Theo ông Xuân, mô hình công ty cổ phần nông nghiệp gồm một tổ hợp mà nòng cốt là các doanh nghiệp có cơ sở chế biến, bộ máy để tiêu thụ sản phẩm. Công ty sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu, tập hợp và đào tạo nông dân sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP. Gạo sau đó sẽ được đăng ký nhãn hiệu rồi đưa đi xuất khẩu hoặc bán trong nước. Đây là mô hình công ty sẽ liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và doanh nghiệp.
Nông dân có thể mua cổ phần của công ty này thông qua việc đóng góp một phần nguyên liệu sau mỗi mùa vụ. Số nguyên liệu còn lại được công ty bảo đảm đầu ra, mua với giá cao. Đến cuối mùa vụ, công ty sẽ tính toán doanh số cả năm, xác định tiền lãi để chia cho cổ đông. Mỗi cổ đông sẽ được chia lãi theo số cổ phần, đồng thời được hưởng một số tiền thưởng tính trên lượng lúa đã bán cho công ty. Như thế, nông dân tham gia công ty sẽ luôn luôn được lãi, hoàn toàn khác với nông dân cá thể mua đứt bán đoạn cho thương lái.
Ông Xuân cho biết lúa vụ đông xuân thường có chất lượng và nguồn cung cũng lớn nhất. Các doanh nghiệp nước ngoài cũng nắm được điều này nên khi vào vụ họ giảm nhập khẩu để ép giá xuống. Cho nên việc các công ty mua lúa tạm trữ với giá có lời cho nông dân là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, sẽ tốt hơn nếu sau này khi xuất khẩu gạo được giá, người trồng lúa cũng được hưởng lợi từ sự tăng giá này.