Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
“Vị đắng” lúa hè – thu
18 | 09 | 2008
"Tiền không có nhưng trong nhà lúa lại đầy bồ. Cần tiền kêu bán lúa thì không người mua. Từ ngày biết trồng lúa đến nay tôi mới thấy cảnh có lúa mà bán không được như vầy”.
Đó là tâm trạng đầy lo âu không chỉ riêng của nông dân Nguyễn Văn Hiền ở An Giang mà của hầu hết nông dân Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hiện nay trước tình cảnh đầu ra lúa vụ hè-thu đang bị ách tắc.

Sau buổi giao ban trực tuyến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ngày 9/8/2008, Tổng công ty Lương thực miền Nam giao chỉ tiêu thu mua gạo cụ thể xuống từng tỉnh ở ĐBSCL, và tiếp theo là UBND các tỉnh giao chỉ tiêu cụ thể xuống từng doanh nghiệp trong tỉnh, nên giá lúa hè - thu ở khu vực này bỗng chốc hồi sinh

Thế nhưng sự “hồi sinh” này chỉ vỏn vẹn đúng 5 ngày, và mọi thứ lại trở về vạch xuất phát. Cho đến hôm nay thì giá lúa hè-thu còn thấp hơn cả lúc chưa có giao ban trực tuyến của Chính phủ.

Nỗi buồn người trồng lúa

Hiện nay còn khoảng 70-80% sản lượng lúa hàng hóa còn trong dân chưa bán được mà thu hoạch lúa thu đông lại đến, cái khó trước mắt chưa giải quyết xong, cái khó mới lại phát sinh.

Chị Vũ Thị Dung, nhà ở xã Phú Lâm, huyện Phú Tân cho biết: “Con gái tôi bệnh, nhưng bệnh viện ở đây không giải quyết được, bảo đưa cháu lên Bệnh viện Nhi đồng I ở Tp.HCM để điều trị. Nhà không có tiền tôi đi kêu bán lúa suốt 3 ngày nhưng không ai chịu mua, người thì bảo phơi lại mới mua, người chịu mua thì trả 3.900 đồng/kg, trong khi đó tôi nghe nói lúa để làm gạo xuất khẩu như lúa của tôi thị trường có giá 4.100-4.200 đồng/kg. Kẹt tiền quá tôi phải đi vay ngoài với lãi suất 6%/tháng để có 5 triệu đồng đưa con đi trị bệnh”.

Không chỉ riêng chị Dung gặp phải hoàn cảnh khó khăn cần tiền bán lúa không được phải đi vay nóng. Trong số 70% nông dân trồng lúa có biết bao gia đình gặp khó khăn mà chúng ta chưa biết?

Vì đầu ra bị ách tắc, dòng chảy lúa hè - thu không được khai thông, nhưng cuộc sống thì không dừng lại, những người nông dân trồng lúa vẫn phải sống, phải chi tiêu cho mọi hoạt động bình thường trong nhà. Phần lớn nông dân trồng lúa chỉ sống nhờ vào tiền bán lúa, mà không bán được lúa bà con như đang “ngồi trên chảo lửa”.

Anh Nguyễn Văn Hồng, nông dân ở xã Long Khánh, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, nhìn cả trăm bao lúa bán không được, ngán ngẩm: “Nhà nước tính cách nào chứ để như vầy hoài thì khổ dân, tiền vay ngân hàng, tiền vật tư, tiền tiêu xài hàng ngày,... lúa đầy mà tựu trường không có tiền mua quần áo, sách vở, tiền trường cho 3 đứa con vợ tôi phải đi vay tạm để mua”.

Hiện nay về các tỉnh trồng lúa trọng điểm khu vực ĐBSCL, nhà nào cũng có lúa, phần lớn nông dân không có kho vựa lúa, họ trữ lúa trong điều kiện hết sự tạm bợ, chất thành từng khối ngoài sân lấy bạt trùm lại để che mưa, che nắng. Đã có vài trường hợp trời mưa lớn nước thoát đi không kịp đã thấm vào lúa bị ướt, bà con phải đổ ra phơi lại.

Bây giờ ở ĐBSCL đang vào mùa nước nổi, tìm ra một sân phơi không dễ, cũng có trường hợp lúa ướt không hay đến khi phát hiện thì đã ẩm mốc. Phần lớn những hộ nông dân này đều có chung tâm trạng trữ lúa tạm thời khoảng 10 ngày nửa tháng lúa có giá thì bán, vì họ không có “lực” để trữ lúa lâu. Giá lúa hè-thu đang thấp hơn từ 900 đến 1.000 đồng/kg so với mức giá sàn Chính phủ đưa ra nhằm đảm bảo cho nông dân có lời.

Theo lời các doanh nghiệp, do chất lượng gạo hè-thu thấp, khó tìm gạo đủ tiêu chuẩn làm gạo 5% tấm, và do giá gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm mạnh, loại gạo 5% chỉ còn khoảng 520 USD/tấn, đã ngang bằng giá xuất, nên doanh nghiệp không dám đẩy mạnh thu mua lúa vào.

Hiện nay giá lúa làm gạo xuất khẩu dao động từ 3.900-4.000 đồng/kg - một mức giá quá thấp vì nó gần bằng với giá thành sản xuất của người trồng lúa.

Thiếu kho chứa, góp phần hạ giá lúa

Trong ngành kinh doanh lúa gạo, hệ thống kho tàng đóng vai trò hết sức quan trọng của Việt Nam. Mấy năm qua, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo hàng thứ hai trên thế giới, thế nhưng hệ thống kho trữ gạo của Việt Nam không đạt chuẩn đã không được quan tâm đúng mức

Một doanh nghiệp kinh doanh gạo lâu năm ở ĐBSCL cho biết: “Vấn đề hiện nay là thiếu kho trữ gạo trầm trọng, những kho đang có thì hầu hết không đạt chuẩn, không thể tạm trữ gạo lâu khi cần thiết. Chính phủ sẵn sàng bơm tiền cho doanh nghiệp vay để mua lúa gạo tạm trữ giúp nông dân, nhưng vấn đề hiện nay là tất cả kho trữ gạo của các doanh nghiệp đều đầy ắp, nên khả năng mua vào là rất khó”.

Do đó, nếu Chính phủ tiếp tục giữ giá sàn như hiện nay thì có khả năng lúa trong nước sẽ sụt nữa.

Theo nguồn tin từ các cuộc họp vừa qua của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Tổng công ty Lương thực miền Nam thì giá gạo sẽ lên lại và đã có ý kiến cho rằng doanh nghiệp không bán dưới giá 600 USD/tấn.


Còn theo dự đoán của các chuyên gia trong ngành kinh doanh lúa gạo, nếu bà con có kho trữ lúa đảm bảo và chưa thật sự bức xúc nên tiếp tục giữ lúa lại, vào khoảng giữa tháng 10 giá lúa sẽ lên khoảng 5.000 đồng/kg hoặc cao hơn chút ít, hiện nay Việt Nam đang tích cực đàm phán với Indonesia, thông thường nước này sẽ nhập gạo mạnh vào quý 4.

Giữ hay hạ giá sàn?

Theo một doanh nghiệp kinh doanh lương thực ở tỉnh Bạc Liêu, giá lúa gạo trong nước giảm là do giá gạo thế giới giảm. Hiện nay, giá gạo thế giới chỉ còn khoảng 500 đến 550 USD/tấn, giá gạo 5% nếu so với giá thời đấu thầu ở Philippines hồi tháng 4 hoặc tháng 5 cũng đã giảm 50%.

Hiện nay, giá lúa để làm gạo 5% tấm có giá khoảng 5.000 đồng/kg, tuy nhiên rất khó tìm, vì thường lúa hè - thu có chất lượng phù hợp với loại gạo 15% hoặc 25% tấm.

Theo một số nguồn tin, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trên thị trường thế giới giảm là do khách hàng biết Việt Nam trúng mùa lúa và sản lượng lúa hàng hóa còn khá nhiều nên họ tìm cách ép giá gạo của Việt Nam.

Trước tình hình này, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đề xuất Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) kiến nghị với Chính phủ hạ giá sàn gạo xuất khẩu xuống. Bên cạnh đó, Ban điều hành xuất khẩu gạo cũng đang bàn bạc để ký thêm các hợp đồng mới.

Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, giá gạo xuất khẩu trên thế giới hiện đã giảm dưới giá sàn của Chính phủ quy định, nhưng do Chính phủ chưa hạ giá sàn nên các doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới, vì bán phải bằng hoặc trên giá sàn thì doanh nghiệp mới làm tờ khai hải quan được.

Chính phủ quy định giá sàn gạo xuất khẩu nhằm giữ bình ổn giá lúa gạo trong nước, tránh cho người trồng lúa bị chịu thiệt thòi do tư thương ép giá.

Thế nhưng, trước sự “đóng băng” giá lúa gạo trong nước như hiện nay thì những thương lái có điều kiện trữ lúa đang thật sự ép giá nông dân, trong khi bà con cần tiền thì giá nào cũng bán.

Hạ giá sàn gạo xuất khẩu để khơi dòng cho lúa hè-thu giúp nông dân bán được lúa hay tiếp tục giữ giá sàn? Đây là bài toán chưa có lời giải dành cho những người hoạch định chiến lược xuất khẩu gạo.

Hàng chục triệu nông dân đang trông chờ vào những quyết sách của Chính phủ, vì chỉ có sự chỉ đạo, điều hành kiên quyết và chính xác của Chính phủ mới thể giải quyết ổn thỏa “bài toán” khó này theo hướng có lợi nhất cho nông dân.




Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường