Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá lúa “nóng” được bao lâu?
14 | 03 | 2009
Sau khi Thủ tướng Chính phủ giao hai TCty Lương thực miền Bắc và miền Nam thu mua hết lúa ngay từ đầu vụ, đảm bảo người trồng lúa lãi thấp nhất 30% thì thị trường lúa gạo ĐBSCL nóng hẳn lên. Nhưng vấn đề là giá lúa "giữ nhiệt" được bao lâu?

Giá lúa chập chờn như... đom đóm

Nông dân ĐBSCL đã thu hoạch hơn 600.000/1,5 triệu ha lúa ĐX, năng suất bình quân 6,2 tấn/ha. Riêng Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp… năng suất lúa đạt gần 7 tấn/ha. Ngay từ giữa tháng 2/2009, giá lúa ở ĐBSCL đã tăng nhẹ và đều đặn do thị trường XK có tín hiệu tốt. Đặc biệt sau cuộc họp của Thủ tướng với hai TCty Lương thực thì giá lúa tăng tiếp khoảng 200 đồng/kg.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng: Nông dân đang lãi 40%

Đầu vụ ĐX nông dân gặp nhiều khó khăn do nước rút chậm, phát sinh sâu rầy, dịch bệnh… Tuy nhiên đến nay đã cầm chắc thắng lợi, cơ cấu giống rất phù hợp cho XK, giá thành sản xuất rất hợp lý, chỉ khoảng 2.100 - 2.300 đồng/kg lúa. Với giá lúa dao động như hiện tại thì nông dân đảm bảo có lãi ở mức 40%.

Tuy nhiên thực sự cả DN lẫn nông dân vẫn chưa thật yên tâm với giá lúa hiện nay, nhất là trong bối cảnh lượng lúa vụ ĐX dự báo đạt khoảng 9,5 - 9,8 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Nếu trừ lượng lúa làm giống và lúa tiêu thụ tại thị trường nội địa khoảng 3,5 triệu tấn thì vẫn dư hơn 6 triệu tấn lúa hàng hóa, tương đương khoảng 3 triệu tấn gạo. Nếu cộng sản lượng lúa các DN đã dự trữ từ cuối năm 2008 thì sản lượng lúa dư ra sẽ cao hơn con số mà các DN đã ký hợp đồng XK là 3,2 triệu tấn (6 tháng đầu năm 2009).

Đáng nói nhất là sản lượng lúa XH sắp thu hoạch “cộng hưởng” thêm số với lượng lúa hiện có khả năng sẽ “cầm chân” giá lúa hiện tại. Nông dân Nguyễn Văn Sáu, ở xã Long An, huyện Long Hồ, Vĩnh Long cho biết: “Thị trường đang làm nông dân chúng tui rối tinh rối mù, nghe thông tin DN ký được hợp đồng XK nhà nông mừng lắm nhưng đâu có biết giá là bao nhiêu. Tôi vừa thu hoạch hơn 6 tấn lúa, giá 4.200 đồng/kg nhưng đang trữ lại chờ giá. Nhà XK ngồi ở trên, nông dân bán lúa thông qua thương lái nên giá lúa biến động liên tục, chẳng biết đâu mà lần”.

Bà Nguyễn Thị Trúc Mai, chủ vựa lúa tại thị trấn Cầu Ngang, huyện Cầu Ngang, Trà Vinh cho biết: “Mấy ngày qua giá lúa thơm ST5, lúa CLC đã tăng lên hơn 200 đồng/kg. Lúa thường như IR 50404 cũng được giá 4.300 đồng/kg, lúa thơm Jasmine, ST5 khoảng 5.200 đồng/kg, OM 4900, OM 6162, OM 3536 từ 5.500 - 5.700 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều nông dân hỏi liệu giá lúa sẽ “cầm” được trong thời gian bao lâu thì tôi bó tay, không trả lời được. Chỉ một biến động nhỏ trên thị trường có thể làm giá lúa rớt vài trăm đồng mỗi kg chỉ trong một buổi sáng”.

Nông dân: Cần DN làm đúng chỉ đạo của Thủ tướng

Trên thực tế, hạt lúa từ đồng ruộng đến cảng xuất khẩu (Cty và DN lớn) đều phải qua thương lái. Nhà XK chỉ làm khâu lau bóng, đóng bao đúng theo hợp đồng. Và cũng không phải tất cả các Cty, DN kinh doanh ngành lúa gạo được 2 TCty giao chỉ tiêu XK mà chỉ có một số mà thôi. Vấn đề ở chỗ, DN ở tỉnh này được giao chỉ tiêu XK thấp nhưng sản lượng lúa hàng hóa của tỉnh lại dồi dào.

Tăng cường đầu tư hệ thống kho lúa gạo

TCty LTMN cho biết, sản lượng thu mua và chế biến của TCty hàng năm tại ĐBSCL khoảng 6 triệu tấn lúa. Kế hoạch của TCty đến 2011 sẽ hoàn chỉnh hệ thống kho lúa gạo có sức chứa 1,5 triệu tấn tại ĐBSCL với số vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này hệ thống kho lúa gạo tại ĐBSCL của DN mới đạt 856.000 tấn. Từ nay đến năm 2011, cần xây dựng kho chứa thêm khoảng 650.000 tấn nữa, chủ yếu tập trung trên địa bàn TP Cần Thơ.

Hiện nay, TCty đang khai thác, kinh doanh 3 chợ nông sản là chợ Phú Cường (Tiền Giang), chợ Thanh Bình (Đồng Tháp) và chợ Hậu Thạnh Đông (Long An). Quy trình vận hành cho các chợ này là khi nông dân sản xuất ra nông sản thì vận chuyển đến để giao dịch mua bán, khi chưa được giá có thể trữ lại tại các kho và nếu có yêu cầu chế biến hay bán gạo thì TCty cũng sẽ đáp ứng.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, PGĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp bức xúc nói: “Sản lượng lúa Đồng Tháp trên 2,7 triệu tấn lúa/năm, tương đương 1,4 triệu tấn gạo. Trừ ra sản lượng lúa giống, lúa ăn trong dân thì vẫn còn hơn 500.000 tấn gạo hàng hóa. Thế nhưng chỉ tiêu XK cả năm TCty Lương thực miền Nam phân bổ chỉ có 350.00 tấn thì làm sao tiêu thụ hết”.

Ông Hiếu nói: “Nông dân làm lúa, TCty lương thực đi bán gạo, thương lái thì biến hạt lúa ra hạt gạo. Ba khâu này chưa “khớp” nhau! Thị trường lúa, gạo từ đầu vụ lúa đến nay giá cả liên tục biến động. Có thông tin ký được hợp đồng xuất khẩu hoặc Thủ tướng chỉ đạo mua lúa thì giá lúa tăng nhưng chỉ sau đó vài ngày là giá lại... dịu”. Bà Phạm Thị Hòa, PGĐ Sở NN-PTNT An Giang cũng cho biết: Diện tích lúa An Giang là 224.000 ha nhưng giao chỉ tiêu XK gạo cho tỉnh cũng rất thấp.

Sau một năm thăng trầm của ngành hàng lúa gạo, nông dân ĐBSCL đã quá chua cay với tình trạng giá lúa lên xuống như chong chóng. Để giảm thiểu rủi ro cho nông dân, Thủ tướng vừa chỉ đạo cho 2 TCty Lương thực phải khẳng định được vị thế và thương hiệu gạo Việt Nam, tạo một hệ thống thị trường vững chắc trên thị trường gạo thế giới, vừa đảm bảo ANLT, vừa XK và cải thiện đời sống cho nông dân. Và điều nông dân cần nhất hiện tại là sự điều tiết thị trường lúa gạo đúng theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Ông Huỳnh Văn Thông, Phó TGĐ TCty Lương thực Miền Nam thì trấn an: Thị trường XK năm nay là hết sức chủ động, thị phần XK của TCty chiếm 50 - 60%. Chúng tôi đang chỉ đạo cho các đơn vị thành viên xây kho dự trữ có thể chứa được 500.000 tấn gạo, đề phòng khi giá lúa xuống thì mua trữ lại.



Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam
Báo cáo phân tích thị trường