Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ðẩy mạnh thu mua lúa gạo để tháo gỡ khó khăn cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long
08 | 09 | 2009
Giá lúa trong nước hiện nay đang có xu hướng giảm so với đầu tháng 8 do vụ lúa hè thu vừa thu hoạch xong: Lúa IR 50404 giảm 500 - 550 đồng/kg so với giữa tháng 7; lúa Jasmine giảm 200 - 300 đồng/kg. Lúa chất lượng cao hạt dài (OM 2727, OM 1490, OM 2514) giảm khoảng 600 đồng/kg so với giữa tháng 7.

Được mùa nhưng nông dân không vui


Diện tích sản xuất lúa hè thu toàn  TP  Cần Thơ là 86.183 ha, đến nay đã thu hoạch xong năng suất ước đạt 4,744 tấn/ha, sản lượng khoảng gần 500 nghìn tấn. Theo báo cáo của các doanh nghiệp kinh doanh gạo trên địa bàn Cần Thơ, đến ngày 31-8 tồn kho 61.371 tấn lúa và 160.126 tấn gạo các loại. Thời điểm hiện tại, do giá lúa liên tục giảm, nông dân ngại đầu tư, cho nên toàn thành phố có 40.150 ha lúa để "chét", trong đó 315 ha lúa tại huyện Thới Lai để chét có đầu tư chăm sóc, còn lại 39.835 ha lúa chét không được đầu tư chăm sóc, tập trung tại các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Ðỏ, Thới Lai, Thốt Nốt.


Kiên Giang là một trong những tỉnh sản xuất lương thực lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long.  Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Kiên Giang Trần Quang Củi cho biết, năng suất vụ hè thu năm 2009 của Kiên Giang ước đạt 5,02 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt 1,295 triệu tấn, trong đó sản lượng lúa hàng hóa 700 nghìn tấn, tương đương 350 - 370 nghìn tấn gạo. Hiện tại, việc tiêu thụ lúa gạo đang gặp một số khó khăn do chất lượng thấp và trung bình như các loại lúa IR 50404, OM 576... chiếm khoảng 30%, sản lượng và giá của các loại lúa này chỉ từ 3.300 đến 3.400 đồng/kg, tiêu thụ rất chậm do các doanh nghiệp không có nhu cầu mua. Trong khi đó, các loại giống lúa hạt dài chiếm 70% sản lượng, giá từ 3.600 đến 3.700 đồng/kg, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thu mua, nhưng nông dân chưa muốn bán, để chờ giá nhích lên. Với mặt bằng giá mua lúa như hiện nay, nếu so với giá thành sản xuất 2.800 đồng/kg, nông dân lãi khoảng 25%, cao nhất cũng chỉ 30%. Như vậy, so với đầu vụ, lợi nhuận của nông dân bị giảm nhiều.


Tân Hiệp là huyện sản xuất lúa chủ lực của tỉnh Kiên Giang, với năng suất và chất lượng lúa luôn đứng trong "tốp" đầu. Ðến thời điểm này, vụ hè thu ở Tân Hiệp đã thu hoạch xong toàn bộ diện tích, năng suất đạt 5,8 tấn/ha,  sản lượng ước đạt 195 nghìn tấn. Theo kỹ sư Lê Văn Tuyền, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện, do nông dân Tân Hiệp áp dụng đúng lịch thời vụ gieo sạ, sản xuất giống lúa chất lượng cao và hệ thống thủy lợi nội đồng tương đối hoàn chỉnh, cho nên giá thành sản xuất chỉ khoảng 2.000 đến 2.200 đồng/kg lúa (bình quân chung 2.800 đồng/kg). Do vậy, hiện nay giá lúa sụt giảm chỉ còn từ 3.700 đến 3.800 đồng/kg, nhưng nông dân vẫn bảo đảm lãi hơn 30%. Mặc dù bán lúa ngay thời điểm này vẫn có lãi, nhưng nhiều gia đình nông dân ở Tân Hiệp trữ lại với hy vọng giá lúa sẽ nhích lên vào cuối vụ. Ngành NN và PTNT huyện cho biết, chỉ mới khoảng 20-25% số lượng lúa hàng hóa ở Tân Hiệp được bán ra. Ðiều này khác hơn ở những nơi khác, do đa số gia đình nông dân Tân Hiệp có mức sống từ trung bình trở lên và cũng không bị áp lực về việc nợ phân bón, thuốc trừ sâu, giống, cũng như không gặp khó khăn trong việc đầu tư tái sản xuất.


Khác hẳn với Tân Hiệp, những ngày qua, nông dân ở các huyện vùng U Minh Thượng "đứng ngồi không yên". Vụ hè thu năm nay, do thời tiết không thuận lợi cộng với sâu, bệnh trên lúa nên  năng suất chỉ đạt từ 4 đến 4,2 tấn/ha. Trong khi đó, đây là vùng sản xuất lúa có giá thành cao và vẫn còn một diện tích gieo sạ bằng giống chất lượng thấp. Bên cạnh đó, các gia đình nông dân vùng U Minh Thượng luôn chịu thiệt về giá cả vì thường bán lúa thấp hơn so với những vùng khác từ 100 đến 200 đồng/kg. Anh Nguyễn Thanh Cần, ở xã Vĩnh Hòa, huyện U Minh Thượng cho biết, vừa thu hoạch xong hai ha lúa hè thu, bán với giá 3.500 đồng/kg, tổng thu nhập chỉ được 28 triệu đồng chưa trừ chi phí. Anh Cần nói, vụ hè thu này, lãi khoảng ba triệu đồng/ha.


- Mặc dù biết lúa đang ở thời điểm thấp nhất, nhưng nếu không bán sẽ không có tiền trả cho các đại lý phân bón, tái đầu tư cho vụ sau. Ở huyện Hòn Ðất, các gia đình nông dân cũng đang lo lắng vì giá lúa đang ở mức thấp. Ông Lê Văn Bé ở ấp Vạn Thành, xã Thổ Sơn nói: "Nếu giá lúa ở mức 3.600 đến 3.700 đồng/kg (lúa dài) thì không có lãi". So với vụ đông xuân, vụ hè thu này chi phí rất cao, nhất là phân bón và thuốc trừ sâu. Vào lúc làm đòng lúa ngã đổ nhiều cho nên công cắt đội lên 160-170 nghìn đồng/công, trong khi đó lúa "trúng" lắm cũng chỉ hơn 30 giạ/công. Nhiều gia đình chưa muốn bán lúa ngay khi thu hoạch, nhưng do cần tiền để trang trải và tái sản xuất, cho nên không có cách nào khác. Ông Nguyễn Văn Vui, ở ấp Vạn Thành, xã Thổ Sơn, buồn bã nói: "Khoảng tuần sau mới thu hoạch lúa, nhưng hiện nay các đại lý vật tư nông nghiệp đã hối thúc. Biết rằng bán với giá như hiện nay không có lãi, nhưng còn cách nào hơn".


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu ở Kiên Giang đang mua gạo nguyên liệu với giá 4.950 - 5.100 đồng/kg, còn giá lúa trên thị trường từ 3.300 đến 3.700 đồng/kg. Từ đầu năm đến nay, bốn doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Kiên Giang đã xuất khẩu hơn 666 nghìn tấn. Các doanh nghiệp này đang tích cực mua lúa, gạo tạm trữ. Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch - Thương mại Kiên Giang Ðỗ Hiếu Liêm cho biết, chỉ tiêu xuất khẩu gạo đầu năm của công ty là 250 nghìn tấn, tuy nhiên đến thời điểm này đã ký hợp đồng được 410 nghìn tấn, giao cho đối tác 330 nghìn tấn. Từ nay đến cuối tháng 10, công ty phải đẩy mạnh thu mua để đủ lượng gạo 80 nghìn tấn để giao cho khách hàng. Hiện tại, công ty đang thu mua gạo và lượng gạo được mua mỗi ngày khoảng 700 đến 800 tấn. Công ty này chỉ mua gạo  chất lượng cao với giá từ 4.950 đến 5.100 đồng/kg. Ba công ty xuất khẩu gạo còn lại của tỉnh Kiên Giang là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Kiên Giang, Công ty cổ phần kinh doanh nông sản Kiên Giang và Công ty cổ phần nông - lâm sản Kiên Giang cũng đang tích cực thu mua lúa gạo để xuất khẩu và tạm trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.


Ở Sóc Trăng, thị trường lúa gạo kể từ đầu vụ thu hoạch lúa hè thu đến nay có vẻ trầm lắng hơn so với vụ đông xuân ở những tháng đầu năm 2009. Trước đây, mỗi khi trúng mùa, thương lái đổ xô đi tìm các hộ nông dân "đặt cọc" để giành quyền mua lúa. Nay nông dân lo tìm kiếm thương lái để bán lúa càng sớm càng tốt.


Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Trương Thanh Bình cho biết, năm nay toàn tỉnh cấy 167 nghìn ha lúa hè thu với các loại giống có năng suất cao như OM 576, 504, 732... Toàn tỉnh đã thu hoạch hơn 120 nghìn ha, năng suất bình quân đạt 5,4 tấn/ha, tổng sản lượng đạt khoảng 900 nghìn tấn. Nhiều hộ nông dân đã thu hoạch xong lúa hè thu nhưng phần lớn còn đang trữ lúa chờ giá tăng mới bán.


Nông dân Sóc Trăng rất vui khi lúa trúng mùa, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn vì giá lúa giảm mạnh không tiêu thụ được, lượng lúa tồn đọng trong dân rất lớn. Ðiều đáng mừng là thị trường xuất khẩu gạo đang có những chuyển biến tích cực theo hướng có lợi cho các hộ nông dân. Những ngày gần đây, giá lúa đã bắt đầu nhích lên. Loại lúa khô, dài, thương lái đang thu mua vào với giá 3.700 - 3.800 đồng/kg,  lúa chất lượng cao được mua với giá 3.900 - 4.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo như Xí nghiệp 3-2, Thành Ðạt, Vạn Lợi, Phương Huệ... cũng đang tập trung vào việc thu mua, làm cho thị trường lúa gạo ở Sóc Trăng nhộn nhịp trở lại.


Ông Nguyễn Văn Ngân ở xã Liêu Tú, huyện Long Phú còn tám tấn lúa chưa bán được bày tỏ sự lo lắng: "Lúa thu hoạch đã gần hai tuần nay mà chưa bán được. Mới đây, thương lái hỏi mua với giá 3.400 đồng/kg, tính ra lời không bao nhiêu. Giá cao hơn một chút là tôi bán ngay, vì không bán thì không có tiền trả nợ ngân hàng, phân bón, thuốc trừ sâu, mua quần áo, sách vở và chi tiêu trong gia đình".


Gần đây được biết, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các công ty lương thực, doanh nghiệp thu mua lúa với mức giá tối thiểu là 3.800 đồng/kg để nông dân có lãi khoảng 30%, ai cũng mừng. Nhưng khổ nỗi, các doanh nghiệp không mua trực tiếp mà thông qua thương lái, cho nên các hộ nông dân


thường bị ép bán giá thấp, khoảng 3.200 đồng/kg lúa thường, nếu lúa được phơi sấy tốt cũng chưa tới 3.800 đồng/kg. Nếu bán với giá này thì người sản xuất lúa từ hòa đến lỗ vốn, chứ không có lãi. Còn trữ lúa chờ giá tăng thì cũng khó. Bởi đã đến ngày trả nợ lãi ngân hàng, kéo dài thời gian sẽ bị phạt, tính kiểu nào thì các hộ nông dân cũng bị thua thiệt. Ông Ngân bảo rằng, thôi đành bấm bụng bán với giá 3.450 đồng/kg cho đỡ lo để còn tính tới vụ sau". Ông Ðặng Văn Khê ở xã Kế An, huyện Kế Sách kể: "Vụ lúa hè thu năm nay, gia đình gieo trồng được bốn ha với giống OM 576. Nhờ áp dụng đúng quy trình "ba giảm, ba tăng" và chăm sóc kỹ lưỡng, năng suất đạt gần 6 tấn/ha, cuối vụ thu hoạch được 23 tấn lúa. Cũng may là mấy ngày gần đây trời nắng, giá lúa tăng 300 - 400 đồng/kg so với tuần trước, sau khi trừ các chi phí lãi chỉ còn khoảng 15 triệu đồng. Như vậy là mừng rồi, nếu bán cách đây hai tuần thì lỗ nặng..." Còn anh Lâm Chánh ở xã Viên An, huyện Mỹ Xuyên thì than vãn: "Vụ hè thu này, gia đình tôi có năm ha, năng suất đạt 5,6 tấn/ha, thu hoạch được 28 tấn lúa. Trúng mùa nhưng vào vụ thu hoạch thì rớt giá, nên đành phải bán mười tấn lúa với giá 3.200 đồng/kg, số tiền này chỉ đủ trang trải phần nào nợ nần vật tư, phân bón còn lại "dí bồ" chờ giá lên mới bán. Cũng mừng là hiện nay giá lúa đang nhích dần lên, với 18 tấn lúa còn lại, tôi bán với giá 3.800 đồng/kg. Tính ra, trừ hết chi phí sản xuất còn lãi gần 14 triệu đồng".


Một số ý kiến đề xuất


Phó Giám đốc Công ty Lương thực Sóc Trăng Trương Văn Thắng cho biết, đến cuối tháng 8, công ty mua đủ mười nghìn tấn gạo dự trữ theo chỉ đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Hiện nay, giá lúa gạo đang tăng trở lại từ 300 - 400 đồng/kg. Ðể tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, công ty đang đề nghị Hiệp hội cho mua thêm 50 nghìn tấn gạo, với giá gạo 5% tấm từ 5.050 đến 5.100 đồng/kg, gạo 25% tấm 5.000 - 5.050 đồng/kg. Tính từ trung tuần tháng 8 đến nay, bình quân mỗi ngày công ty thu mua khoảng 70 đến 80 nghìn tấn lúa hè thu. Với tiến độ thu mua lúa gạo như hiện nay, chắc chắn đến hết tháng 9 này sẽ tiêu thụ hết lượng lúa hàng hóa vụ hè thu và bảo đảm cho người sản xuất có lãi khoảng 30% trở lên.


Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang Nguyễn Xuân Lộc cho rằng, tình hình tiêu thụ lúa gạo trong dân cơ bản thuận lợi. Các hộ nông dân có thể bán ngay tại thời điểm thu hoạch (tại ruộng), hoặc sấy khô rồi bán và chưa có hiện tượng ứ đọng lúa. Ðiều này cũng đúng, nếu nhìn theo góc độ thương mại. Vì mặc dù nhiều gia đình nông dân thu hoạch xong bán được ngay, nhưng hầu hết lại không muốn bán mà do sức ép cần có tiền để trang trải. Ðồng chí Nguyễn Xuân Lộc cũng thừa nhận rằng, tình trạng ứ đọng lúa hàng hóa sẽ xảy ra trong thời gian tới khi toàn tỉnh Kiên Giang bắt đầu thu hoạch hơn 100 nghìn ha lúa hè thu và giá lúa tiếp tục sụt giảm, trong lúc lượng gạo thu mua của các doanh nghiệp đã đủ... Ðể giải quyết vấn đề này, đề nghị Nhà nước kéo dài thời gian hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đến hết quý II-2010; đồng thời Bộ Công thương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Kiên Giang xuất khẩu đủ 800 nghìn tấn trong năm nay và tăng 900 nghìn tấn trong năm tới. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Kiên Giang Trần Văn Củi đề nghị, nếu giá gạo thế giới từ nay đến cuối năm không có biến động, tỉnh cần vận động các hộ nông dân chấp nhận bán lúa theo giá hiện tại. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ lãi suất vay cho nông dân để đầu tư mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất vụ tới. Có thể, tỉnh kiến nghị Chính phủ mua tạm trữ lúa gạo với giá bảo đảm cho nông dân có lãi hơn 30%.



Theo www.nhandan.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường