Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phập phồng vụ mía mới
06 | 04 | 2010
Giá đường đang tụt dốc, giá mía nguyên liệu cũng sụt giảm liên tục. Nhiều nhà máy đường đang điêu đứng vì tồn hàng. Tuy nhiên, trước hấp lực lớn từ giá mía kỷ lục trong vụ mía vừa qua, hàng ngàn nông dân ĐBSCL vẫn đang ồ ạt mở rộng diện tích trồng mía.

Đường tồn, doanh nghiệp điêu đứng

Từ cuối năm 2009, có thông tin cho rằng Ấn Độ và Brazil - hai quốc gia sản xuất đường đứng đầu thế giới sẽ giảm diện tích mía để chuyển sang trồng các loại cây khác; đồng thời, dùng nguyên liệu mía sản xuất ethanol thay cho nhiên liệu hóa thạch, nên nguồn cầu sẽ vượt cung 6 triệu tấn. Chính điều này làm cho một số doanh nghiệp Việt Nam tăng lượng mua để dự trữ và dẫn đến cơn sốt giá. Có thời điểm, giá đường trong nước cao chóng mặt: 25.000 đồng/kg.

Trước tình hình đó, Chính phủ cho phép nhập khẩu 200.000 tấn đường trong hạn ngạch thuế quan. Nhưng sau khi nhập 100.000 tấn, giá đường thế giới giảm và kéo giá trong nước xuống theo. Cụ thể, giá đường thế giới đạt đỉnh vào tháng 1 với 753,2 USD/tấn và bất ngờ giảm mạnh vào tháng 3, chỉ còn 532,6 USD/tấn. Giá đường trong nước cũng dao động theo giá thị trường thế giới: đạt 17.500 đồng/kg vào thời điểm tháng 1-2010 và đến nay chỉ còn 14.800 - 15.200 đồng/kg. Không chỉ vậy, ngành đường Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi đường nhập lậu từ biên giới Tây Nam, biên giới Việt Nam - Lào ở miền Trung, tạo ra cạnh tranh không bình đẳng với các nhà máy đường trong nước, gây rối loạn thị trường.

Theo thống kê, hàng năm, các nhà máy đường tại ĐBSCL sản xuất khoảng 300.000 tấn đường (chiếm khoảng 1/3 cả nước). Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ biến động bất ngờ của giá đường thế giới, các doanh nghiệp tại đây đang đứng trước nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) phân bua: “Các nhà máy đường ở ĐBSCL đang điêu đứng vì trong vùng này còn tồn khoảng 70.000 - 80.000 tấn đường. Trong khi phải làm nghĩa vụ là mua hết mía cho nông dân với giá từ 1.200 - 1.300 đồng/kg. Giá đường hạ từng ngày, mà nguyên liệu mía cứ mua vào, chất đống tại nhà máy nên nguy cơ thua lỗ khó tránh khỏi.

Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước không tiếp vốn cho các ngân hàng thương mại nên họ rất hạn chế cho doanh nghiệp sản xuất đường vay. “Nếu được vay, doanh nghiệp cũng chịu lãi suất cao, cộng với giá sụt, hàng tồn thì rủi ro cho các nhà máy đường là rất lớn”.

Bỏ hoa màu, trồng mía

Hiện giá đường đang sụt giảm, giá nguyên liệu mía cũng hạ nhiệt. Tuy nhiên, dư âm thắng lợi từ vụ mía 2009 - 2010 vẫn đang thôi thúc nông dân ở những vùng trọng điểm mía như: Sóc Trăng, Trà Vinh hối hả mở rộng diện tích. Nhiều khả năng, tổng diện tích mía toàn vùng sẽ vượt con số 53.000ha. Tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, hiện đã xuống giống được trên 3.000ha mía, chiếm gần 1/2 tổng diện tích. Nhưng đáng quan ngại là trong số diện tích đang xuống giống có không ít mảnh ruộng vụ trước trồng khoai lang, trồng màu nay được cày xới, cải tạo trồng mía.

Ông Nguyễn Văn Hiệp, ngụ thị trấn Cù Lao Dung, phân tích: “Vụ trước tôi trồng 2 công khoai lang, cuối vụ tính ra lỗ hơn triệu bạc. Trong khi hàng xóm trồng mía có giá tính tiền thấy ham, nhiều nhà thu lãi hàng 100 triệu đồng/ha. Vụ này tôi bỏ khoai trồng mía hy vọng lấy lại vốn”.

Theo Phòng Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung, trong niên vụ 2009 - 2010, toàn huyện có 7.345ha mía. Với tốc độ trồng mía như hiện nay, nhiều khả năng trong niên vụ 2010 - 2011 diện tích mía của huyện sẽ tăng lên trên 7.600ha, vượt quy hoạch 1.000 - 1.600ha. Trước hiện tượng nhiều diện tích trồng màu, cây ăn trái, vuông tôm chuyển qua trồng mía cũng làm cho giá mía giống vượt ngưỡng 2.000 đồng/kg.

Ở Hậu Giang, vùng mía lớn nhất ĐBSCL, nông dân đã xuống giống xong vụ mía 2010 - 2011. Trong đó cũng có hàng trăm hécta trồng lúa được chuyển sang trồng mía. Anh Phạm Tiến Bước, ngụ ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệu, Hậu Giang lý giải: “Năm rồi mía có giá nên có lời, vụ này tôi chuyển luôn 2 công trồng lúa vụ trước sang trồng mía. Tăng diện tích chỉ ngán tiền giống, vụ này mỗi công tôi phải bỏ trên 2 triệu đồng tiền giống, nhiều hơn vụ trước gần 1 triệu”. Theo Sở NN-PTNT Hậu Giang, diện tích mía năm 2010 – 2011 là 14.000ha, tăng khoảng 1.000ha so vụ trước.

Ở Trà Vinh, thống kê sơ bộ của nhà máy đường cũng cho thấy nhiều hộ dân đã mạnh dạn bỏ đất trồng hoa màu để trồng mía, diện tích trồng mới ước tăng từ 500 - 600ha. Ở Cà Mau, nông dân ở các xã Biển Bạch Đông, Tân Bằng, Biển Bạch, huyện Thới Bình cũng đã chuyển trên 100ha đất nuôi tôm, trồng màu kém hiệu quả sang trồng mía nguyên liệu.

Trước tình hình nông dân ồ ạt chuyển đổi diện tích, phá vỡ quy hoạch này, thời gian qua, ngành nông nghiệp Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích.

Ông Hồ Thanh Kiệt, Phó phòng NN-PTNT huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng nhận định: “Việc tăng diện tích mía tự phát ở các tỉnh như hiện nay rất rủi ro bởi đầu ra bấp bênh, trồi sụt thất thường. Vụ rồi tổng sản lượng mía của Cù Lao Dung là trên 900.000 tấn trong khi năng suất tối đa của Nhà máy mía đường Sóc Trăng chỉ là 400.000 tấn, chúng tôi phải ký hợp đồng với 3 nhà máy ngoài tỉnh khác mới tiêu thụ hết mía. Diện tích tăng, nếu giá đường thấp doanh nghiệp tỉnh khác thừa nguyên liệu tại chỗ, không mua mía thì chẳng biết sẽ xử lý ra sao”.



Theo SGGP Online
Báo cáo phân tích thị trường