Trao đổi với Lao Động sáng 29.3 về các vấn đề trên, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Hà Hữu Phái cho biết:
- Năm nào các DN cũng ngồi lại bức xúc với bài toán nguyên liệu, giá tụt giảm, tín dụng khó khăn… Mỗi DN kêu một kiểu, “anh” thương mại thì lo lỗ do mua đường nguyên liệu vào thời điểm giá cao, đến khi đường giảm giá phải giảm theo. “Anh” sản xuất “dính” vào cái bẫy mua cao bán thấp. Thời điểm mua mía nguyên liệu lên đến 1,3 triệu/tấn do nguồn nguyên liệu khan, DN thi nhau đẩy giá để tranh hàng. Giờ đường trong nước giảm thê thảm, chưa kể đường nhập lậu tuồn vào liên tục thì phải ngậm đắng chịu giá xuống theo.
Việc chịu sự biến động quá lớn của thị trường đường thế giới cũng cho thấy khả năng dự báo thị trường của nước ta còn quá hạn chế. Ông nhìn nhận thế nào về điều này?
- Việc nắm bắt thị trường thế giới theo tôi là rất khó. Ngay cả DN có “máu mặt” ở nước ngoài đầu tư vào VN vẫn phải chịu cảnh thấp thỏm chờ giá. Điển hình như sự biến động giá năm nay là quá mạnh và quá đột ngột, giá giảm mạnh khiến những nhà nghiên cứu thị trường lâu nay cũng chẳng thể nào nhận định nổi.
Việc dự báo từ trước đến nay chỉ có thể qua các trang web quốc tế, nhưng chỉ là thông tin chung chung. Hiện chưa thể nói giá đường thế giới còn giảm đến đâu, nhưng nhiều khả năng là khó giảm thêm được nữa. Nếu giá đường trong nước xuống dưới 14.000đ/kg thì mới phải tính tới khả năng lỗ, còn với mức giá như hiện tại thì DN vẫn có thể coi là trụ được.
Tại sao năm nào DN cũng cứ ra sức tố nhau về việc tranh mua tranh bán nguyên liệu, để rồi lại phá rào mua mía non, ép dồn dập, thưa ông?
- Thực tế, tình trạng này chỉ diễn ra ở khu vực phía nam, đặc biệt ĐBSCL. Ở miền Bắc, miền Trung, việc sản xuất vẫn không chịu nhiều biến động bởi vùng nguyên liệu tại đây không “chung đụng” như ở ĐBSCL. Vùng mía ở ĐBSCL như một miếng bánh, ai cũng muốn tranh phần lớn nên mía dù non vẫn ào ào mua về ép. Mía theo đó có thể về nhà máy này, có thể nhả nhà máy kia, miễn là nơi nào mua được giá cao hơn.
Chưa kể việc bà con trồng mía, nhưng thấy các cây khác “ngon ăn” hơn như sắn, caosu thì sẵn sàng bỏ mía ngay, trong khi nhà máy mới thì cứ xây dựng liên tục. Chưa có một cơ chế nào để cụ thể hóa bao tiêu vùng nguyên liệu.
Đây vẫn luôn là định hướng chiến lược hằng năm của ngành mía đường; nhưng tại sao vẫn cứ giậm chân tại chỗ?
- Việc quy hoạch vĩ mô lâu nay không phải là không có, nhưng hầu như chỉ đưa ra định hướng. Vấn đề là làm thế nào tạo cơ sở pháp lý để dân chuyên tâm trồng mía, mới may ra đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu lâu dài cho từng DN. Vẫn chưa có một quy định nào nghiêm ngặt cho việc phát triển vùng nguyên liệu ổn định. Việc tranh giành nguyên liệu, giá cả bị lũng đoạn theo đó năm nào cũng diễn ra.
Ở phạm vi hiệp hội, chúng tôi chỉ có thể đưa ra các khuyến cáo, còn lại chưa có văn bản pháp lý nào để quy định nghiêm ngặt cho việc sản xuất thu mua. Ngành mía đường sẽ còn lao đao nhiều nếu chưa chấm dứt được tình trạng này.
Xin cảm ơn ông!