Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kỹ thuật “lên đời” gạo Việt
25 | 10 | 2011
Chỉ cần vài thao tác đơn giản, lập tức lúa, gạo hạt dài bình thường được thương lái, doanh nghiệp kinh doanh gạo đặc sản “hô biến” trở thành gạo đặc sản. Đây cũng là một nguyên nhân khiến chất lượng gạo của Việt Nam đang ở mức thấp, thương hiệu vẫn mờ nhạt.

Gạo thường thành … gạo đặc sản

Anh Nguyễn Văn Chính, một thương lái chuyên kinh doanh gạo đặc sản tại xã Bình Phú, huyện Cai Lậy, Tiền Giang nói: “Muốn phân phối các loại gạo đặc sản như Nàng Thơm Chợ Đào, thơm nút (VD 20) hay Jasmine ra thị trường mà chỉ biết đi mua rồi về xay xát và đem đi bán, có nước đi ăn cám còn hơn (ý nói sẽ không có lời)”.

Nhiều thương lái kinh doanh gạo đặc sản tại chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang tiết lộ, để hưởng được lợi nhuận cao, cánh thương lái kinh doanh gạo đặc sản thường mua các loại  lúa hoặc gạo của những giống lúa hạt dài như OM 4900, OM 4218, OM 6261, OM 5451 về trộn vào lúa hoặc gạo đặc sản là được (vì những loại gạo hạt dài này có màu sắc, kích cỡ hạt gạo tương đồng với gạo đặc sản nên người ngoài nghề (không phải người trong giới kinh doanh) rất khó nhận biết.

Anh Trần Văn Tuấn, một thương lái tại chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang nói: “Tùy theo mỗi thương lái mà họ có tỷ lệ trộn giữa gạo hạt dài với gạo đặc sản khác nhau. Có người trộn tỷ lệ 3/7, 4/6 hoặc 5/5, nghĩa là trộn 3 phần hạt dài vào 7 phần đặc sản, 4 phần hạt dài vào 6 phần đặc sản hoặc 5 phần này 5 phần kia.

Với cách làm như trên, thương lái kinh doanh gạo đặc sản đã thu được một khoản lợi nhuận khá cao. Bởi vì theo anh Chính, gạo của giống lúa hạt dài có giá thấp hơn gạo đặc sản từ 3.000-7.000 đồng/kg (tùy loại), nhưng khi “hô biến”  thành gạo đặc sản thì gạo hạt dài cũng được bán ngang với giá của gạo đặc sản. Đây là “chiêu” mà cánh thương lái, doanh nghiệp kinh doanh gạo đặc sản thực hiện để qua mặt người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng ở các thành phố lớn - nơi tiêu thụ nhiều nhất các loại gạo đặc sản.

Một cách khác mà cánh thương lái thường thực hiện để “hô biến” gạo thơm nhẹ OM 4900 thành gạo thơm sữa (hạt gạo có màu trắng đục - một loại gạo đặc sản có giá rất cao), đó là phơi lúa của giống lúa OM 4900 cho thật khô đến khi hạt gạo từ màu trắng trong chuyển sang trắng đục rồi trộn vào giống lúa thơm sữa (tỷ lệ trộn tùy mỗi người) đem xay xát, vậy là thương lái có được sản phẩm gạo đặc sản thơm sữa bán với giá khá cao.

Mịt mù thương hiệu gạo Việt

Giáo sư Võ Tòng Xuân - một chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam cho biết, thực chất chính sách khởi xướng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt Nam đã có từ rất lâu, đây không phải là vấn đề mới.

Tuy nhiên, với cung cách làm ăn gian dối vì lợi nhuận, không có bài bản của nhiều doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo lẫn thương lái đã vô tình làm cho thương hiệu gạo Việt ngày càng mịt mù.

Ông Nguyễn Văn Mười, Giám đốc ngành lúa gạo và chế biến gạo theo tiêu chuẩn GlobalGap của Công ty ADC cho biết: “Gạo đặc sản Việt Nam sẽ khó mà cạnh tranh lại gạo Thái Lan, thậm chí đánh mất luôn thị trường trong nước nếu chúng ta vẫn giữ cách làm ăn gian dối, không có một chiến lược mới về xây dựng thương hiệu cho hạt gạo”.

Ông Mười cho biết thêm, muốn xây dựng thương hiệu cho gạo đặc sản, đầu tiên phải có vùng nguyên liệu lớn, có chương trình quảng bá sản phẩm, đặc biệt là phải có biện pháp ngăn chặn tình trạng trộn lẫn giữa các loại gạo với nhau.

“Gạo đặc sản không nhất thiết phải là những loại gạo cao cấp, chất lượng thật ngon. Gạo đặc sản là những loại gạo có cơm mềm, chỉ có duy nhất một giống lúa, không được trộn lẫn nhiều giống vào nhau”- giáo sư Xuân cho biết.

Giáo sư Võ Tòng Xuân đặt vấn đề: “Tại sao Thái Lan có nhiều loại gạo đặc sản được thế giới biết đến, còn ở Việt Nam lại không?”.

Thực chất của vấn đề được giáo sư Xuân lý giải: “Ở Thái Lan việc thu mua lúa gạo do nhà nước của họ thực hiện, có sự phân chia từng loại gạo khác nhau. Trong khi đó, ở Việt Nam khâu thu mua, chế biến và xuất khẩu lại giao cho tư nhân thực hiện, cho nên họ mặc tình mà trộn lẫn các loại vào nhau. Thử hỏi như vậy thì làm sao mà có gạo đặc sản?”.

Sở dĩ Công ty TNHH ADC thành công với việc xây dựng thương hiệu gạo “Tứ Quí” và đang triển khai tiếp xây dựng thương hiệu gạo “Tứ Quí Phước Lộc Thọ” là nhờ ADC thực hiện một cách nghiêm ngặt từ khâu xây dựng vùng nguyên liệu, thu mua, bảo quản, chế biến và đặc biệt có chương trình tiếp thị tốt.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường