Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập lúa Campuchia - Sự phân khúc tất yếu
10 | 11 | 2008
Lúa cũ chưa kịp bán, vụ lúa mới đã tới mùa thu hoạch. Nông dân ĐBSCL đang liêu xiêu trước tình hình lúa nội…đóng băng thì lúa Campuchia ồ ạt nhập về theo đường biên giới Tây Nam trên 1.000 tấn/ngày. Nhiều người sốt ruột khi nhìn lúa ngoại đè bẹp lúa nội nhưng không ít ý kiến tỏ ra bình tĩnh, thậm chí ủng hộ cuộc "hôn phối" này...
Lúa ngoại sôi động ở nội địa

Đi dọc QL91, đoạn từ cầu sắt Hữu Nghị đến cửa khẩu biên giới Tịnh Biên thuộc thị trấn Tịnh Biên chúng tôi bắt gặp quang cảnh nhộn nhịp vận chuyển và mua bán lúa từ Campuchia tràn về Việt Nam.

Nằm ngay bên chân cầu sắt Hữu Nghị tại thị trấn Tịnh Biên, hơn chục xe ba gác “siêu tải” đang tấp nập chở hàng. Từng đoàn xe nối đuôi nhau xếp thành hàng đợi tới phiên xuống lúa. Nơi này nhộn nhịp như một thương cảng. Trên bờ đội ngũ bốc xếp gần trăm người vừa xếp dỡ những bao lúa to như “bồ tượng” vừa la ó, những tiếng Khmer làm chúng tôi không hiểu nổi. Việt, thương lái mua lúa cho chúng tôi biết, họ đang thương lượng giá cả. Từng chiếc ba gác chở trên 7 tấn lúa nối đuôi nhau qua trạm cửa khẩu, những chiếc xe này lao về hướng Tịnh Biên khói bụi mù mịt bao phủ cả một vùng. Những bao lúa của nước bạn mỗi ngày được nhập vào An Giang, chất thành những đống lúa cao trên khoảnh đất trống 5ha. Gần kênh Vĩnh Tế những chiếc ghe bầu tải trọng từ vài chục đến trăm tấn neo đậu dọc hai bên bờ sông thành hàng dài cả cây số.

Không còn trống, nhiều chủ ghe cho chạy thẳng lên cánh đồng ngập lũ đậu thành hàng dọc theo phía Trạm kiểm soát đổ về cầu sắt. Một chiếc ghe bầu no lúa vừa lui bến đã có ghe khác vào thế chỗ. Đây là bãi tập kết lúa Campuchia của Túc Dừa, bà Phượng và bà Thúy. Trên bãi đất rộng chỉ chừng 40m2, nhưng có đến ba “đại gia” thu gom lúa Campuchia bán lại cho thương lái các tỉnh ĐBSCL. Ngoài ra, các chủ vựa này còn có các “trạm” thu mua tạm nằm dọc bên vệ đường từ cầu sắt Hữu Nghị đến Trạm kiểm soát cửa khẩu biên giới Tịnh Biên.

Ông Tám Tiệm chủ thu mua lúa ở đây cho hay: Lúa Campuchia nhập khẩu về sôi động khoảng một tuần nay. Vựa của tôi có nhiều mối lái ở Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Cần Thơ đặt hàng mua lúa Campuchia mỗi ngày đến vài trăm tấn. Hầu hết lượng lúa trên do các thương lái nước bạn Campuchia thu mua từ các tỉnh Tàkeo, Pusat, Kongpong Speui… rồi chuyển bằng xe tải lớn về đến khu vực cửa khẩu. Sau đó, chuyển sang xe ba gác để qua cửa khẩu vào An Giang. Tính tổng số 5 chủ vựa lớn tại đây cung cấp cho các thương lái các tỉnh ĐBSCL trên 1.000 tấn lúa ngoại/ngày.

Lúa ngoại quại… lúa nội

Hàng ngàn nông dân ĐBSCL đang khốn đốn vì lúa cũ chưa bán được thì vụ lúa mới lại đến. Nào tiền phân, tiền thuốc… bao nhiêu thứ chi phí mà người nông dân chỉ trông chờ vào việc thu hoạch lúa bán lấy tiền chi trả. Ông Sáu So ở huyện Chợ Mới chỉ cho chúng tôi đống lúa vụ ba vừa thu hoạch xong còn để trước sân nhà mà lắc đầu ngao ngán: Mấy đời nhà tui làm lúa. Chưa lúc nào lại khổ như bây giờ. Lúa không bán được dù giá rẻ mạt giá chỉ còn 2.800-3.200 đồng/kg. Tiền phân bón, tiền thuốc sâu...vẫn còn thiếu ở đại lý bán thuốc BVTV. Hẹn người ta tới lúa sẽ trả tiền, nay có lúa…mà đành thất hứa.

Điều nghịch lý trong chuyện nhập lúa từ Campuchia về vựa lúa ĐBSCL được giới kinh doanh giải thích rằng: Thời gian gần đây, nông dân ĐBSCL chủ yếu trồng các giống lúa cao sản như IR 50404, 3217…để bán cho các doanh nghiệp XK gạo. Tuy nhiên, hiện nhu cầu về loại gạo này trên thế giới không còn bao nhiêu nên lượng lúa trong nước tồn động và khó tiêu thụ. Ngược lại, thị trường nội địa lại ưa chuộng loại gạo lúa thơm, nhất là tại các thành phố lớn nên việc NK lúa ngoại đáp ứng nhu cầu thị trường là điều tất yếu. Chuyện lúa ngoại đổ bộ vào vựa lúa của cả nước có từ nhiều năm nay. Ban đầu do một số người dân khu vực biên giới Tây Nam sang Campuchia thuê đất canh tác thường đem lúa về nước tiêu thụ sau mỗi mùa thu hoạch. Về sau, diện tích trồng lúa ở nước bạn ngày càng được mở rộng và năng suất cũng tăng cao nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh. Không ngờ, An Giang lại là đầu ra lý tưởng cho nghề trồng lúa của quốc gia này. Nhưng điều đáng nói là các giống lúa NK không phải thuộc nhóm “thần nông” mà chủ yếu là các giống lúa gạo thơm có nguồn gốc từ Thái Lan.

Anh Trần Hoàng Việt chủ ghe mua lúa ở Thốt Nốt (Cần Thơ) minh chứng thêm: Lúa nhập từ Campuchia có 3 loại là Khaodak, Khaodakmali và lúa thơm lài. Thị trường nội địa đang chuộng các loại gạo thơm này. Theo anh Hào, một chủ vựa lúa gần đó cho biết, lúa Campuchia có giá từ 5.000 -5.300đồng/kg. Dù giá chênh lệch rất cao so với lúa nội địa, nhưng thương lái đi mua lúa đem về bán vẫn còn lời cho thấy lúa chất lượng cao được người tiêu dùng trong nước đón nhận như thế nào. Dự báo thị trường lúa ngoại sẽ còn sôi động hơn trong vài tháng tới.

Ngắn ngày thì không thể đòi chất lượng cao

Tại sao lúa gạo của Campuchia, một đất nước có nền SXNN lạc hậu nhiều so với Việt Nam lại có thể xâm nhập được vào vựa lúa gạo ĐBSCL? Tìm hiểu được biết, thực ra phần lớn lúa gạo của nước bạn vào ta là lúa dài ngày và đã diễn ra từ nhiều năm nay. Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 300.000 T lúa từ Campuchia NK vào Việt Nam trong đó có khoảng 80.000 T là các giống lúa ngắn ngày của các tỉnh có chung biên giới với nước ta được các thương lái cung ứng cho XK, số còn lại là các giống lúa mùa dài ngày (từ 140 – 150 ngày) chất lượng cao được tiêu dùng chủ yếu cho thị trường nội địa VN dưới tên gọi gạo Thái Lan.

Thế tại sao VN lại không trồng lúa mùa như bạn? Trước giải phóng ĐBSCL cũng như Campuchia hiện nay, chủ yếu là lúa mùa, năng suất bình quân năm 1974-1975 của miền Nam lúc đó là 2,4T/ha, sau đó giảm xuống 2,2T/ha do sai lầm trong cải tạo nông ngiệp sau giải phóng dẫn đến thiếu đói của những năm thập kỷ 80. Lúa ngắn ngày là sự lựa chọn tất yếu của một đất nước đông dân mà ít ruộng đất như ta, để rồi sau đó năng suất và sản lượng tăng dần, từ 18 triệu T toàn quốc lên 37 triệu T như hiện nay, cũng từ đó Việt Nam mới có 4-5 triệu T gạo XK mỗi năm, riêng ĐBSCL có nhiều vùng đạt năng suất 17 T/ha/năm.

Lúa ngắn ngày đã góp phần làm nên chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Có thể khẳng định rằng, không có lúa ngắn ngày thì không có thể có 500.000 ha đất nuôi trồng thủy sản mà mỗi năm mang về 4 tỷ USD (chưa trừ phần đánh bắt). Năm 1990, Viện lúa ĐBSCL bàn bạc với An Giang để lại 100.000 ha ở vùng Châu Phú chỉ trồng lúa mùa và màu. Dự án bất thành vì thu nhập từ mô hình canh tác đấy quá thấp. Đã có so sánh rằng, Thái Lan - cường quốc XK gạo số 1 thế giới nhưng 1ha của họ chỉ cho thu nhập từ 600 – 1.000 USD/năm (tùy thời giá), trong lúc đó con số tương ứng của VN là từ 1.500 – 2.000 USD.

Có sự lựa chọn nào khác?

Từ nhiều năm nay, các nhà khoa học và nông dân đã có nhiều phấn đấu nhằm nâng cao chất lượng lúa gạo VN và đã có những kết quả, các giống mới chất lượng cao như VĐ20, ST 3, OM 1490, Jasmin 85 được trồng với diện tích ngày càng lớn và tỷ lệ gạo cao cấp đã tăng từ 15% (2001) đã tăng lên 35% như hiện nay. Tuy nhiên tiêu chí ngon của các nhà khoa học lại chưa trùng với tiêu chí ngon của người tiêu dùng. Tại gian hàng của Cty Lương thực Gentraco (Thốt Nốt cũ) trong hội chợ Agroviet vừa qua, loại gạo ngon nhất được bán với giá 97.000 đ/5kg, nhưng vẫn không thuyết phục được các bà nội trợ kỹ tính vì khi họ nhấm thử hạt gạo thấy “sao mà không đậm” như nàng hương chợ Đào trong lúc đó với thế giới lại không chấp nhận gạo chợ Đào vì bạc bụng (hạt lựu)

Muốn giành lại được thị trường gạo cao cấp nội địa thì các nhà khoa học phải đưa ra được giống phù hợp với gu ẩm thực của người Việt. Đang có một mâu thuẫn chưa vượt qua giữa thời gian sinh trưởng của cây lúa với chất lượng gạo và tính kháng rầy. Trong lúc chờ đợi thì đành chấp nhận thực tại như ý kiến của ông Oknha Phe Hok Chhoun, một trong 10 doanh nghiệp hàng đầu của Campuchia mà tôi có dịp trò chuyện ngày 1/10 vừa qua. Ông này cho biết dòng chảy lúa gạo hiện nay giữa 3 nước Thái Lan, Campuchia và VN là liên tục, VN có thế mạnh về sản xuất và XK gạo ngắn ngày và Campuchia có thế mạnh về lúa dài ngày, chất lượng cao. Và cũng đã có nhiều khi doanh nghiệp của ông gom lúa ngắn ngày của VN để… bán cho Thái Lan, khi giá lúa Thái Lan cao hơn VN. Ông ta cũng nói thêm, biên giới VN – Campuchia hiện nay là biên giới kinh tế, hữu nghị thì việc thông thương, phân chia phân khúc thị trường như trên đều mang lại lợi ích cho nông gia ở mỗi quốc gia.

+ Ông Hùynh Thế Năng, PCT UBND tỉnh An Giang khẳng định: Lâu nay doanh nghiệp mải chăm bẵm XK mà bỏ quên thị trường nội địa. Trong lúc này, việc lúa ngoại tràn vào càng khiến ngành nông nghiệp địa phương thêm nhiều khó khăn.

+ TS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện KHKT nông nghiệp miền Nam cho rằng: Việc nhập các loại lúa thơm từ Campuchia là tất yếu. Lâu nay, nhu cầu loại gạo cao cấp trong nước khá lớn, nhưng chưa có bao nhiêu người trồng vì nông dân chạy theo năng suất chỉ trồng loại lúa "rẻ tiền". Ngay thời điểm này, khi việc tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL rất khó khăn mà lúa ngoại vẫn đè bẹp lúa nội càng cho thấy rõ mức độ thiếu hụt nguồn cung loại gạo cấp cao.

+ TS. Đỗ Minh Nhựt – GĐ TTKN Kiên Giang: Nông dân Campuchia chủ yếu làm lúa mùa hoặc lúa mùa sớm (lúa 4,5 tháng), còn lúa thần nông rất ít. Nhìn chung trình độ sản xuất nông nghiệp của Campuchia còn thấp nhưng họ có một số loại lúa đặc sản, chất lượng gạo ngon rất được thị trường ưa chuộng, chẳng hạn như gạo sóc. Do đó họ vẫn có thể xuất gạo ra các nước trong khu vực, thậm chí là lúa gạo (lúa hữu cơ) của họ còn xâm nhập cả thị trường Mỹ. Còn hiện tượng một nước XK gạo nhưng lại nhập gạo của một nước khác cũng là điều bình thường trong bối cảnh kinh tế hội nhập hiện nay.






Nguồn: Nông nghiệp
Báo cáo phân tích thị trường