Ngày 15-2, chúng tôi trở lại tuyến biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang và nhận thấy lúa ngoại vẫn ồ ạt vượt biên vào nội địa hết sức tự do. Suốt một ngày trà trộn vào giữa bãi lúa lậu khổng lồ, chúng tôi chẳng thấy bóng dáng một cán bộ hay lực lượng chức năng nào tuần tra, kiểm soát.
Xẻ đồng đón lúa lậu
Tờ mờ sáng, chúng tôi đến huyện Tịnh Biên theo tuyến Quốc lộ N1 vào chợ Đường Sứ thuộc ấp Tân Biên, xã An Nông. Từ trên quốc lộ nhìn ra là cánh đồng lúa mênh mông thuộc xã Thum Đưng, huyện Kirivong, tỉnh Tà Keo, Campuchia. Cảnh tượng lạ lùng hiện ra trước mắt là những chiếc xe tải cỡ siêu trọng chất đầy lúa nối đuôi nhau phóng băng băng giữa cánh đồng lúa bát ngát. Anh bạn dẫn đường cho biết đó là con đường huyết mạch do dân buôn lậu tự đắp để vận chuyển hàng hóa và xăng dầu lậu qua lại biên giới trước đây. Sau này có người đứng ra đấu giá, nâng cấp thành tuyến đường buôn lậu chính, có thu phí đi đường.
Được chiếc đò nhỏ đưa qua kênh Vĩnh Tế vào giữa vựa lúa lậu khổng lồ, chúng tôi tiếp tục men theo con đường đất huyết mạch để tìm hiểu. Đó là con đường đất nhỏ do một đầu nậu tôn tạo mỗi năm sau mùa nước lũ. Nhưng do những chiếc xe tải luôn quá tải, con đường bị lún sâu theo hai làn bánh xe nên rất khó đi vào những ngày mưa. Từ vựa lúa, đi bộ khoảng 1,2 km là đến ranh giới xã An Nông (An Giang) và Thum Đưng (Campuchia). Từ đây, con đường này tiếp tục uốn lượn và kéo dài thêm hơn 2 km là đến chân núi thuộc xã Thum Đưng.
Anh Nghĩa, một nông dân đang thăm ruộng, cho biết mỗi ngày có từ 200 đến 300 lượt xe tải ùn ùn chở lúa lậu đổ về chợ Đường Sứ. Chiếc nào chiếc nấy chất lúa cao ngút ngàn, ước tính có trên 20 tấn/xe. Đội ngũ xe tải này do người Campuchia cầm lái. Mỗi chiếc xe đầy lúa khi nhập hàng phải đóng phí từ 30.000 đến 50.000 đồng.
Thương cảng lúa lậu lộ thiên
Chúng tôi quay lại chợ Đường Sứ - một thương cảng lúa lậu cực lớn luôn tấp nập kẻ bán, người mua. Cứ độ 10- 15 phút, người đi đường phải bước xuống ruộng để tránh những chiếc xe tải đang lao vun vút. Tiến sâu vào “bến cảng” Đường Sứ, chúng tôi choáng ngợp vì lọt giữa một vựa lúa lậu to khủng khiếp. Hai dãy nhà kho bằng tôn đối mặt nhau chạy dài hơn 500 m trên dãy đất rộng mênh mông. Đây là lãnh địa của 5 đại gia vựa lúa ngoại, mỗi người có từ 2 đến 3 kho chất đầy lúa lên đến nóc, thậm chí cả lối đi. Trên bờ tấp nập người bốc vác lúa từ xe tải vào kho; dưới bến cả trăm chiếc ghe bầu 50 - 100 tấn thay nhau ra vào bến. Ghe no lúa vừa rút lui thì đã có ghe khác lấp vào chỗ trống, hàng chục ghe khác đậu ở bờ kênh đối diện xếp hàng chờ đến lượt.
Chị Nguyệt có chiếc ghe 50 tấn chở lúa thuê tại đây cho biết ghe tới 3 ngày rồi mà vẫn chưa đến lượt. Anh Việt, một thương lái ở Thốt Nốt vừa cho ghe cập bến xuống lúa, cho rằng chỉ cần thỏa thuận giá cả với chủ vựa là có lúa ngay. Lúa “ngoại” ở đây rẻ hơn lúa nội cùng loại từ 200 đồng/kg, vừa có lời vừa khỏi mất công chạy ghe ì ạch khắp nơi thu mua từng giạ lúa. “Bảo đảm với mấy ông, ở đây muốn bao nhiêu lúa cũng có. Ghe tôi 50 tấn, chỉ cần 2 giờ xuống lúa là khẳm mẹp” - anh Việt quả quyết. Cũng theo anh Việt, mùa này phía Campuchia chỉ có các giống lúa Thần nông như ở nước ta và lúa Sóc, giá 4.000-5.000 đồng/Kg. Chính sự thuận lợi và tập trung như thế nên thương lái khắp nơi đổ về Đường Sứ lấy hàng ngày càng đông, khiến cho hoạt động mua bán tại đây càng tấp nập.
Điều đáng nói là “thương cảng lúa lậu” nằm lộ thiên ngay Quốc lộ N1 và chỉ cách trụ sở UBND xã An Nông chừng 500 m, nhưng mọi hoạt động ở đây diễn ra hết sức tự do.