Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo vui, thủy sản, cao su, cà phê lo ngay ngáy
16 | 02 | 2009
Trong khi gạo đang là điểm sáng trong xuất khẩu nông nghiệp thì cao su, cà phê, thủy sản… lại đứng ngồi không yên!

Kỷ lục mới của gạo

Khi hầu hết những ngành nghề xuất khẩu đều đang gặp khó khăn trước tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu và trong nước, thì xuất khẩu gạo trong tháng đầu năm lại nổi lên như một điểm sáng.

Theo báo cáo từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chỉ trong tháng 1, cả nước đã xuất khẩu được 310.000 tấn, đây là tháng xuất khẩu cao nhất trong lịch sử kể từ năm 1989 đến nay.

Đến ngày 9/2, các doanh nghiệp đã xuất thêm được 74 nghìn tấn, dự kiến cả tháng 2 sẽ giao 550-600 nghìn tấn, đưa kim ngạch xuất khẩu trong hai tháng đầu năm đạt khoảng 900 nghìn tấn, trong đó, cùng kỳ năm 2008 chỉ đạt chưa đầy 300.000 nghìn tấn.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, cho biết, ngay trong năm khó khăn này, nhìn về tiềm năng trước mắt, Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới nhưng đang bị hạn nặng.

Ngoài ra, được biết, Ấn Độ cũng là nước xuất khẩu gạo khá nhưng vẫn đang “đóng cửa” chưa xuất, có thể do để đảm bảo nguồn an ninh lương thực trong nước.

Vì vậy, theo ông Phong, năm nay, có thể sẽ có khả năng biến động lớn về giá gạo, và đó là cơ hội cho hạt gạo Việt Nam. Hơn nữa, "dù kinh tế thế giới có khó khăn đến đâu thì gạo vẫn luôn là mặt hàng thiết yếu và luôn dễ có đầu ra cao", ông nói.

Tuy nhiên, vấn đề khó khăn nhất hiện nay mà Hiệp hội Lương thực Việt Nam tính đến là khả năng dự báo giá và thời điểm xuất khẩu hợp lý để đạt được mức lợi nhuận cao nhất; bên cạnh đó, đặc biệt là khả năng công suất giao hàng.

Mặc dù mục tiêu xuất khẩu cả năm 4,8 tấn (2 tỷ USD) - theo người đứng đầu Hiệp hội Lương thực - là hoàn toàn không đáng lo ngại, nhưng “với trung bình mỗi tháng phải giao khoảng 600.000 tấn, kế hoạch xuất khẩu 3,5 triệu tấn trong 6 tháng đầu năm có khả năng không hoàn thành do năng lực bốc xếp, tàu thuyền còn hạn chế”.

Cà phê, cao su, thủy sản… vẫn lo!

“Trái chiều” với xuất khẩu gạo, nhiều ngành xuất khẩu chủ lực khác của nông nghiệp là cao su, thủy sản, cà phê lại đang đứng trước không ít khó khăn từ suy thoái kinh tế.

Khó khăn nhất là mặt hàng cao su. Mục tiêu đặt ra cho ngành cao su năm 2009 xuất khẩu đạt khoảng 700 nghìn tấn, tuy nhiên, Bà Trần Thị Thúy Hòa, Tổng thư ký Hiệp hội Cao su Việt Nam cho rằng mục tiêu này rất khó thực hiện.

Vì ngay tháng đầu năm, số hợp đồng dài hạn được ký kết chỉ bằng 2/3 so với cùng kỳ năm 2008, bằng 1/3 khả năng hiện có. Giá cũng giảm mạnh, hiện tại là 1.400 -1.500 USD/tấn (trong khi thời điểm giá cao năm 2008 lên tới hơn 3.000 USD/tấn).

Do tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nên nhu cầu cao su năm 2009 trên thế giới được dự báo giảm 40% so với năm 2008. Sản lượng cao su nhân tạo (sản xuất từ phụ phẩm dầu thô) tăng do giá dầu thô giảm; trong khi ngành công nghiệp ôtô vẫn đang xuống dốc, khiến nhu cầu cao su tự nhiêu cho sản xuất lốp ôtô chững lại.

Trước tình hình này, Hiệp hội Cao su đã dự tính, nếu giá cao su thế giới xuống dưới 1.000 USD/tấn, Hiệp hội sẽ xin kinh phí khoảng 1.000 - 2.000 tỷ đồng để mua dự trữ, giúp doanh nghiệp, đồn điền cao su "bám trụ".

Tuy bớt khó hơn cao su, nhưng mặt hàng xuất khẩu cà phê và thủy sản cũng đang ngổn ngang nhiều mối lo, trước sức ép cạnh tranh của các nước xuất khẩu khác.

Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, con cá tra Việt Nam đang bị bốn nước xuất khẩu lớn là Indonesia, Malaisia, Thái Lan và Bangladesh đang cạnh tranh và gây sức ép về giá ở các thị trường truyền thống như EU, Mỹ, Nhật. Ngay thị trường tiềm năng là Nga cũng đang cấm nhập khẩu cá tra Việt Nam từ cuối năm 2008.

Thêm vào đó, theo ông Dũng, thức ăn cho chăn nuôi thủy sản trong nước vẫn bị "đội" giá cao hơn so với giá thế giới, làm giảm khả năng cạnh tranh về giá của mặt hàng này.

Đối với cà phê, trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu hiện này, cũng chỉ tập trung vào 10 thị trường truyền thống, chứ không hy vọng mở rộng ra các thị trường, tìm kiếm bạn hàng mới..., như lời ông Đoàn Triệu Nhạn, Phó chủ tịch Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam.

Nhà nước sẽ hỗ trợ mạnh xuất khẩu

Theo kiến nghị của nhiều hiệp hội, vấn đề được các doanh nghiệp xuất khẩu cho rằng là khó khăn nhất và đề xuất tháo gỡ là xây dựng kho trữ hàng, hỗ trợ về vốn để tạm mua trữ hàng, như gạo, cao su.

Đồng thời, các hiệp hội cũng kiến nghị Chính phủ cần tăng kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại lên 0,5% giá trị kim ngạch xuất khẩu hằng năm và nâng cấp các cảng tại khu vực ĐBSCL để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, vì hiện năng lực để giao hàng xuất khẩu còn thấp hơn nhu cầu thực tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, đối với các mặt hàng nông sản, các đơn vị bộ, ngành liên quan đã và đang triển khai mạnh Nghị quyết 30 của Chính phủ về chủ trương miễn, giãn thuế, chính sách hỗ trợ hoàn thuế giá trị gia tăng với hàng xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo ông Biên, khó khăn số một với các doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lúc này không phải là vốn, lãi suất, cơ chế hay nguồn hàng, lao động mà cái khó bây giờ là làm thế nào để có khách hàng, đối tác nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam.

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện Bộ Công Thương đã và đang triển khai một loạt các biện pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chương trình xúc tiến thương mại.

Theo đó, Bộ đã thẩm định hơn 30 đề án xúc tiến thương mại, với tổng kinh phí xúc tiến khoảng 173 tỷ đồng. Riêng đợt 1 vừa được phê duyệt với tổng kinh phí hơn 63 tỷ đồng, trong đó, kinh phí xúc tiến cho nông nghiệp chiếm 30%, khoảng 20 tỷ đồng.

Theo ông Biên, kinh phí xúc tiến cho nông nghiệp đã được phê duyệt, nhưng điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải xác định được những sản phẩm cụ thể, có thế mạnh, ưu tiên vào những mặt hàng mới, thị trường mới, tiềm năng.

“Năm nay Bộ sẽ xúc tiến thương mại vào từng đơn hàng, ngành hàng chứ không chung chung như mọi năm”, ông Biên nói.



Nguồn: vneconomy
Báo cáo phân tích thị trường