Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất chế biến mía đường: Loạn!
29 | 03 | 2010
Tình trạng tranh mua giành bán, khiếu nại, triệt hạ nhau... đã, đang và sẽ còn diễn ra là những bức xúc mà các doanh nghiệp sản xuất chế biến mía đường khắp cả nước mang ra tại hội nghị do Hiệp hội Mía đường Việt Nam (HHMĐ) tổ chức ngày 26.3 ở TPHCM...

“Quẳng” cam kết ngay sau hội nghị

Không “nhẹ nhàng” như ngôn từ báo cáo của HHMĐ, bà Phạm Thị Thu Hương - Tổng GĐ Cty CP mía đường Bourbon Tây Ninh - oang oang bức xúc: “Năm ngoái, khi bắt đầu vào vụ mới, chúng ta cũng họp thế này. Các DN đều cam kết không vào vụ sớm. Nhưng ngay sau cuộc họp, có người quên mất lời cam kết của mình. Đề nghị HHMĐ phải có biện pháp, chứ như thế này thì còn “loạn” nữa”.

Năm nào cũng vậy, cứ chuẩn bị vụ mới, các thành viên HHMĐ lại họp và cam kết thống nhất cùng vào vụ mua mía, chế biến, thống nhất khung giá mua. Tuy nhiên, lời cam kết bị “quẳng” ngay sau hội nghị.

Năm nay, tình hình còn tệ hại hơn. Theo HHMĐ, việc giành giật vùng nguyên liệu làm tan nát kế hoạch sản xuất của các nhà máy, rối loạn thị trường mía đường không chỉ dừng ở ĐBSCL mà đã phát sinh ở miền Trung, Tây Nguyên khi hàng loạt DN khiếu nại tố cáo lẫn nhau như: Cty CP đường Gia Lai và Bình Định đi khiếu nại Cty CP Kon Tum, nhưng 2 Cty trên lại bị đơn vị khác là Cty KCP “tố” đã đổ quân đi mua mía trong vùng nguyên liệu của họ; Cty đường Việt-Đài khiếu nại Cty đường Lam Sơn và Hòa Bình; Cty CP đường Phan Rang “vạnh mặt” Cty CP đường Khánh Hòa không nên dùng chiêu khuyến mãi để mua mía trong vùng đầu tư của đường Phan Rang...

Bức xúc tới mức một DN ở ĐBSCL thốt lên giữa hội nghị các DN mía đường “đó phải gọi là ăn cướp!”.

Việc giành giật vùng nguyên liệu cũng khiến giá mua mía loạn xạ. Mặc dù ngay đầu vụ, Bộ NNPTNT đã đưa ra khung giá mua mía cho dân, nhưng ở miền Bắc, các DN mua chỉ khoảng 600.000-700.000 đồng/tấn loại mía 10 chữ đường, trong khi đó ĐBSCL lại mua có khi cao gấp đôi - lên 1,3 triệu đồng/tấn... DN nào mua giá mía cao, nếu rơi trúng lúc giá đường thấp như hiện nay, thì chỉ có phá sản.

Vào vụ sớm, ép mía chín sớm, tất yếu chữ đường thấp không chỉ thiệt hại cho nông dân mà cả chính DN chế biến. Hơn nữa, theo ông Võ Thành Đàng - Chủ tịch HHMĐ - niên vụ 2009-2010 này, tranh chấp làm thiếu nguyên liệu khiến hàng loạt nhà máy đường chạy không đủ công suất. Thậm chí các DN thuộc tiểu vùng ĐBSCL phải luân phiên nhau ngưng ép mía trong 10 ngày.

“Nếu cứ nói một đằng, làm một nẻo, không ai nghe ai hết thế này thì chính chúng ta tự tiêu diệt lẫn nhau và làm cơ hội cho đường lậu, đường ngoại thao túng thị trường!” - bà Phạm Thị Sum (Chủ tịch HĐQT Cty CP đường Biên Hòa) bức xúc!

Loạn giá đường vì lũng đoạn?

Theo HHMĐ, hiện giá đường thế giới hiện đã giảm tới 41% so với mức giá cao nhất hồi đầu tháng 2 vừa qua. Tại Việt Nam, chỉ trong vòng 1 tuần, giá bán buôn đã giảm từ  17.000 đồng/kg xuống còn 15.000 đồng/kg, rất bất thường. “Tôi nghi ngờ giá đường của chúng ta bị thao túng bởi các nhà đầu cơ nước ngoài, giống như từng xảy ra với càphê vậy!” - nhiều DN chung nhận định này!

Trong bối cảnh trên, cùng với sự đổ bộ ồ ạt của đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam, nhiều DN Việt Nam lại ồ ạt bán tháo đường, bởi áp lực trả tiền mua mía nguyên liệu cho nông dân cũng khiến giá đường “tụt dốc không phanh”. Tất nhiên người tiêu dùng được lợi, còn DN thiệt hại tất tìm cách ép giá nông dân.

Theo các DN thì ngành sản xuất chế biến mía đường liên tục “loạn” cũng bởi chính sách chưa hợp lý. Đường trong nước được “buông” nên bị chi phối bởi thị trường thế giới, nhưng “khung” giá mua nguyên liệu, giá bán ra lại chịu sự điều tiết của Nhà nước. XK gạo cũng như mía đường, chịu sự điều tiết nhưng có quỹ bình ổn lúa gạo phòng ngừa rủi ro cho DN, nông dân khi giá thế giới bất lợi.

Ngành đường không hề có quỹ này dễ khiến DN bị “điều tiết” lâm nguy và họ phải tìm cách tự cứu mình trước nên thiệt thòi rơi vào người sản xuất. “Đề nghị Nhà nước có quỹ này với ngành đường. Trong chính sách “Tam nông”, cũng đề nghị Chính phủ quan tâm tới cây mía, cây lúa!” - bà Sum trăn trở.

Các DN còn cho rằng, nếu không kiểm soát được đường nhập lậu như hiện nay thì việc cho phép nhập khẩu 200.000 tấn vừa rồi của Chính phủ cũng không đạt mục đích bình ổn thị trường, giá đường.



Theo Lao Động
Báo cáo phân tích thị trường