Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lại phải "với tay" khi mua đường
05 | 12 | 2007
- Chỉ trong một thời gian ngắn, giá đường đã tăng 30-40% dù đang trong vụ thu hoạch mía. Vì sao giá tăng và có còn tăng thêm?
Anh H. - chủ một cơ sở sản xuất bánh quế tại Q.5, TP.HCM - cho biết không riêng gì gia đình anh mà rất nhiều cơ sở sản xuất bánh kẹo khác hiện đang điêu đứng do giá đường tăng vọt, nhưng không phải lúc nào cũng có hàng để mua.

Khan hàng, tăng giá
Theo Hiệp hội Mía đường VN, giá thành sản xuất đường tại VN hiện đã vượt 6.000 đồng/kg, tăng hơn 1.000 đồng/kg so với thời gian trước.

Hơn một tuần qua, anh H. phải mua hàng ở chợ với giá cao hơn 2.000-3.000 đồng/kg so với trước đây. "Chưa bao giờ đang giữa vụ sản xuất đường lại xảy ra khan hàng và giá tăng như thế này..." - anh H. nói.

Tại chợ Trần Chánh Chiếu (Q.5, TP.HCM) nhiều khách hàng đã bất ngờ khi giá đường tăng. Chị T. - chủ cơ sở làm bánh ngọt - cho biết mỗi ngày cơ sở tiêu thụ 13 cây đường (12kg/cây). Tính ra lần lấy hàng này chị phải trả thêm hơn 500.000 đồng cho cùng một lượng đường tương tự. Theo chị T., khoản chi phí đội thêm này không thể tính vào giá bán vì giá bánh phải ổn định chứ không thể thay đổi theo kiểu "sớm nắng chiều mưa" như giá đường được.

Làm "bạn" với gánh chè hơn 20 năm nay, chưa bao giờ bà Việt (bán chè trên đường Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM) cảm thấy gánh chè của mình "nặng" như hiện nay. Cùng với giá đường leo thang, các loại đậu và nguyên phụ liệu khác để nấu chè cũng tăng vọt, khiến gánh chè (thường sử dụng hết khoảng 13kg đường/ngày) bị đội giá thêm 60.000 đồng. Trước đây mỗi ngày bà Việt kiếm được khoảng 100.000 đồng, nhưng hiện nay chỉ còn 30.000-40.000 đồng.

Chỉ là tăng tạm thời và cục bộ

Giải thích về hiện tượng khan hàng, giá tăng, ông Nguyễn Thành Long - tổng giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Cần Thơ - cho biết chỉ là sốt "cục bộ" tại khu vực phía Nam và diễn ra trong thời gian ngắn. Theo ông Long, nhiều nhà máy đường tại khu vực ĐBSCL đang thiếu mía nguyên liệu tạm thời, do các diện tích mía chưa chín nên chưa đưa vào sản xuất.

Vào thời điểm này mọi năm, các nhà máy đường tại khu vực miền Trung và phía Bắc đưa hàng vào phía Nam khá dồi dào. Tuy nhiên, tình trạng bão lũ liên tục trong tháng vừa qua khiến các nhà máy đường ở những khu vực này vào vụ trễ hơn nửa tháng, chỉ mới bắt đầu sản xuất vào cuối tháng 11-2007.

"Phía Bắc và miền Trung năm nay đều có mưa nhiều, cây mía phát triển tốt và trúng mùa. Sẽ không có tình trạng thiếu đường cho nhu cầu nội địa một khi các khu vực trồng mía tại ĐBSCL đồng loạt bước vào thời điểm thu hoạch và các nhà máy đều hoạt động" - ông Long khẳng định.

Cũng theo ông Long, nguồn cung sản phẩm đường trên thị trường thế giới năm nay khá dồi dào, ước tính thừa khoảng 10 triệu tấn đường. Riêng tại Thái Lan, nơi mà đường vẫn thường được nhập lậu vào VN, năm nay cũng thừa khoảng 1 triệu tấn. Ông Long khẳng định giá đường nội địa tăng cao sẽ là cơ hội cho đường lậu từ Thái Lan đổ vào, do giá thành sản xuất đường Thái Lan thấp hơn nhiều so với VN.

Giá không thể tăng thêm

Theo nhiều nhà máy mía đường, giá tăng còn do ảnh hưởng của chi phí sản xuất tăng, gồm giá dầu và nhân công. Giám đốc một nhà máy đường khu vực miền Đông Nam bộ khẳng định nhiều nhà máy đường hiện lao đao do giá vận chuyển tăng vọt kể từ sau khi giá xăng dầu tăng.

Anh Luân - chủ vựa đường tại chợ Trần Chánh Chiếu - cho biết cước phí vận chuyển tuyến Bắc Nam hiện đã tăng thêm 3 triệu đồng/chuyến, từ 15 lên 18 triệu đồng/chuyến, cũng góp phần làm đội giá đường bán ra. Theo anh Luân, giá nhân công vận chuyển, bốc xếp hàng cũng tăng vọt, chưa kể tình trạng khan hiếm lao động chặt mía ở các địa phương đã đẩy giá thành sản xuất đường lên cao.

"Giá đường sẽ không thể tăng cao nữa do đã đạt ngưỡng, chưa kể đường lậu giá rẻ vào nhiều. Giá đường cũng đã giảm nhẹ trong thời gian gần đây, do đó không thể có chuyện các nhà máy hay đại lý ghìm hàng để đẩy giá bán lên. Nếu ghìm hàng trong thời điểm các cơ sở bán mứt vào mùa làm hàng tết có khi lại mất cả chì lẫn chài" - anh Luân khẳng định.



Nguồn: chebien.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường