Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
12 nhà máy đường dừng sản xuất do hết nguyên liệu
27 | 03 | 2009
Theo Bộ NN&PTNT, vụ mía 2007-2008 hiệu quả trồng mía thấp hơn nhiều so với các cây trồng khác, một số nơi nông dân đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Việc đầu tư chăm sóc diện tích mía còn lại cũng hạn chế, cộng với sâu bệnh (Nghệ An bị bệnh chồi cỏ) nên diện tích, năng suất mía đều giảm.

Vụ mía 2008-2009, dự kiến diện tích mía cả nước khoảng 290.000 ha, giảm so với vụ trước hơn 16.600 ha. Diện tích mía vùng nguyên liệu tập trung của các nhà máy là 218.702 ha, giảm so với vụ trước 8.200 ha.

Chẳng hạn, tại Quảng Ngãi, theo kế hoạch, vụ mía 2008-2009, toàn tỉnh phải đạt 8.500 ha, sản lượng 495.300 tấn. Song, theo tổng hợp của các trạm nguyên liệu, vụ mía này cả tỉnh chỉ đạt 5.845 ha, sản lượng khoảng 290.000 tấn. Ước tính, sản lượng mía của cả niên vụ mới đáp ứng được 50% nhu cầu chế biến của hai nhà máy trên địa bàn.

Bộ NN&PTNT cho biết, từ giữa tháng 3 trở lại đây, đã có 12/40 nhà máy đường phải dừng sản xuất do hết nguyên liệu. Đến hết tháng 3/2009, sẽ có tổng cộng 25 nhà máy phải tạm đóng cửa bởi nguồn nguyên liệu hạn chế.

Do thiếu nguyên liệu, Bộ NN&PTNT dự kiến vụ 2008-2009, lượng mía ép công nghiệp đạt khoảng 10 triệu tấn (giảm 2,1 triệu tấn so với vụ trước), sản lượng đường công nghiệp đạt 951.000 tấn (giảm 198.000 tấn).

Tuy thiếu mía nguyên liệu nhưng lượng đường của các nhà máy vẫn đảm bảo. Luỹ kế từ đầu vụ đến nay, 40 nhà máy đã ép được hơn 8,32 triệu tấn mía, đạt gần 767.000 tấn đường, tương đương cùng kỳ năm trước.

Tổng lượng đường tiêu thụ từ 15/2-15/3 là 128.700 tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước 60.000 tấn. Lượng đường tiêu thụ tăng chủ yếu do các doanh nghiệp kinh doanh thu gom, phần lớn vẫn nằm ở khâu dự trữ lưu thông. Lượng tồn kho của các nhà máy đến giữa tháng 3/2009 là 294.330 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 50.000 tấn.

Do biến động của giá đường thế giới (tăng do nguồn cung giảm) nên giá đường trong nước tiếp tục tăng so với tháng trước. Giá bán đường trắng loại I đã có thuế VAT tại kho nhà máy trên cả nước phổ biến ở mức 8.200-8.600 đồng/kg. Giá đường nhập lậu biên giới khoảng 8.400 đồng/kg.



Nguồn: Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường