- Đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã ký các hợp đồng giao (gạo) trong nửa đầu năm 2009 với tổng sản lượng lên tới 2,86 triệu tấn, cao hơn 60.000 tấn so với kế hoạch xuất khẩu mà ngành lương thực đặt ra trước đó.
Và theo dự kiến, số lượng ký hợp đồng có thời hạn giao đến hết tháng 6-2009 có thể lên tới 3 triệu tấn. Do đó nông dân có thể hoàn toàn yên tâm về khâu tiêu thụ, bởi sẽ không có chuyện lúa hàng hóa không tiêu thụ hết hay ứ đọng. Theo tính toán của chúng tôi, sản lượng lúa vụ đông xuân tại ĐBSCL năm nay dự kiến đạt khoảng 9,4-9,5 triệu tấn, trong đó lượng lúa hàng hóa dành cho xuất khẩu tương đương 2,4 triệu tấn gạo. Cộng với lượng gạo còn tồn kho của năm trước khoảng 800.000 tấn, tổng sản lượng gạo dành cho xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2009 là 3,2 triệu tấn. Nếu sản lượng ký hợp đồng đạt con số 3 triệu tấn như dự kiến, lượng gạo còn lại gối đầu cho vụ hè thu chỉ có 200.000 tấn.
Nhưng giá gạo đã ký hợp đồng liệu có đảm bảo cho nông dân tiêu thụ được lúa với mức giá có lãi không, thưa ông ?
- Với mức giá đã ký hợp đồng, tôi khẳng định nông dân sẽ tiêu thụ lúa không những có lãi mà còn lãi cao. Chẳng hạn trong tháng 1-2009, các doanh nghiệp đã xuất khoảng 301.000 tấn gạo, với mức giá bình quân 396 USD/tấn, gấp 2,42 lần về khối lượng và 2,79 lần về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Với mức giá này, tính ra giá lúa tương đương với mức xấp xỉ 4.000 đồng/kg.
Tuy nhiên đây là lượng gạo còn tồn kho từ năm trước. Còn trong thực tế, hiện các doanh nghiệp đang thu mua lúa với giá 3.900-4.000 đồng/kg đối với loại hạt ngắn và 4.100-4.200 đồng/kg với loại gạo tốt nhưng hầu như không tìm được hàng do lúa tồn kho trong dân không còn. Riêng đối với số lượng gạo đã ký hợp đồng xuất từ nay đến cuối tháng 6-2009, mức giá xuất bình quân lên tới 430 USD/tấn, thậm chí có hợp đồng xuất khẩu gạo 5% tấm đạt mức giá 549 USD/tấn.
Theo VFA, tổng sản lượng lúa năm nay dự kiến đạt khoảng 38 triệu tấn, trong đó dành ra 10 triệu tấn lúa hàng hóa, tương đương 5 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành lương thực đưa ra chỉ tiêu xuất khẩu năm nay dao động ở mức 4,5 - 5 triệu tấn,trong đó đã tính đến phương án đề phòng trường hợp thiên tai mất mùa. |
Căn cứ vào mức giá gạo xuất bình quân nêu trên, giá lúa hàng hóa doanh nghiệp có thể mua sắp tới có thể dao động từ 4.000-4.500 đồng/kg. Trong khi đó, theo khảo sát của Bộ NN-PTNT, giá thành sản xuất lúa đông xuân năm nay cao nhất chỉ có 1.641 đồng/kg lúa, có nơi báo cáo khoảng 2.000 đồng/kg lúa.
Như vậy, ngay cả ở những địa bàn có chi phí giá thành hạt lúa cao nhất thì nông dân vẫn có tỉ suất lợi nhuận khá cao. Giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân năm nay giảm mạnh so với trước là do các loại vật tư nguyên liệu cho sản xuất lúa, như phân bón đã rớt giá và đứng ở mức thấp trong thời gian vừa qua.
Trong hoạt động điều hành xuất khẩu gạo năm nay có thay đổi gì so với năm 2008 không, thưa ông?
- Một trong những khác biệt trong điều hành xuất khẩu gạo năm nay là không điều hành theo tháng hay quý như trước mà căn cứ vào chỉ tiêu xuất khẩu gạo cả năm để điều phối. Cơ sở để điều phối là không giao hàng dồn dập, tránh những trường hợp no dồn đói góp làm ảnh hưởng đến lợi ích của từng doanh nghiệp cũng như quyền lợi của người dân trồng lúa. Ngoài thay đổi nêu trên, xuất khẩu gạo năm nay vẫn chịu sự giám sát của tổ điều hành xuất khẩu gạo của Chính phủ, đồng thời vẫn duy trì đăng ký hợp đồng.
Việc đăng ký hợp đồng không ngoài mục đích kiểm soát số lượng, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp cùng xuất một lúc sẽ gặp rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như khó khăn về tàu giao hàng. Còn câu chuyện giá sàn xuất khẩu gạo, tôi cho rằng đây là điều không thể không làm nhằm đảm bảo quyền lợi của người trồng lúa.
Chẳng hạn, ngay từ đầu năm ngành lương thực đưa ra mục tiêu phải tiêu thụ lúa cho nông dân với mức giá tối thiểu 3.500 đồng/kg. Do đó muốn giá bán lúa của nông dân đạt mức tối thiểu này, doanh nghiệp phải lựa chọn để ký hợp đồng với giá gạo thích hợp, thay vì để doanh nghiệp bán gạo với giá thấp rồi ép giá lúa nông dân. Do đó, tất cả các hợp đồng thương mại mà các doanh nghiệp tự ký, nếu quy ra mà giá lúa thấp hơn mức 3.500 đồng/kg đều phải thực hiện lại.
Cảm ơn ông.
ĐBSCL: giá lúa gạo liên tục tăng Theo ghi nhận tại các tỉnh ĐBSCL, từ sau tết đến nay giá lúa tăng trung bình tới 1.000 đồng/kg, từ 3.500 đồng lên 4.600 đồng/kg. Còn gạo lứt cũng tăng từ 600-700 đồng/kg. Hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) thu mua với giá 5.400-5.500 đồng/kg để chế biến gạo xuất khẩu nhưng cũng không có để mua. Hiện nay mỗi ngày các kho của Công ty Lương thực Tiền Giang chỉ mua được khoảng 100 tấn gạo, bằng 10% so với cuối năm 2008. Trước tết công ty đã thu mua dự trữ được hơn 94.000 tấn gạo, nên trong tháng 1 và tháng 2-2009 chủ yếu sử dụng gạo có sẵn để xuất khẩu. Nhiều công ty lương thực khác ở ĐBSCL cũng gặp khó khăn trong việc thu mua gạo vào thời điểm này. Tuy nhiên, do đã chủ động thu mua gạo tạm trữ hồi cuối năm 2008 theo chỉ đạo của Chính phủ, nên cơ bản lượng gạo này đủ đáp ứng các hợp đồng xuất khẩu đến hết tháng 3-2009. Một số DN xuất khẩu gạo cho biết sở dĩ giá lúa gạo tăng liên tục trong những ngày qua là do nhiều DN kinh doanh lương thực tư nhân đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo nhưng chưa chuẩn bị đủ gạo để giao cho khách hàng nên phải đẩy mạnh việc thu mua. Tại các chợ đầu mối lúa gạo ĐBSCL, giá gạo lứt tăng từng ngày, có khi mỗi ngày tăng 2-3 lần do các DN này đẩy giá lên để mua cho bằng được. Từ tháng 3-2009 các tỉnh ĐBSCL sẽ thu hoạch rộ lúa đông xuân, khi đó các DN xuất khẩu cũng đã hết gạo dự trữ nên chắc chắn sẽ đẩy mạnh thu mua. |