Ông Nguyễn Văn Hòa, Cục phó Cục Trồng trọt (văn phòng 2) tại TPHCM, cho biết trước tình hình căng thẳng về lúa gạo trên thế giới, cộng với giá lúa gạo trong nước đã tăng khá cao, diện tích lúa vụ thu đông năm nay tăng thêm tới trên 152.000 héc ta so với vụ thu đông năm ngoái, lên mức 419.000 héc ta, tập trung ở các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Trà Vinh, Hậu Giang.
Với năng suất ước tính khoảng 4,2 tấn/héc ta, cơ quan này dự báo sản lượng lúa vụ ba năm nay có thể đạt gần 1,8 triệu tấn, giúp gia tăng sản lượng lúa gạo trong nước trong tình hình Chính phủ kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu gạo để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Trước năm 2005, vào vụ thu đông hàng năm, nông dân gieo sạ một diện tích không nhỏ nhưng không được ngành nông nghiệp khuyến khích vì e ngại lũ lụt vào cuối vụ thu đông có thể gây thiệt hại cho nông dân.
Trong hai năm vừa qua, do dịch rầy nâu, bệnh vàng lùn xoắn lá gây hại trên diện rộng nên ngành nông nghiệp các địa phương thắt chặt việc sản xuất lúa vụ thu đông, vì lo ngại sẽ lây lan sang vụ lúa đông xuân là vụ sản xuất chính của vựa lúa ĐBSCL. Do vậy diện tích vụ thu đông năm 2006 chỉ có 340.995 héc ta và sang năm 2007 còn 266.569 héc ta.
Tuy nhiên, hiện nay ngành nông nghiệp các tỉnh ĐBSCL đang phải đối phó với tình trạng nông dân đổ xô đi trồng lúa. Nhiều vùng trồng khóm, mía, cây tràm, thậm chí đất nuôi tôm, cũng được nông dân chuyển sang trồng lúa nhờ lúa được giá. Cục Trồng trọt đang lo ngại sẽ lặp lại tình trạng “được giá thì trồng, mất giá thì chặt bỏ trồng cây khác” như đã từng diễn ra nhiều năm qua ở ĐBSCL.