Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu hàng hoá nông sản: Còn dựa vào giá, còn... phập phồng
24 | 07 | 2007
Trong thời gian qua, Hàng loạt mặt hàng nông sản đã "bội thu" về giá xuất khẩu. Việc tăng giá mạnh mang nhiều thuận lợi cho các ngành hàng được coi là "nhạy cảm" nhất trước thềm hội nhập. Nhưng nhiều chuyên gia lại tỏ ra quan ngại vì nếu phụ thuộc vào giá, nông sản sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Những ngày qua, giá thu mua hạt tiêu của các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu trong nước cho nông dân đã lên đến 45.000 đồng/kg, cao gấp 3 lần so với thời điểm tháng 6-2006. Từ đầu tháng 9-2006 đến nay, giá hạt tiêu đen xuất khẩu của VN luôn tăng mạnh, hiện đang ở mức 2.750 USD/tấn, so với cách đây một tháng chỉ khoảng 2.000 USD/tấn.

Tăng giá, nhưng bất ổn!

Với mức giá này, người trồng tiêu và cả DN xuất khẩu đều lãi lớn! Tuy nhiên, theo ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu VN, trong 10 năm trở lại đây, giá tiêu thế giới luôn biến động khó lường. Năm nay tăng vài trăm đô la, ngay tức thì năm sau lại sụt giảm; điều đáng lo ngại là mức giảm luôn cao hơn mức tăng. Vậy mới có chuyện giá tiêu trong nước thời điểm 1998-2000 đang đứng ở mức 110.000 - 120.000 đồng/kg, nhưng chỉ 2 năm sau đã tụt giảm còn 20.000 - 25.000 đồng/kg. "Bây giờ có tăng lên 45.000 đồng/kg, nhưng không ai dám chắc mức giá này sẽ duy trì được lâu"- ông Nam nói.

Tương tự, là cao su và điều - các mặt hàng vẫn được mệnh danh là "vàng trắng". Các DN trong ngành điều và ngành cao su đều thừa nhận rằng, tuy giá sản phẩm hiện có tăng, nhưng... không thể vui và an tâm được. Lý do tiêu tăng giá là vì sản lượng năm nay ở một số cường quốc về hồ tiêu như Ấn Độ, Brazin bị sụt giảm, khan hiếm do hạn hán, lũ lụt. Còn cao su tăng giá, hiện đạt 48 triệu đồng/tấn nhưng theo ông Đinh Vạn Tiến - Trưởng ban Xuất nhập khẩu - Tổng Công ty Cao su VN (Geruco) thì đó chỉ là giá "ảo", tăng nóng trong thời điểm các nước có sản xuất mủ cao su đã hết hàng. Hơn nữa, sự biến động về giá chỉ xảy ra chủ yếu với thị trường Trung Quốc - nơi VN có lượng xuất khẩu theo đường mậu biên nhiều.

Đâu là hướng đi bền vững?

Nhiều chuyên gia trong ngành nông nghiệp nhìn nhận rằng, việc phụ thuộc quá nhiều vào giá mà không lấy chất lượng cạnh tranh làm đột phá sẽ làm mất đi tính bền vững của nông sản VN. Xuất khẩu hồ tiêu VN đang tạo sự bất ngờ nguyên nhân chính là do sản lượng tiêu của các "đối thủ" của VN giảm, nên cung yếu hơn cầu. Ngay cả trong nước, khi thất bát trong năm 2003, hàng loạt nông dân đã chặt tiêu, hoặc bỏ hoang không chăm sóc, nên diện tích đã giảm mạnh. Cụ thể là ở Phú Quốc, diện tích trồng tiêu hiện nay chỉ còn 420ha, so với 775ha vào năm 2001. Bây giờ, khi cây tiêu vừa cho thu lời cao, nhiều nông dân đã ào ào tính chuyện chuyển sang trồng lại. Không ai dám chắc vụ tiêu năm sau, tình trạng "được mùa, rớt giá"- bài học cay đắng mà ngành hồ tiêu VN đã trải qua lại không lặp lại.

Hay như ngành điều cũng vậy: sau 15 năm phát triển, ngành điều chỉ mới xuất được sản phẩm là điều thô bằng công nghệ bóc tay. Sự sống còn của DN, nông dân phó mặc cho sự lên xuống của giá điều nhân thế giới. Còn công nghệ chế biến sản phẩm điều vẫn là con số không.

Ngành cao su VN mặc dù có bề dày phát triển, tuổi đời xứng đáng là "anh cả" trong ngành nông nghiệp, ấy vậy mà, đến nay chúng ta cũng mới chỉ khai thác được khu vực hạ nguồn (xuất khẩu thô), còn khu vực thượng nguồn (chế biến sản phẩm gia tăng) đành bất lực nhượng quyền cho nước ngoài.

Tổng Giám đốc Geruco - ông Lê Quang Thung, nhận ra rằng, ngành cao su không thể cứ phập phồng trông chờ vào giá lên xuống của thế giới. Điều cần thiết là phải đầu tư khâu chế biến, lĩnh vực kinh doanh phải đa ngành nghề, khi đó mới ổn định được để phát triển. "Đầu tư công nghệ chế biến để gia tăng giá trị xuất khẩu, mới là hướng đi lâu dài khi bước vào sân chơi toàn cầu"- ông Thung khẳng định.



(Nguồn tin: NTNN)
Báo cáo phân tích thị trường