Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá đường bị đẩy lên cao!
11 | 12 | 2009
Giá thành sản xuất chỉ từ 11.000 đồng- 11.500 đồng/kg đường nhưng giá bán buôn của các nhà máy lên đến 15.500 đồng- 16.000 đồng/kg; giá bán lẻ đến người tiêu dùng lên 20.000 đồng/kg

Thị trường đường tiếp tục căng thẳng. Hiện giá đường vẫn đang đà tăng, khiến nhiều người lo ngại, nhất là các đơn vị sản xuất bánh kẹo, sữa... Ngày 10-12, tại chợ Bình Tây (Q.6- TPHCM), giá đường Biên Hòa tăng thêm 200 đồng/kg với giá bán sỉ lên đến 18.600 đồng/kg.

Các loại đường xá bán sỉ tại chợ hiện cũng rất cao, từ 15.500 đồng- 16.000 đồng/kg. Ông Huỳnh Hữu Tuấn, quản lý siêu thị Citimart Bình Thạnh, cũng cho hay nguồn đường cung cấp vào siêu thị không thiếu nhưng giá đường hiện đang đứng ở mức 20.000 đồng/kg...


Hàng không thiếu, giá vẫn tăng


Theo giới kinh doanh đường, giá đường thế giới hiện chỉ khoảng 600 USD/tấn, tính đầy đủ các chi phí vận chuyển, thuế... thì giá thành nhập khẩu chỉ khoảng 13.000 đồng/kg. Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc đối ngoại Công ty Cổ phần Sữa VN Vinamilk, cho biết giá đường trong nước hiện nay cao hơn thế giới từ 4.000 đồng- 5.000 đồng/kg nên các doanh nghiệp sử dụng nhiều đường nguyên liệu như Vinamilk rất muốn nhập khẩu để giảm giá thành sản phẩm nhưng đây là mặt hàng muốn nhập phải có quota nên không phải lúc nào cũng được nhập.

Chỉ trong tháng 9 vừa qua, Vinamilk mới được cấp quota nhập 5.000 tấn đường, trong khi mỗi tháng đơn vị sử dụng đến 7.000 tấn, buộc lòng phải mua đường trong nước với giá cao ngất...


Hiện các nhà máy đường ở miền Trung, miền Bắc đã đồng loạt hoạt động (trước đó, các nhà máy ở khu vực ĐBSCL cũng đã vào vụ sớm hơn). Lượng đường từ các nhà máy sản xuất trong tháng 12 này có thể lên đến 180.000 tấn- 200.000 tấn (chưa kể lượng hàng tồn kho trước đó của các doanh nghiệp) trong khi nhu cầu thị trường theo tính toán của Hiệp hội Mía đường VN chỉ khoảng dưới 100.000 tấn/tháng...


Đường tại các chợ dồi dào nhưng giá lại tăng cao. Ảnh: H.Thúy


Do giá đường trong nước quá cao nên gần đây đường Thái Lan lại tràn vào. Bà Bùi Thị Quy, Giám đốc Công ty Mía đường Long Mỹ Phát (Hậu Giang), cho biết vài ba ngày nay nguồn hàng này đổ về các tỉnh miền Tây với số lượng rất lớn, tăng gấp nhiều lần so với lúc bình thường. Giá đường Thái Lan chỉ từ 14.500 đồng- 15.000 đồng/kg (giá bán buôn)...


Đẩy giá để hưởng siêu lợi


Ông Hà Hữu Thái, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường VN, nói nguyên nhân giá đường tăng cao là do các nhà máy đường khu vực ĐBSCL vào vụ sớm nên tranh mua mía nguyên liệu đẩy giá mía lên cao (hiện đang đứng ở mức 800.000 đồng- 960.000 đồng/tấn mía) nên họ phải tăng giá đường lên theo.

Giá đường khu vực phía Nam tăng cao đã kéo giá đường ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc tăng theo tương ứng trong khi giá mía nguyên liệu ở miền Trung vẫn ở mức thấp, từ 700.000 đồng- 750.000 đồng/tấn; miền Bắc 650.000 đồng- 750.000 đồng/tấn...


Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người am hiểu thị trường, giá đường trong nước tăng cao ngay cả trong thời điểm nguồn cung dư thừa là do các nhà sản xuất đường cũng như giới kinh doanh vẫn muốn kìm giá để tiêu thụ hết lượng đường dự trữ trước đây với giá cao.

Thực tế là ngay cả khi giá mía nguyên liệu có lên đến 1.000 đồng/kg cũng không thể đẩy giá đường lên chót vót như hiện nay. Bởi cứ 10 kg mía nguyên liệu sẽ sản xuất được 1 kg đường.

Nếu cộng đầy đủ các các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh thì chỉ cần bán 12.000 đồng- 12.500 đồng/kg là nhà sản xuất đã có lãi hợp lý (ở khu vực miền Trung, miền Bắc do giá mía nguyên liệu chỉ khoảng 700 đồng/kg thì giá đường chỉ cần ở mức khoảng 10.000 đồng là nhà sản xuất đã lãi khá). Trong khi đó, các nhà máy đường hiện đang bán ra với giá bán buôn lên đến 15.500 đồng- 16.000 đồng/kg là quá bất hợp lý...


Giá gốc đã cao, các khâu trung gian như thương lái, nhà bán lẻ còn tiếp tục đẩy giá lên thêm từ 2.000 đồng- 3.000 đồng/kg khiến giá đường đến tay người tiêu dùng cao ngất; các đơn vị sản xuất sử dụng nhiều nguyên liệu đường lao đao. Trong khi đó các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp hữu hiệu gì để chấn chỉnh tình trạng này...

GS-TS Võ Tòng Xuân:

Cần kiểm tra các nhà máy đường

Để giải quyết vấn đề giá đường tăng cao, trước mắt cơ quan chức năng cần nhanh chóng thanh tra, kiểm tra các nhà máy đường, các công ty kinh doanh đường để xem họ có đầu cơ hay không. Thậm chí phải chấp nhận cho đường Thái Lan vào để hạ cơn sốt giá đường.


Về lâu dài cần phải xây dựng hệ thống điều hành đối với các nhà máy đường, người trồng mía. Vai trò của Nhà nước trong việc này thời gian qua gần như bị thả lỏng, quy hoạch vùng trồng mía cũng chưa được chú trọng.

Chính quyền các địa phương cũng không để ý đến cây mía, mạnh ai nấy trồng. Giống mía lạc hậu, năng suất thấp; vùng đất trồng mía chưa được cơ quan chức năng phân tích thổ nhưỡng để hướng dẫn người trồng bón phân thích hợp.



Theo www.nld.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường