Trong khi đó, giá gạo 5% xuất khẩu của nước ta tăng lên 400 USD/T, tăng trung bình 15 USD/T. Gạo 25% cũng tăng mạnh thêm 35 USD/T, lên 370 USD/T.
Năm 2008 là năm có nhiều biến động mạnh trong hoạt động xuất khẩu gạo, có lúc giá gạo xuất khẩu của nước ta đã tăng lên tới 1.050 USD/T. Nguyên nhân giá gạo tăng đột biến là do lạm phát cao khiến chính phủ các nước xuất khẩu gạo hạn chế xuất khẩu để ổn định tình hình trong nước. Nhưng bắt đầu từ tháng 6/2008 giá gạo đã giảm nhanh do Thái Lan và Việt Nam bắt đầu vào vụ thu hoạch và nối lại hoạt động xuất khẩu gạo.
Theo số liệu thống kê, trong tháng 12/2008, cả nước xuất khẩu được 400 nghìn tấn gạo với trị giá 180 triệu USD, tăng 37% về lượng và tăng 30,9% về trị giá so với tháng 11/2008; tăng 270% về lượng và tăng 230% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007. Như vậy, năm 2008 xuất khẩu của nước ta đạt 4,7 triệu tấn (năm 2008 Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu được 5,1 triệu tấn gạo) với kim ngạch 2,9 tỉ USD, tăng 3,6% về lượng và tăng tới 94,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2007.
Theo số liệu hải quan, trong năm 2008, gạo của nước ta được xuất khẩu sang 121 thị trường và vùng lãnh thổ, nhiều hơn tới 40 thị trường so với năm 2007. Trong đó, cả nước có tất cả 165 đơn vị tham gia xuất khẩu gạo, nhiều hơn 60 đơn vị so với năm 2007.
Cuộc khủng hoảng sẽ khiến nhu cầu gạo tăng bởi gạo vẫn là lương thực chính toàn cầu, nên để tránh rủi ro hiện các nước đang tăng cường dự trữ lương thực nhằm đảm bảo an ninh lương thực, ngay cả nước xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan, Ấn Độ cũng đang hạn chế xuất khẩu mặt hàng này. Theo dự báo, xuất khẩu gạo năm 2009 của nước ta đạt 4,5 triệu tấn với kim ngạch khoảng 2 tỉ USD, giảm 4,5% về lượng và giảm 30% về trị giá so với năm 2008. Trong đó, xuất khẩu gạo của nước ta vẫn sẽ tập trung vào các thị trường truyền thống và chiếm đến hơn 40% sản lượng xuất khẩu như: Philippine, Cuba, Malaysia… và tiếp tục mở rộng thị trường sang các nước châu Phi, Nhật Bản, Úc.