Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gà Lậu ồ ạt vào Việt Nam
15 | 07 | 2007
Theo Chi cục trưởng Thú y Lạng Sơn Đỗ Văn Được, các cơ quan chức năng của tỉnh đã "căng" hết lực lượng, nhưng cũng không kiểm soát nổi tình trạng gia cầm Trung Quốc ồ ạt nhập lậu. Hàng chục tấn gà lậu đã bị bắt, song đó cũng chỉ là con số xa vời so với thực tế.

Màn đêm buông xuống, thị trấn Đồng Đăng lạnh buốt. Tuy nhiên, cái lạnh không làm cho dân buôn lậu ngại ngần. Trái lại, từng nhóm "cửu vạn" gánh gà nhập lậu vẫn nườm nượp men theo các con đường mòn đổ về thị trấn tập kết hàng để chuyển về xuôi. Cao, một chủ đầu nậu gia cầm cho biết, thời tiết càng khắc nghiệt, dân buôn lậu càng thích. "Trời càng lạnh, các bố ấy (chỉ cán bộ các cơ quan chức năng) ngại đi tuần, "đánh" hàng vào càng dễ trót lọt...", Cao khoái chí nói.

Theo quan sát, địa điểm tập kết gà nhập lậu của các đầu nậu bao giờ cũng ở sau những trạm kiểm soát của các cơ quan chức năng như biên phòng, hải quan, quản lý thị trường. Các đầu nậu thuê người dân địa phương thông thuộc địa hình, gánh gà nhập lậu đi vòng theo các con đường mòn qua các trạm kiểm soát để tránh bị phát hiện.

Phương, một "cửu vạn" làm nghề vận chuyển thuê cho các đầu nậu được vài năm cho biết, vừa gánh gà từ chợ Cồn Trang (Quảng Tây, Trung Quốc) về thành phố Lạng Sơn. Sau khi "đóng" hàng, chủ đầu nậu thuê nhóm của Phương gánh gà men theo đường mòn giáp đường biên, qua cầu Nà Pàn, qua Kéo Kham, khe Na Lộc... (huyện Cao Lộc) về tập kết ở thôn Khuổi Muôi, xã Thụy Hùng, huyện Cao Lộc. Rồi từ đây, các đầu nậu đóng xe "Min Khờ" chạy về thành phố Lạng Sơn.

Một cán bộ hải quan cho biết, Nà Pàn cách Khuổi Mươi hơn 2h đi bộ đường đồi. Con đường này khá xa và phải chịu tiền vận chuyển nhiều. Tuy nhiên, dân buôn lậu vẫn chọn nó vì khá "an toàn", tránh được hầu hết các trạm kiểm soát. "Mỗi gánh gà bọn em đi trót lọt, chủ hàng trả công 50.000-70.000 đồng, tùy theo sức gánh được 50 hay 70 kg...", Phương cho biết.

Ông Trần Duy Hiệu, Đội trưởng Quản lý thị trường số 2 tỉnh Lạng Sơn cho biết, đường mòn này là một trong những cửa ngõ trọng điểm về tình trạng nhập lậu gà Trung Quốc vào Lạng Sơn. "Con đường này đi tắt qua trạm kiểm soát Dốc Quýt nên những kẻ buôn lậu thường lợi dụng để tránh sự kiểm soát của quản lý thị trường và hải quan...", ông Hiệu cho hay.

Lạng Sơn có 235 km đường biên với rất nhiều đường mòn, trong khi lực lượng quản lý thị trường, hải quan và biên phòng lại mỏng nên tình trạng buôn lậu như bắt nhái bỏ đĩa, chặn được chỗ này thì thủng chỗ khác. "Đội chúng tôi chỉ có 8 người, trong khi phải tuần tra kiểm soát một địa bàn rộng, nên không thể căng ra trên toàn tuyến", Đội trưởng Quản lý thị trường số 2 cho biết trong vòng 10 ngày đầu năm 2007, các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn bắt giữ hơn 4 tấn gia cầm nhập lậu. Riêng ngày 9/1, Đội Quản lý thị trường số 2 tỉnh Lạng Sơn đã bắt hơn 1 tấn gà nhập lau.

Đại úy Nguyễn Đình Tân, Công an tỉnh Lạng Sơn tăng cường cho trạm kiểm soát cửa khẩu Tân Thanh cho hay, những kẻ buôn lậu chuẩn bị đối phó với các cơ quan chức năng một cách hết sức kỹ lưỡng. Chúng dùng điện thoại di động, bộ đàm cùng các phương tiện liên lạc hiện đại để thông báo cho nhau hoạt động của các tổ tuần tra kiểm soát. "Thậm chí khi gặp tổ công tác, những kẻ buôn lậu chạy ngược lại qua đường biên, thế là chúng tôi chỉ còn biết đứng nhìn...", đại úy Tân bộ bạch.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong vòng 1 tháng cuối năm 2006 và nửa tháng đầu năm 2007, cơ quan chức năng Lạng Sơn đã bắt giữ hàng chục tấn gà lậu. Trên thực tế, lượng gia cầm nhập lậu bị bắt giữ chỉ chiếm khoảng 50-60%. Do lãi suất quá cao, nạn nhập lậu gia cầm không qua kiểm dịch từ Trung Quốc đang ồ ạt tràn vào Việt Nam, bất chấp nỗ lực ngăn chặn của chính quyền và các cơ quan chức năng tỉnh Lạng Sơn. Trung bình mỗi ngày có hàng tấn gà Trung Quốc tràn về Lạng Sơn, Đồng Đăng qua con đường không chính thức, để từ đó tỏa về xuôi tiêu thụ...

Theo ông Đỗ Văn Được, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Lạng Sơn, nguyên nhân khiến tình trạng gà Trung Quốc nhập lậu gia tăng là giá quá rẻ. Một kg gà ở Ái Điểm, Quảng Tây, Trung Quốc giá chỉ 13.000-14.000 đồng, sang đến Lạng Sơn là 18.000-20.000 đồng, về đến Hà Nội là 30.000-35.000 đồng.

 



Nguồn tin: VnExpress
Báo cáo phân tích thị trường