“1 tiền gà, 3 tiền thóc”Có lẽ chưa có năm nào, diện tích nuôi tôm và cá tra ở ĐBSCL lại bị bỏ trống nhiều như năm nay. Thực tế đến thời hay điểm này, người nuôi cá tra, tôm sú đều ở tình trạng “kiệt sức”, khó gượng dậy sau vụ nuôi thua lỗ năm 2008. Nhiều người còn sức cũng chỉ dám thả nuôi cầm chừng vì lo sợ những rủi ro dịch bệnh, giá cả thị trường bấp bênh… Đặc biệt gần đây, liên tiếp có những thông tin bất lợi xảy ra đối với sản phẩm cá tra Việt Nam tại một số thị trường càng khiến người nuôi ngao ngán.
Thời điểm trước, Chính phủ đã đưa nguyên liệu sản xuất thức ăn thuỷ sản nhập khẩu vào nhóm đối tượng bình ổn giá. Tuy nhiên, trong vài ngày qua, giá thức ăn chăn nuôi của Công ty Cagill và Proconco đã lại tăng mạnh. Thức ăn thủy sản cũng liên tục tăng giá kể từ đầu tháng với mức tăng tổng cộng 700 – 800 đồng/kg.
Hiện nay, giá thức ăn cho cá tra loại 22% đạm là 6.800 đồng/kg, loại 26% đạm là 7.200 – 7.800 đồng/kg tuỳ từng công ty. Trong khi đó từ đầu tháng 5 đến nay, nhiều hộ nuôi cá chỉ bán được với giá 15.800 - 16.000 đồng/kg cá nguyên liệu. Trong khi giá các loại thức ăn thủy sản tăng thêm 200 - 500 đồng/kg so với tháng trước. Với mức giá này, những người nuôi cá đạt năng suất cao, chất lượng tốt mới có thể vượt qua ngưỡng thua lỗ.
Gần đây, tuy xuất khẩu cá tra có chiều hướng phục hồi nhưng tình hình thả nuôi trong dân vẫn trầm lắng. Đến thời điểm này, diện tích thả nuôi cá tra mới chỉ đạt khoảng 1.000 ha mặt nước, thấp hơn 30% diện tích so với cùng kỳ năm trước. Theo phản ánh của các hộ cá tra: thời gian qua, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu đã tiếp cận được nguồn vốn vay hỗ trợ lãi suất với mức độ khác nhau nhưng người nuôi cá lại rất khó tiếp cận với nguồn vốn này.
Do những khó khăn về thị trường, nhiều hộ nuôi còn nợ ngân hàng nên các ngân hàng thương mại cũng chưa triển khai mạnh việc tiếp tục cho vay để khôi phục diện tích ao nuôi. Ông Út Che - một hộ nuôi tôm sú có thâm niên tại ấp Vĩnh Thanh, Vĩnh Hậu, Hoà Bình, Bạc Liêu cho biết: Vụ này tôm đã thả được hơn một tháng nhưng gia đình ông không đủ tiền mua thức ăn vì không có vốn hơn nữa giá thức ăn lại quá cao. Hơn 0,5 ha tôm nhưng chi phí thức ăn có 200.00 đồng/ngày, bằng phân nửa mức cho ăn trước đây.
Theo tính toán của Cục nuôi trồng thuỷ sản: giá thành nuôi cá của vụ đầu năm 2009 là 14.500 đồng/kg, trong đó chi phí thức ăn chiếm tới 75,9% giá thành. Đối với tôm sú, giá thành vào mức 60.000 đồng/kg và chi phí thức ăn đã chiếm 41,7%. Một kg tôm thẻ chân trắng giá thành vào khoảng 30.000 đồng nhưng chi phí thức ăn lên đến 66,75%… Như vậy chi phí thức ăn trong nuôi trồng thuỷ sản chiếm một phần rất lớn trong tổng mức vốn đầu tư của người nuôi. Việc tăng hay giảm giá thành thức ăn thủy sản sẽ có tác động trực tiếp đến kết quả từng vụ nuôi.
Bao giờ chủ động nguồn thức ăn?
Đây là câu hỏi đồng thời cũng chính là sự mong mỏi của người nuôi thuỷ sản Việt Nam. Một trong những yếu tố giúp ngành thủy sản nước ta phát triển bền vững, trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn… thì việc chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản là yếu tố cần thiết.
Theo các chuyên gia về nông nghiệp, với các nguyên liệu bắp, đậu tương, mì lát, cám gạo, nguyên liệu bột cá… nếu khâu sản xuất, trồng trọt được tổ chức, quy hoạch tốt thì có thể sử dụng dư thừa cho chế biến thức ăn thuỷ sản. Thế nhưng, đến thời điểm này, những loại nguyên liệu nói trên, vốn chiếm tới 60-70% trong công thức sản xuất thức ăn vẫn phải lệ thuộc phần lớn vào nhập khẩu. Đây là nguyên nhân chính được doanh nghiệp cung ứng thức ăn nêu ra để tăng giá sản phẩm, hoặc chậm trễ giảm giá khi nguồn nguyên liệu trên thế giới giảm giá mạnh.
Thực tế, Việt Nam là một nước nông nghiệp, có nhiều thế mạnh trong việc phát triển các loại cây nông sản như ngô, sắn, đậu tương - vốn là những nguyên liệu chính trong chế biến thức ăn chăn nuôi, thức ăn thuỷ sản. Tuy nhiên, theo số liệu của Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) hiện cả nước mới chỉ có khoảng 300.000 ha trồng đậu tương nên mỗi năm mới sản xuất ra khoảng hơn 300.000 tấn đậu tương, chỉ đủ dùng cho nhu cầu làm đậu phụ và đồ uống nên khô dầu đậu tương dùng cho chế biến thức ăn chăn nuôi phải nhập 100% ở nước ngoài.
Hiện đang tồn tại một nghịch lý là, trong khi các doanh nghiệp phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thì một số loại nông sản sản xuất trong nước phải bán với giá quá rẻ. Lý do là vì chất lượng nguyên liệu trong nước không bảo đảm do quá trình thu hoạch và bảo quản của nông dân chưa tốt. Vì vậy, trong thời gian tới, để có thể chủ động nguồn nguyên liệu cho chế biến thức ăn thuỷ sản, ngoài việc các doanh nghiệp tự đầu tư dây chuyền sản xuất, thì nhà nước cũng cần đầu tư nguồn vốn cho nông dân để tăng cường hệ thống kho bãi, phơi, sấy, bảo quản để bảo đảm chất lượng nông sản, cung cấp nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó có thức ăn thủy sản cũng cần được tiến hành trên cơ sở tính toán nhu cầu thực tế… Có như vậy mới góp phần bình ổn giá thành thức ăn thủy sản, giúp người nuôi bớt cảnh phập phồng theo giá thức ăn./.
Hiện nay một số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra như Hùng Vương, Vĩnh Hoàn … đã bỏ tiền đầu tư, mua sắm dây chuyền sản xuất thức ăn thủy sản để chủ động nguồn thức ăn cho nuôi trồng. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương khẳng định: Bộ rất ủng hộ những người lệ thuộc vào nguồn thức ăn sản xuất trong nước. Bộ cũng đang vận động để sớm hạ thuế nhập khẩu, dọn đường cho doanh nghiệp nhập thức ăn thuỷ sản. |