Sáng nay 10/2, Bộ NN&PTNT tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp, hiệp hội chế biến xuất nhập khẩu nông, lâm, thuỷ sản nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản hiện nay.
Theo ông Trương Thanh Phong, tháng 1 vừa qua là tháng Việt Nam xuất khẩu gạo đạt kỉ lục cao nhất từ năm 1989 đến nay. Tính đến ngày 9/2, Việt Nam đã xuất khẩu được 74.000 tấn gạo, giá bình quân đạt 401 USD, bình quân cả tháng có thể đạt 410 USD.
Ông Phong cho biết thêm, dự kiến sẽ giao xuất khẩu 550 - 600 nghìn tấn, như vậy 2 tháng có thể đạt 900.000 tấn (năm 2008 chỉ đạt chưa đầy 300.000 tấn).
Giá thu mua hiện nay tại ruộng là 3.600 - 3.800 đồng/kg, lúa khô khoảng 4.500 đồng/kg, lúa thơm 8.000 đồng/kg. Hiện chỉ có Sóc Trăng, Bạc Liêu và Kiên Giang... đang tập trung vào thu hoạch lúa đông xuân, nông dân đang có tâm lý giữ lúa lại chưa bán.
Đến thời điểm này, đã ký hợp đồng được 3,1 triệu tấn gạo (giao 6 tháng đầu năm) còn mấy hợp đồng nữa có thể xuất được 3,5 triệu tấn nhưng có khả năng không giao kịp do năng lực bốc xếp, tàu thuyền còn hạn chế. Hiện Hiệp hội Lương thực và Bộ NN&PTNT đang nghiên cứu thêm thị trường Malayxia và Cuba để đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
Đại diện cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Phó Tổng Giám đốc Vinafood 1 cho biết, Vinafood 1 đang chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên chuẩn bị đủ tiền để mua đủ 600.000 tấn lúa gạo của bà con nông dân và chúng tôi sẵn sàng nhập lúa gạo bất cứ khi nào nông dân cần.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, các doanh nghiệp, hiệp hội cần xem xét thị trường ngoài nước và giá cho các đơn hàng trong 2 - 3 tháng. Bộ đề nghị các hiệp hội báo cáo chính xác và thường xuyên các thông tin về điều hành xuất khẩu, kể cả các hợp đồng nhỏ.
Theo nhận định của Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát, nhiều khả năng năm nay người nông dân lại tiếp tục được mùa lớn, nên điều hành xuất khẩu gạo cần theo hướng mở.
Về chăn nuôi, Bộ trưởng Phát cho biết, đang chỉ đạo các đơn vị xem xét vì sao giá thức ăn trong nước vẫn cao và vì sao không nhập khẩu thức ăn chăn nuôi để cho gia thành giảm xuống. "Việc kiểm soát thức ăn chăn nuôi hiện vẫn mang tính tự nguyện. Tôi đề nghị, đối với các doanh nghiệp có nghi phạm, cần kiểm soát hết các lô hàng", Bộ trưởng Phát nói.