Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường mía nguyên liệu ĐBSCL: Thương lái thao túng
09 | 04 | 2009
Dù giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL đã lên trên 700.000đ/tấn, cao nhất từ trước đến nay nhưng các nhà máy đường vẫn không mua được mía. Trong khi đó, các thương lái không vội thu hoạch mía vì họ muốn thắng đậm hơn trong vụ đầu cơ mía năm nay.

Đến cuối tháng 4, vụ mía đường 2008-2009 sẽ kết thúc. Các nhà máy đường ở ĐBSCL đang đẩy mạnh thu mua mía để sớm hoàn thành kế hoạch sản xuất. Hiện nay, giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL đã được đẩy lên 740đ/kg nhưng nhiều nhà máy vẫn thiếu nguyên liệu. Đáng nói, khi giá mía tăng cao, người trồng mía ở ĐBSCL không được hưởng lợi vì gần như toàn bộ diện tích mía hiện còn ở ĐBSCL đều nằm trong tay các thương lái.

Bà Ngô Thị Đồng, ấp Bảy Sào Giữa, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú, tình Trà Vinh cho biết: Sau Tết Nguyên đán, gia đình bà bán 5 công mía cho thương lái với giá 30 triệu đồng. Giờ đây, ruộng mía của bà Đồng vẫn còn nhưng bà không còn quyền bán dù giá mía đã tăng rất cao. Bà Đồng nói: “Nông dân chúng tôi rất khó kiếm được 100.000đ, vậy mà vụ mía này tôi phải mất khoảng 12 triệu đồng vì đã bán mía sớm”.

Theo bà Đồng, bà và nhiều hộ trồng mía ở Trà Vinh đã mất bạc triệu do thiếu thông tin giá cả. Bà con chỉ căn cứ vào hiện tượng giá đường giảm nhẹ sau Tết Nguyên đán, thương lái đến tận nhà mua mía đám với giá khá cao nên nhiều bà con bán ngay vì sợ mía rớt giá vào cuối vụ.

Đại diện Công ty Mía đường Trà Vinh cho biết: Việc xây dựng vùng mía nguyên liệu của các nhà máy đường ở ĐBSCL khác nhau, nên các nhà máy phải cạnh tranh nhau trong thu mua. Mặt khác, các thương lái đầu cơ bằng hình thức gom mua các rẫy mía chưa thu hoạch để “làm giá” với các nhà máy đường. Theo kế hoạch của Công ty Mía đường Trà Vinh, vụ mía 2008-2009, nhà máy này cần đến 300.000 tấn mía nguyên liệu nhưng nay mới thu mua được khoảng 250.000 tấn nên khó đạt kế hoạch đề ra.

Vùng nguyên liệu mía của Bến Tre cũng đang trong tình trạng bị thương lái đầu cơ. Do diện tích mía chưa thu hoạch còn ít và nằm trong tay các thương lái nên Công ty Mía đường Bến Tre chỉ thu mua mía nguyên liệu được khoảng 50% so công suất nhà máy. Thời gian qua, Công ty Mía đường Bến Tre đã hai lần điều chỉnh kế hoạch sản xuất, từ 300.000 tấn mía/năm xuống 260.000 tấn/năm nhưng vẫn khó hoàn thành kế hoạch.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Mía đường Bến Tre, nói: “Trên địa bàn tỉnh còn có Nhà máy đường Nagajuna nên việc cạnh tranh trong mua mía nguyên liệu của các nhà máy đường trở nên khó khăn hơn. Một số hợp đồng bao tiêu mía với nông dân không thực hiện được vì có sự xuất hiện của thương lái”.

Tại Sóc Trăng, tình trạng thương lái làm giá càng “khốc liệt” hơn, ông Phạm Hồng Văn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Cù Lao Dung, Sóc Trăng cho biết: Toàn huyện hiện còn khoảng 500ha mía nguyên liệu nhưng gần như trong tay thương lái.

Nguyên nhân do người trồng mía thiếu công lao động thu hoạch mía, thiếu phương tiện vận chuyển mía đến nhà máy nên phải bán mía đám cho thương lái. Đó là chưa kể, nếu nông hộ cố lo được nhân công thu hoạch mía, phương tiện vận chuyển đến nhà máy thì cũng không “hài lòng” vì phải thông qua tổ thu mua, kiểm tra chữ đường trong mía…

Trong nhiều năm qua, sau khi kết thúc niên vụ sản xuất các nhà máy đường đều “ngồi lại” với nhau và thống nhất phương án xây dựng vùng nguyên liệu để ổn định sản xuất. Thế nhưng, tình trạng cạnh tranh trong thu mua nguyên liệu giữa các nhà máy vẫn tiếp diễn là kẽ hở để các thương lái “bớt xén” phần lợi nhuận của người trồng mía. Thiết nghĩ, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cần phải “mổ xẻ” kỹ hơn những hạn chế trong các khâu: Tổ chức sản xuất, thông tin thị trường, phương thức tiêu thụ… để vừa giúp những người trồng mía có nguồn thu nhập ổn định, vừa giúp các nhà máy đường chủ động về nguyên liệu để hoạt động.



Nguồn: www.sggp.org.vn
Báo cáo phân tích thị trường