Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa ngoại tràn qua vựa lúa
14 | 01 | 2011
Hơn một tháng nay, các khu “chợ lúa ngoại” ở biên giới VN – Campuchia trở nên nhộn nhịp.

Mỗi ngày, hàng ngàn tấn lúa từ Campuchia được thương lái người Việt thu gom rồi ồ ạt đưa qua biên giới theo đường tiểu ngạch về vựa lúa ĐBSCL

Hơn một tháng nay, các khu “chợ lúa ngoại” ở biên giới VN – Campuchia trở nên nhộn nhịp, thu hút thương lái khắp các tỉnh miền Tây.

“Chợ lúa ngoại” lộ thiên

Khi màn sương còn bao phủ trên cánh đồng biên giới Tân Biên (xã An Nông, huyện Tịnh Biên - An Giang), cánh xe tải “siêu trọng” đã bắt đầu vận chuyển lúa từ Campuchia về “chợ lúa ngoại” Đường Sứ ở xã An Nông.

Đứng bên này bờ kênh Vĩnh Tế nhìn qua khu chợ lộ thiên này, chúng tôi ghi nhận có đến trên chục kho chứa lúa. Gọi là kho nhưng thực ra không kiên cố lắm mà chỉ là những dãy nhà lợp tôn chạy dọc bờ kênh Vĩnh Tế.

Lúa được chất đầy ắp từ trong kho tràn ra ngoài đường, xuống tận mép kênh. Những chiếc xe tải “siêu trọng” chất đầy lúa nối đuôi nhau xuất hiện từ cánh đồng Thđưng (huyện Skirivong, tỉnh Tà Keo – Campuchia) rồi tiến vào chợ Đường Sứ bằng con đường đất xẻ dọc cánh đồng lúa Tân Biên.

Lúa Campuchia dễ nhận biết vì được đựng trong những bao lớn nhưng không buộc miệng mà nhét đầy rơm rồi dùng chỉ may lại để chứa thật nhiều và dễ dàng đổ ra. Thấy chúng tôi chụp ảnh, các “cà-lơ” (dân vận chuyển lúa mướn người Campuchia) cười rất tươi trên nóc những bao lúa cao vắt vẻo.

Một “cà – lơ” cho biết: “Tụi mình chỉ chở mướn cho bạn hàng người Việt. Họ thu mua lúa ở tận Tà Keo, có khi lên tới Phnom Penh. Xe mình chở nhiều lắm, cứ chất đến khi nào không còn chỗ nữa thì thôi vì chạy trên đồng ruộng nên đâu có ai kiểm tra tải trọng. Mỗi ngày, mình có thể chạy vài chục chuyến”.

Từ Thđưng, chúng tôi bắt xe theo Quốc lộ 2 đi Phnom Penh rồi từ Phnom Penh xuôi Quốc lộ 1 về tỉnh Kandal. Tại bến phà Neak Loeung (tỉnh Kandal) qua sông Mê Kông, hàng chục xe tải chở lúa từ hướng Phnom Penh đang xếp hàng chờ xuống phà.

Chủ yếu xử phạt người vượt biên trái phép

Trong số lúa ngoại tràn qua ĐBSCL, có một phần lúa của nông dân miền Tây sang thuê đất ở Campuchia để trồng, nay thu hoạch đưa về. Thời gian này, nông dân Campuchia thu hoạch lúa cũng bán cho thương lái và doanh nghiệp xay xát ở vùng biên. Mặt khác, theo Quyết định 254 của Thủ tướng Chính phủ, hàng hóa miễn thuế của cư dân biên giới được nâng lên 2 triệu đồng/người/ngày và không phải làm thủ tục hải quan, không cần chứng nhận xuất xứ hàng hóa nên một người có thể mang 500 kg lúa và đi theo hai bên cánh gà cửa khẩu để vào VN.

“UBND tỉnh An Giang đã chỉ đạo các ngành công thương, hải quan, biên phòng và các huyện biên giới phối hợp xử lý về mặt hành chính tại các điểm tập kết lúa. Trong đó, chủ yếu xử phạt người vượt biên giới trái phép, vi phạm trật tự giao thông... nhằm bảo đảm an ninh biên giới” - ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết.

Các tài xế cho biết hơn tháng nay, ngày nào họ cũng chở lúa theo Quốc lộ 1 về Long An qua cửa khẩu Bình Hiệp, huyện Mộc Hóa. Chỉ vào chiếc xe tải “siêu trọng”, Som Linh, một tài xế, khẳng định nó có thể chở đến 40 tấn lúa.

Hấp dẫn thương lái nhờ giá rẻ

Dưới lòng kênh Vĩnh Tế, hàng chục chiếc ghe bầu tải trọng chừng 80 – 100 tấn biển số Tiền Giang, Đồng Tháp đậu san sát. Quang cảnh mua bán, vận chuyển hết sức nhộn nhịp.

Mọi giao dịch diễn ra hết sức nhanh chóng mà không có cảnh cò kè giá cả, tất cả như đã được định sẵn từ trước. Khi xe tải chuyển lúa vào bãi đổ sát mép kênh, lập tức có một chiếc ghe bầu cặp vào và khi “no” lúa thì rời bến nhường chỗ cho ghe khác.

Ông Phan Văn Tài, chủ một ghe đang chờ mua lúa Campuchia tại khu vực biên giới Long An, cho biết giá lúa Campuchia tính ra chỉ khoảng 5.600-5.700 đồng/kg, rẻ hơn lúa nội.

“Giá lúa trong nước khoảng 6.000 – 6.300 đồng/kg nhưng không còn nhiều nên rất khó mua. Lúa Campuchia rẻ hơn, bán trong nước cũng được chuộng” – ông Tài nói.

Tại chợ Đường Sứ, cảnh mua bán, vận chuyển lúa Campuchia còn tấp nập hơn nhiều. Theo ông Phạm Minh Hồng, một lái lúa ở Hậu Giang, giá lúa trong nước ổn định ở mức 6.000 đồng/kg hơn tháng nay và đang có chiều hướng tăng.

Vì vậy, thương lái thường đổ sang khu vực ven biên giới để thu mua lúa Campuchia. “Chợ Đường Sứ là nơi có lượng hàng dồi dào và lớn nhất vùng biên, có khi đến hàng ngàn tấn/ngày” - ông Hồng cho biết.



Theo Người Lao động
Báo cáo phân tích thị trường