Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiệt hại bạc tỉ vì mưa dầm
23 | 07 | 2009
Những cơn mưa liên tục kéo dài đã gây thiệt hại không nhỏ cho đồng bằng sông Cửu Long đang trong kỳ thu hoạch vụ lúa hè thu...

Nhiều nơi tại đồng bằng sông Cửu Long phải dùng ghe đi gặt lúa (ảnh chụp tại xã Ninh Quới A, Hồng Dân, Bạc Liêu) - Ảnh: D.Khang

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào kỳ thu hoạch rộ lúa hè thu. Tuy nhiên do mưa liên tục kéo dài nên người dân không thể cắt gặt, gom phơi lúa, làm ảnh hưởng tới tiến độ thu hoạch và năng suất, chất lượng hạt lúa.

Mưa kéo dài khiến nhiều hộ dân phơi lúa cả tuần lễ vẫn chưa khô (ảnh chụp tại hộ ông Nguyễn Văn Tiếp, Phú Thuận, Thoại Sơn, An Giang) - Ảnh: Đ.VỊNH

Tại nhiều nơi ở ĐBSCL, người dân đang tận dụng từng khoảng trống quanh nhà, trên các tuyến dân cư để làm sân phơi lúa. Dọc hai bên các ngả đường là những đống lúa phơi dang dở được phủ bạt nilông để che mưa.

Lúa phơi... mưa

Máy sấy chỉ đáp ứng 25%

TS Phạm Văn Dư, phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cho biết trong tháng 7-2009 vùng ĐBSCL sẽ thu hoạch khoảng 800.000ha lúa hè thu, nhưng hiện chỉ mới thu hoạch khoảng 350.000ha. Trong những ngày cuối tháng này nhiều tỉnh sẽ thu hoạch rộ, nhưng điều kiện thời tiết bất lợi đã khiến nông dân rất lo lắng vì máy sấy lúa chỉ mới đáp ứng 25% nhu cầu. Các tỉnh Cà Mau (có hơn 20.000ha lúa bị ngập), Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Long An... đều ghi nhận tình trạng lúa bị đổ do mưa nhiều nhưng chưa có số liệu thống kê.

Sáng 22-7, trời vừa hửng nắng, dọc các ngả đường ở huyện Thoại Sơn (An Giang) nhiều người dân tất tả dỡ bạt nilông cào lúa ra phơi. Nhiều đống lúa bị ẩm ướt lâu ngày đã ngả màu vàng sậm, bốc mùi chua. Phơi chưa được bao lâu trời chuyển mưa, ai nấy lại hối hả cào gom lúa lại thành từng đống rồi trùm phủ bạt tiếp. Mưa tầm tã kéo dài tới chiều.

Nhìn bầu trời kéo mây đen kịt, ông Nguyễn Văn Tiếp (ấp Hòa Tây B, xã Phú Thuận) thở dài: “Đã hơn chục ngày nay, ngày nào cũng mưa từ sáng tới chiều. Lúa bị ướt không thể nào bán được, đem về nhà cũng không xong!”. Do thiếu mặt bằng nên các khoảng đất trống dành phơi lúa “dã chiến” ngày càng quá tải. Nhiều nơi không còn chỗ phơi, bà con đổ lúa chất đống dài theo các bờ đê.

Nhiều cánh đồng đã gặt xong nhưng những bó lúa vẫn còn bỏ giữa ruộng ngập nước, bởi ngày nào cũng mưa nên không thể gom để suốt. Hơn chục công ruộng của anh Bùi Văn Thành (Thạnh Đông A, Tân Hiệp, Kiên Giang) gặt gần nửa tháng tới nay mới gom được phân nửa, số còn lại bỏ mặc cho trời. “Mưa hoài làm lúa không khô, không thể suốt được. Hạt lúa rơi rụng đã nảy mầm mà đợt mưa vẫn chưa dứt” - anh Thành than thở.

Bên kia kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp (Sóc Trăng), anh Tào Đại Quốc Nghĩa thu hoạch được hơn 100 giạ lúa gần tuần lễ rồi nhưng không thể đem phơi. Anh thở dài: “Thấy trời hửng nắng là tôi đem ra phơi, nhưng lúa chưa kịp nóng thì mưa ập tới phải đem vô, một số đã bị lên mộng vì ẩm quá. Mấy ngày tới không có nắng chắc đem lúa cho vịt ăn chứ ai mua mà bán”. Trong lúc chờ trời nắng, anh phải đổ lúa ra sàn nhà rồi mở năm cái quạt máy suốt ngày để hong trong khi chờ nắng. Tình trạng của ông Ba Nghĩa nhà bên cạnh còn tệ hơn. Làm 5 công ruộng nhưng ông chỉ thu hoạch được hơn 40 giạ lúa, bây giờ lúa đã lên mộng dài 1-2cm. Thương lái vào xem rồi bỏ đi không thèm trả giá vì hạt lúa mềm nhũn và đen thui.

Mưa kéo dài cũng khiến 8 công ruộng của gia đình anh Trần Văn Nil (xã Ninh Quới A, Hồng Dân, Bạc Liêu) thiệt hại nặng, tỉ lệ lúa bị đen bông chiếm hơn 50% và toàn bộ phải cho vịt ăn chứ không bán được.

Chỉ riêng tại Đồng Tháp còn gần 70.000ha lúa hè thu chưa thu hoạch. Sở NN&PTNT tỉnh cho biết tuy chưa có con số thống kê thiệt hại cụ thể nhưng tình hình mưa liên tục trong hơn chục ngày qua đã làm khá nhiều diện tích lúa bị ngả đổ và ngập nước khiến tiến độ thu hoạch bị chậm lại.

Giá lúa gạo giảm mạnh

Bà Nguyễn Thị Mai, thương lái mua lúa ở xã Điềm Hy, huyện Châu Thành (Tiền Giang), cho biết trước đây cứ 2-3 ngày bà hoàn thành một chuyến đi mua lúa và xay xát, nay phải mất một tuần vì không tìm ra lúa khô để mua. “Các cánh đồng ở Long An, Đồng Tháp hiện đang thu hoạch rộ, nhưng vì mưa liên tục nên mình phải mua lúa ướt cho nông dân ngay tại ruộng. Trước khi mua phải gọi điện đăng ký “tài” cho mình. Lúa ướt mà để quá 24 giờ không sấy được thì sẽ bị hư, ẩm vàng” - bà Mai nói.

Theo bà Mai, vì thời tiết bất lợi nên thương lái ngại đánh ghe vào các vùng nông thôn sâu để mua lúa, vì vậy giá không thống nhất. Nhìn chung giá lúa giảm 300-500 đồng/kg so với tuần trước. Tại huyện Tân Hồng, Tân Thành (Đồng Tháp) và một số huyện ở Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, lúa ướt loại IR 50404 từ 2.700-2.900 đồng/kg, lúa hạt dài 3.000-3.300 đồng/kg. Tuy nhiên, tại nhiều cánh đồng ở Bạc Liêu, Sóc Trăng giá chỉ 2.200-2.400 đồng/kg nhưng sản lượng tiêu thụ không đáng kể.

Theo giải thích của nhiều thương lái, sở dĩ giá lúa ướt thấp là do chi phí xử lý quá cao. Một mẻ lúa ướt phải sấy mất 6-15 giờ tùy độ ẩm. Giá sấy dao động từ 120.000-160.000 đồng/tấn, chưa kể chi phí vận chuyển và bốc vác. Ngoài chuyện sấy đạt độ ẩm, doanh nghiệp còn căn cứ chất lượng và màu sắc hạt gạo nên giá lúa gạo hiện nay không cao là đương nhiên.

Ông Trần Hòa Đông, thương lái ở Sóc Trăng, nói: “Mua lúa ướt 2.300 đồng/kg nhưng sấy xong bán lại giá 4.100 đồng/kg cũng bị lỗ. Nhiều người đã tạm ngưng mua vì lỗ hoài chịu không thấu”. Tại Tiền Giang, hiện rất nhiều thương lái tạm ngưng mua lúa trong dân vì mưa nhiều. Lượng gạo tiêu thụ giảm cũng buộc nhiều nhà máy xay xát ngưng hoạt động chờ... trời nắng. Tình hình này càng làm nông dân khốn đốn vì lúa thu hoạch ngày càng nhiều.

Chi phí thu hoạch tăng

Bà Nguyễn Thị Hồng (Tân Phước, Tiền Giang): “Lúa đang lên mộng, làm sao bán đây?” - Ảnh: V.TR.

Mưa làm nhiều diện tích lúa bị ngập sâu hoặc đổ rạp khiến khâu thu hoạch gặp rất nhiều khó khăn. Giá thuê nhân công cắt gặt, gom suốt bất ngờ tăng vọt. Tại huyện Thanh Bình, Đồng Tháp còn hơn 11.000ha lúa chưa thu hoạch, giá công cắt ở nhiều nơi lên tới 200.000 đồng/công, riêng lúa ngả đổ giá công cắt từ 250.000 đồng/công.

“Có đám ruộng phải thuê tới 280.000 đồng mới có người chịu cắt, công gom cũng cỡ đó, đều tăng cả trăm ngàn đồng so với vụ đông xuân” - bà Trương Thị Liên (ấp 2, xã Bình Tấn) kêu khổ.

(Theo Tuổi Trẻ)


Báo cáo phân tích thị trường