Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Việt Nam và Thái Lan tiếp tục hạ
30 | 06 | 2008
Ngày 25/6 Việt Nam đã hạ giá sàn xuất khẩu gạo và giá gạo Thái giảm thêm 3%. Đó là những tín hiệu cho thấy nguồn cung gạo cho thị trường sẽ được cải thiện trong vài tháng tới và làm dịu bớt nỗi lo về sự thiếu hụt loại lương thực thiết yếu này của châu Á.
Giá gạo trắng Thái 100% loại B, giá gạo chuẩn của thế giới, đã giảm xuống 770 USD/tấn so với mức 795 USD/tấn trong tuần trước. Như vậy giá gạo này đã giảm gần 30% so với giá đỉnh điểm 1.080 USD/tấn hôm 24/4.

Giá gạo ở Việt Nam, nước cạnh tranh với Ấn Độ vị trí thứ hai thế giới sau Thái Lan, có xu hướng biến động rất thấp trước khi nông dân bắt đầu vụ thu hoạch tháng 6 và 7 có diện tích gieo cấy tăng cao bất thường khi giá lương thực thế giới tăng cao.

Sau khi bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trong tháng này, Việt Nam đã cắt giảm giá sàn xuất khẩu gạo thêm 2,5% xuống còn 780 USD/tấn so với mức 800 USD/tấn trong tuần trước do nhu cầu xuất khẩu chậm lại.

Do có dự đoán Ấn Độ cũng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo, nên khách mua nước ngoài không vội vã ký hợp đồng mua gạo với Việt Nam. Không những thế giá gạo Thái chỉ còn là 770 USD/tấn, nên giá gạo Việt Nam sẽ còn hạ hơn nữa. Do gạo Việt Nam thường bán thấp hơn giá gạo Thái chút ít, các khách mua đang tìm cách chỉ trả gạo Việt Nam với giá 630 USD/tấn.

Thái Lan hy vọng sẽ thu hoạch được 7,6 triệu tấn thóc trong vụ lúa tháng 6 và 7 và Việt Nam cũng sẽ có sản lượng cao hơn cho vụ thu hoạch cùng kỳ. Trước tình hình đó các nhà giao dịch gạo dự đoán giá gạo sẽ hạ xuống 700 USD/tấn ở Thái Lan, mức giá mà chính phủ cam kết sẽ can thiệp và mua vào của nông dân

Nhìn chung khách mua đang chờ mức đáy của giá gạo vào tháng 7 khi nguồn cung từ Thái Lan và Việt Nam sẽ lên mức cao.

Giá đường sẽ tăng lên 17 xu Mỹ/lb

Cosan, nhà sản xuất đường và ethanol hàng đầu Braxin, dự đoán nhu cầu đường và ethanol tăng mạh sẽ đẩy giá đường kỳ hạn tăng khoảng 1/3 lên 17 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg) trong vòng 2 năm tới.

Giá đường giao tháng 10/08 tại ICE được giao dịch ở mức 12,35 xu Mỹ/lb trong ngày 25/6. Giá đường tại đây đang hết sức chật vật để giữ mức 13 xu Mỹ/lb sau khi đạt lên mức cao nhất trong 9 tuần qua là 13,28 xu Mỹ/lb trước đó hai ngày. Còn giá một tấn đường trắng giao dịch tại Sở Giao dịch hàng hoá Luân Đôn đứng ở mức 373,50 USD trong ngày 25/6.

Hãng Cosan cho rằng mức giá hiện nay là quá thấp không thể đẩy sản lượng tăng lên đủ để đáp ứng nhu cầu đang gia tăng trên thế giới về đường và ethanol.

Braxin là nước sản xuất đường lớn nhất thế giới, nhưng lợi nhuận của các nhà sản xuất đường lại bị xói mòn bởi sự tăng giá của đồng nội tệ là đồng real so với đồng USD trong 2 năm qua, trong khi giá đường và ethanol đều thấp so với chi phí sản xuất ngày càng tăng.

Tuy nhiên, ông Carlos Murilo Barros de Mello, giám đốc thương mại Cosan cho rằng thế giới cần thêm đường, nước cạnh tranh nhất là Braxin, bởi vậy giá cả sẽ phải tăng để thúc đẩy có thêm đầu tư vào các nhà máy đường mới. Đó là lôgích mà chúng ta có thể tin tưởng mạnh mẽ.

Thuế xuất khẩu dầu cọ thô của Inđônêxia tăng làm giá dầu cọ tăng theo

Giá dầu cọ thô Malaixia tăng giá do các hoạt động mua vào và do tác động của thông tin Inđônêxia sẽ tăng thuế xuất khẩu các sản phẩm làm từ dầu cọ vào tháng 7 tới.

Theo các nhà giao dịch, giá dầu thực vật đã giảm 5% trong tuần trước, nhưng động thái tăng thuế xuất khẩu các sản phẩm làm từ dầu cọ của Inđônêxia có thể sẽ làm gia tăng số đơn đặt mua dầu cọ Malaixia và đến lượt nó sẽ đẩy giá dầu cọ trên thị trường lên cao hơn.

Kết thúc phiên 25/6, giá dầu cọ thô giao tháng 9/08 tại Sàn Giao dịch phái sinh Bursa của Malaixia đã tăng 35 ringgit lên 3.533 ringgit (1.083 USD)/tấn.

Trong khi đó giá dầu cọ thô của Inđônêxia được giao dịch ở mức 9.620 rupiah (1 USD)/kg, còn giá dầu cọ olein đã tẩy trắng, khử mùi, tinh chế và được sử dụng như dầu ăn hiện đứng ở mức 9.100-9.200 rupiah/kg.

Từ đầu tháng 7 tới Inđônêxia sẽ tăng thuế xuất khẩu dầu cọ thô lên 20% do giá dầu cọ thô giao dịch tại Rotterdam, thị trường buôn bán các loại dầu thực vật chủ yếu của châu Âu, có giá trung bình là 1.220 USD/tấn trong tháng 6. Theo thông lệ, Chính phủ Inđônêxia sẽ áp thuế xuất khẩu dầu cọ thô ở mức 20% nếu giá dầu cọ thô ở Rotterdam dao động trong khoảng 1.200-1.300 USD/tấn. Inđônêxia, nhà sản xuất dầu cọ hàng đầu thế giới, điều chỉnh thuế xuất khẩu dầu cọ hàng tháng dựa trên biến động trên của giá dầu cọ quốc tế.

Như vậy giá dầu cọ thô xuất khẩu của Inđônêxia sẽ được nâng từ 1.105 USD/tấn trong tháng 6 lên 1.144 USD/tấn vào tháng 7/08.




Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường