Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu thủy sản tiếp tục một năm thắng lợi
02 | 01 | 2008
Nỗ lực cải thiện chất lượng và sự chủ động thị trường đã mang về một năm thắng lợi nữa cho hàng thủy sản xuất khẩu với kim ngạch đạt 3,75 tỷ USD, tăng gần 12% so với năm ngoái và đưa Việt Nam thành một trong 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới.

Con số này giúp thủy sản tiếp tục duy trì ngôi vị thứ 4 trong những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu Việt Nam, đồng thời khẳng định thủy sản là ngành kinh tế hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích xã hội.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhận định, trong năm đầu tiên Việt Nam gia nhập WTO này , xuất khẩu hàng thủy sản đã có sự chuyển biến rõ rệt. Số lượng doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính như EU, Mỹ và Nhật Bản tăng gấp 2 lần so với trước. Tính đến tháng 11, đã có 245 doanh được phép xuất khẩu sang EU, 321 doanh nghiệp sang Trung Quốc; 139 doanh nghiệp sang Canađa, 342 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Hàn Quốc và 171 doanh nghiệp được phép xuất khẩu sang Thụy Sĩ.

Công tác xúc tiến thương mại mở rộng thị trường, tìm kiếm và mở rộng nguồn nguyên liệu, xây dựng mối liên kết với người nuôi trồng thủy sản, các nhà sản xuất thức ăn để thiết lập những vùng nuôi an toàn, sạch bệnh đóng góp một phần đáng kể với thành công của ngành thuỷ sản trong năm nay. Hàng thủy sản Việt Nam đã có mặt tại 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ông Nguyễn Tử Cương, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng vệ sinh và Thú y Thủy sản (Nafaqaved) cho biết, ngay từ đầu năm ngành đã chuyển mạnh việc quản lý an toàn vệ sinh sang khu vực sản xuất nguyên liệu, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp, giảm dần tần suất kiểm tra sản phẩm, phân cấp quản lý mạnh mẽ cho địa phương, cơ sở trong quản lý chất lượng nguyên liệu.

Cùng với việc đáp ứng yêu cầu về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm xuất khẩu cũng đã dạng hơn về chủng loại, cơ cấu; không chỉ sản phẩm đông lạnh mà còn có rất nhiều loại sản phẩm chế biến sẵn; mặt hàng chủ lực là tôm đã chỉ còn chiếm tỷ trọng chưa đến 40%, nhường chỗ cho các sản phẩm cá da trơn và nhiều sản phẩm đa dạng khác.

Nhận định về triển vọng mặt hàng này trong năm tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, nhu cầu của thị trường thế giới là rất lớn nhưng cũng còn nhiều thách thức cho hàng thuỷ sản xuất khẩu, trong đó chủ yếu là các hàng rào kỹ thuật mới từ các thị trường nhập khẩu ngày càng nhiều. Bởi vậy, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý và các danh nghiệp để siết chặt công tác kiểm tra, kiểm soát an toàn vệ sinh chất lượng hàng thủy sản tiếp tục được coi là biện pháp hữu hiệu để đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu khoảng 4,25 tỷ USD trong năm 2008.

Ngoài ra, ngành thủy sản cũng chủ trương đẩy mạnh sử dụng các tiến bộ công nghệ sinh học để phát triển nuôi trồng thủy sản trên qui mô lớn, giảm thuế nhập khẩu thủy sản để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giải quyết vấn đề thiếu nguyên liệu, đa dạng mặt hàng và tăng cường chế biến hàng có giá trị gia tăng cao.



Nguồn: http://thongtinthuongmaivietnam.vn
Báo cáo phân tích thị trường