo
06 | 01 | 2009
Bán được lúa, nông dân có tiền để sản xuất và tiêu dùng, đó sẽ là một cú hích mạnh cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế

Theo dự báo của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO), nhu cầu lương thực trên thế giới vẫn đang ở mức rất cao; sản lượng lương thực ở các nước đang phát triển sẽ chỉ tăng 1% trong năm 2009; hiện có 963 triệu người không đủ ăn, chiếm 14% dân số thế giới. Trong khi đó, VN đang thừa lúa gạo.

Đừng để nông dân tự “bơi”

Hiện nay, lúa gạo tồn đọng ở khu vực nông thôn khá nhiều, đặc biệt là khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân không bán được lúa khiến sản xuất trì trệ; phân bón, thuốc trừ sâu, vật tư nông nghiệp ế ẩm. Không có việc làm, người dân đổ xô ra thành thị làm thuê trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp (DN) sa thải hàng loạt công nhân. Hậu quả là thất nghiệp gia tăng ở cả khu vực nông thôn lẫn thành thị.

Trước mắt, nên dùng một phần số tiền của gói kích cầu để mua lúa đang tồn đọng trong nông dân. Số lúa này sẽ làm tăng dự trữ lương thực, đồng thời khuyến khích các DN xuất khẩu tìm kiếm các hợp đồng mới vì nhu cầu gạo của thế giới hiện đang vẫn ở mức cao. Khi kinh tế suy thoái, người ta có thể dè dặt trong chi tiêu nhưng nhu cầu tối thiểu về ăn mặc thì không thể “cắt”.

Ở Trung Quốc, chính phủ tài trợ chủ yếu cho các dự án công, đối với các dự án của DN thì tài trợ rất ít, khoảng 1%-2%; các DN phải đi vay ngân hàng hoặc phát hành trái phiếu công ty. Thế nên, ở ta, cần cân nhắc thật kỹ các giải pháp chỉ nhằm hỗ trợ các tập đoàn kinh tế lớn.

Vấn đề là ta chủ động khai thác thị trường này như thế nào? Bán được lúa, nông dân có tiền để sản xuất và tiêu dùng, đó sẽ là một cú hích mạnh cho hoạt động sản xuất của nền kinh tế nước ta vốn đang trì trệ. Đầu tư vào xây dựng một hệ thống phân phối sản phẩm nông nghiệp cũng là vấn đề cần phải tính đến và triển khai. Hình thành sàn giao dịch nông sản để giúp cho nông dân và các DN phòng ngừa rủi ro biến động giá là việc nên cần làm ngay trong lúc này.

Thực tế, sản xuất nông nghiệp hiện chưa được đầu tư đúng mức. Những đề xuất trên có thể phần nào giúp được nông dân thoát khỏi cảnh tự “bơi” như hiện nay.

Khơi luồng vốn từ ngân hàng và người dân

Một trong những nguồn tiền cho chương trình kích cầu là phát hành trái phiếu Chính phủ. Trong điều kiện kinh tế suy thoái hiện tại, dòng chuyển động của tiền từ phát hành trái phiếu sẽ khác với bình thường và đó chính là rủi ro cần phải được nhận diện thấu đáo.

Khi Chính phủ huy động tiền từ phát hành trái phiếu, đối tượng mua trái phiếu nhiều nhất khả năng sẽ là các ngân hàng thương mại (NHTM). Hệ thống NHTM hiện đang thừa vốn khả dụng nên họ sẽ tạm thời mua trái phiếu Chính phủ để sinh lãi và tránh được rủi ro khi cho các DN vay. Còn nguồn tiền trong dân (chưa được xác định chính xác là có bao nhiêu) rất khó trở thành nguồn vốn chủ đạo. Hơn nữa, do chính sách hiện tại của chúng ta đang là kích cầu đầu tư và tiêu dùng nên huy động vốn từ Chính phủ không nhằm mục đích hút tiền về để chống lạm phát như trước đây. Vì vậy, nếu nguồn tiền huy động này được Chính phủ bơm vào khu vực sản xuất thì chúng ta có nguy cơ rơi vào vòng lẩn quẩn như sau:

Đáng lý ra, nếu cần tiền, các DN trực tiếp đến NHTM để vay nhưng do các DN không có đầu ra để vay ở các NHTM nên phải thông qua kênh gián tiếp là Nhà nước. Chính phủ, bằng uy tín của mình, đi vay và đem số tiền đó về cho các DN. Hóa ra rủi ro của các DN lại chuyển sang cho Nhà nước. Lúc đó, NHTM không còn phải lo rủi ro, trong khi DN sử dụng tiền vay mà không ngại áp lực phải trả tiền hoặc phải trả với chi phí cao. Rủi ro này cuối cùng cũng do người dân gánh chịu, bởi lẽ nếu DN không có khả năng trả nợ thì Nhà nước phải dùng ngân sách từ tiền đóng thuế của dân để trả.

Chính vì thế, nguồn vốn quan trọng nhất để chống suy thoái hiện nay là làm thế nào khơi thông được luồng vốn ở các NHTM cũng như các định chế tài chính và trong dân cư, hơn là nghĩ đến phát hành trái phiếu Chính phủ.

Mời tham gia diễn đàn “Hiệp lực vượt sóng”

Năm 2009, dự báo kinh tế VN vẫn chưa thoát khỏi tình trạng khó khăn; tác động của khủng hoảng kinh tế sẽ chạm vào mỗi bữa ăn của từng gia đình.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã đề ra 4 nhiệm vụ trọng tâm cấp bách và 5 nhóm giải pháp chủ yếu để thực hiện. Giải pháp đã có, vấn đề còn lại là làm thế nào để tổ chức thực hiện thật hiệu quả nhằm xoay chuyển tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Để làm được như vậy, nhất thiết phải vá ngay những lỗ hổng cơ chế - chính sách đang tồn tại; thay đổi mạnh nếp nghĩ - cách làm vốn dĩ đã lỗi thời ở một số bộ - ngành, địa phương; khắc phục những bất cập từ cơ sở; khoan sức dân và huy động trí - lực của toàn xã hội...

Như là tâm nguyện chung tay cùng Chính phủ hướng tới mục đích trên, Báo Người Lao Động mở diễn đàn “Hiệp lực vượt sóng” và trân trọng kính mời các chuyên gia, chủ doanh nghiệp, công nhân, nông dân... cùng tham gia.

Bài tham gia diễn đàn, vui lòng gửi về tòa soạn bằng e-mail qua địa chỉ: toasoan@nld.com.vn; hoặc bằng thư qua địa chỉ: Báo Người Lao Động, 127 Võ Văn Tần, quận 3 - TPHCM.


PGS-TS Nguyễn Thị Ngọc Trang (Trường Đại học Kinh tế TPHCM)



Nguồn: Báo Người Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường