Tại hội nghị thương mại gạo thế giới năm 2011 tổ chức tại TPHCM từ ngày 19 - 21/10, các chuyên gia lúa gạo nhận định mưa bão, lũ lụt đang gây ra sự thiếu hụt nguồn cung nghiêm trọng ở nhiều quốc gia châu Á, đồng thời làm tăng nhu cầu nhập khẩu gạo dự trữ của các nước không có khả năng sản xuất.
Trong vòng vài tháng trở lại đây, mọi thông tin xấu tạo nên áp lực tăng giá gạo trên thị trường thế giới đều tập trung vào quốc gia chi phối tới 30% sản lượng gạo toàn cầu là Thái Lan.
Chính sách hỗ trợ tăng giá thu mua lúa thường lên 15.000 baht/tấn hôm 7/10, ngay lập tức đã đưa giá gạo 5% tấm của nước này tăng lên 614-630 USD/tấn. Mặc dù chưa đạt đến con số kỳ vọng 800 USD/tấn như nhiều dự báo đưa ra trước đó, nhưng sự tăng giá gạo của Thái Lan đã kéo mặt bằng giá gạo thế giới tăng ít nhất 100 USD/tấn.
Tình hình lũ lụt tại Thái Lan cũng gây ra thiệt hại lớn đến sản lượng lúa vụ chính đang thu hoạch cũng khiến cho giá gạo thế giới chao đảo.
Gần đây, Chính phủ Ấn Độ - nước sản xuất gạo lớn thứ 2 thế giới - cho phép các doanh nghiệp tư nhân xuất khẩu 3 triệu tấn gạo non-Basmati. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay, sự tham gia vào thị trường gạo thế giới của Ấn Độ sẽ khó chặn được đà tăng giá gạo.
Ông Jeremy Zwinger, Chủ tịch Hãng tư vấn, mua bán về lương thực, lúa gạo của Mỹ Rice Trader - đơn vị tổ chức Hội nghị - nhận định, Ấn Độ là một nhân tố quan trọng sau ba năm quay trở lại tham gia thị trường xuất khẩu gạo, nhưng sự tăng giá trên thị trường gần đây chủ yếu còn đến từ yếu tố tâm lý chứ không hoàn toàn do biến động cung cầu. Hơn nữa, hiện nay sự hạn chế về hậu cần cảng biển của Ấn Độ cũng không cho phép nước này có thể xuất ồ ạt trong khoảng thời gian ngắn ra thị trường 3 triệu tấn gạo như kế hoạch.
“Thái Lan với Chính phủ mới, đặt ra những mục tiêu và chính sách mới. Còn Ấn Độ cũng không cớ gì phải bán gạo giá thấp giữa lúc mặt bằng giá thế giới cao. Tôi nghĩ rằng giá gạo sẽ tăng lên 700 USD/tấn vào đầu năm 2012," ông Jeremy Zwinger phân tích.
Theo SGTT