Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cùng kiểm soát giá thức ăn thủy sản
17 | 02 | 2009
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN & PTNT), vừa qua chính phủ đã đưa nguyên liệu sản xuất thức ăn thủy sản nhập khẩu vào nhóm đối tượng bình ổn giá, do đó bộ sẽ xem xét để có thể đề nghị đưa cả thức ăn thành phẩm vào nhóm này, buộc doanh nghiệp phải công khai, minh bạch về giá.

Thứ trưởng Bộ NN & PTNT Vũ Văn Tám cho biết, thời gian qua việc kiểm soát giá thức ăn thủy sản của các cơ quan chức năng chưa tốt. Chính vì thế, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), đại diện một số hiệp hội thủy sản các tỉnh, thành vùng ĐBSCL… đã kiến nghị bộ cần đưa ra cơ chế và quy định cụ thể về quản lý để làm rõ chất lượng và giá thức ăn, giúp người nuôi cá, tôm giảm được giá thành.

Tính toán của Cục Nuôi trồng thủy sản (Bộ NN & PTNT) cho thấy, giá thành nuôi cá của vụ đầu năm 2009 là 14.500 đồng/ki lô gam, trong đó chi phí thức ăn chiếm tới 75,9% giá thành. Còn đối với tôm sú, giá thành vào mức 60.000 đồng/ki lô gam và chi phí thức ăn đã chiếm 41,7%. Và 1 ki lô gam tôm thẻ chân trắng giá thành vào khoảng 30.000 đồng nhưng chi phí thức ăn lến đến 66,7%.
Chất lượng thức ăn cũng là điều mà ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP đặt ra và đề nghị Bộ NN & PTNT tăng cường giám sát. Bởi nếu thức ăn chất lượng kém, thời gian nuôi thủy sản càng kéo dài, chi phí thức ăn tăng càng khiến giá thành khó giảm.

Trong khi đó, dự báo của nhiều chuyên gia cho thấy dù thị trường tiêu thụ cá tra vào năm tới vẫn thuận lợi, nhưng giá bán cá sẽ khó tăng cao do khủng hoảng kinh tế buộc người tiêu dùng tính toán chi ly hơn. Còn tôm sú, nếu không hạ được giá thành thì thị trường xuất khẩu càng gặp khó do người tiêu dùng các nước đang có khuynh hướng tìm đến tôm thẻ chân trắng của Thái Lan… vì giá rẻ hơn.

Một điều quan trọng hơn là nếu không giảm được giá thành sẽ khiến lợi nhuận trong nuôi thủy sản càng giảm, thậm chí lỗ như trong năm 2008 vừa qua, và nhiều hộ nuôi sẽ chuyển sang nuôi giống, loại khác làm tình hình thiếu nguyên liệu thêm trầm trọng. Theo Bộ NN & PTNT, trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp chế biến sẽ gặp khó về nguyên liệu do rất nhiều hộ nuôi đã ngừng nuôi.

Năm 2008 vừa qua, bình quân thức ăn cho tôm đã tăng 30%, thức ăn cho cá tăng 40% và nhiều loại thuốc thú y… cũng tăng theo mà đến giờ vẫn chưa có dấu hiệu tụt giảm mạnh.



Nguồn: www.omard.gov.vn
Báo cáo phân tích thị trường