Dự thảo nghị định quản lý sản xuất tiêu thụ cá tra có nhiều điểm mới. Trong đó có 3 điểm nổi bật : các doanh nghiệp phải có nguồn cung cá tra nguyên liệu đạt 50% công suất thiết kế, giá sàn thu mua cá tra nguyên liệu ít nhất giúp người nuôi có lãi 5% và các cơ sở nuôi cá tra phải nằm trong quy hoạch chi tiết được UBND các tỉnh phê duyệt hoặc chấp thuận.
Trao đổi với Thời báo kinh tế Sài Gòn, ông Nguyễn Việt Thắng, chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam (Vinafis), ông Nguyễn Việt Thắng cho biết nguồn cung cá tra nguyên liệu phải bằng 50% công suất thiết kế nhằm phát triển ngành cá tra ổn định và bền vững. Mức yêu cầu hiện tại chỉ là 30%.
Ngoài ra, lợi nhuận tối thiểu của người nuôi cá tra là 5%, thấp hơn lãi suất cho vay của ngân hàng. Ông Thắng cho biết, lợi nhuận tối thiểu này trên thực tế không khuyến khích người nuôi cá tra tiếp tục mở rộng sản xuất mà chỉ nhằm tránh tình trạng treo ao do giá bán thấp hơn chi phí nuôi.
Theo ông Thắng, quy định cơ sở nuôi cá tra nằm trong quy hoạch chi tiết được UBND các tỉnh phê duyệt hoặc chấp thuận hiện chưa thực sự phù hợp, vì đôi khi sẽ làm cản trở cơ hội làm giàu của người dân. Nếu điều khoản này vẫn được thông qua thì UBND các tỉnh thành phải có lộ trình thời gian để người dân chuyển đổi sang nuôi trồng các loại thủy sản khác.
Hiện nay, Hội nghề cá Việt Nam (Vinafis) và Tổng cục thủy sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) đang họp bàn về các điều khoản của dự thảo, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ thời gian tới.
Tuần này, giá cá tra nguyên liệu tiếp tục giảm 1.000 - 1.500 đồng/kg so với tuần trước, cá tra thịt trắng tiêu chuẩn xuất khẩu dao động phổ biến ở 22.000 - 23.000 đồng/kg.
Theo TBKTSG