Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi cá tra phải có hợp đồng
08 | 09 | 2008
Các doanh nghiệp (DN) chế biến cá tra sẽ tổ chức nuôi hoặc ký hợp đồng nuôi với nông dân, không tổ chức thu mua cá của người nuôi tự phát. Đó là giải pháp quan trọng nhằm chấm dứt tình trạng khi thừa lúc thiếu trong nuôi và chế biến cá.
Các giải pháp này sẽ được áp dụng để đảm bảo nguyên liệu nhằm thực hiện mục tiêu xuất khẩu cá tra năm 2009 đạt 1,5 tỉ USD và đảm bảo cho người nuôi, chế biến cùng có lãi.

Không mua cá tra trôi nổi

Theo ông Ngô Phước Hậu - phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), tình trạng dư thừa cá tra những tháng vừa qua là hậu quả của việc mọi người đổ xô nuôi cá vì nghĩ rằng sẽ có lãi to như mùa vụ 2007. Trong khi đó việc quản lý, quy hoạch vùng nuôi của chính quyền địa phương lại không theo kịp sự phát triển đột biến này. Tình trạng dư thừa cá đã gây áp lực lớn cho thị trường và DN chế biến, đồng thời cũng tạo ra “cú sốc” lớn đối với ngân hàng và những người mới vào nghề nuôi cá. Chính vì vậy, sau đợt khủng hoảng này đã có không dưới 40% người nuôi “treo” ao. Hệ quả là nhiều DN thiếu nguyên liệu ngay từ đầu tháng 9-2008 và có khả năng kéo dài đến quí 1-2009.

Liên kết người nuôi - doanh nghiệp - ngân hàng

Phát triển mạnh mô hình nuôi gắn kết với chế biến cũng tạo điều kiện cho ngân hàng mạnh tay đầu tư vốn. Thay vì cho nông dân vay nuôi cá, ngân hàng sẽ chuyển sang “bơm” vốn cho DN. DN sẽ hỗ trợ người nuôi cá bằng cách cung ứng con giống, thức ăn... theo hợp đồng bao tiêu đã ký trước đó. Thực tế ở ĐBSCL cho thấy những người nuôi cá có ký hợp đồng bao tiêu với DN đều không bị thua lỗ trong đợt khủng hoảng thừa cá vừa qua mà có lãi khoảng 10%.

Theo VASEP, để đạt mục tiêu xuất khẩu 1,5 tỉ USD vào năm 2009 thì cần phải có khoảng 1,2 triệu tấn cá để chế biến 600.000 tấn cá tra philê thành phẩm. Để chủ động nguồn nguyên liệu, các DN báo cáo sản lượng cá được DN tự nuôi và ký hợp đồng nuôi với nông dân. Căn cứ vào sản lượng có sẵn này, VASEP sẽ công khai nhu cầu trong năm (có thể là từng thời điểm) để chính quyền căn cứ vào đó điều hành hoạt động nuôi cá tại địa phương.

VASEP ước tính hiện các DN tự chủ được tối thiểu 70% sản lượng cá cần trong năm 2009, tức khoảng 840.000 tấn. Tuy nhiên, theo ông Hậu, các DN cũng sẽ tự lo 30% sản lượng còn thiếu bằng cách tiếp tục ký hợp đồng với người nuôi chứ không mua trôi nổi bên ngoài như thời gian qua. “Đây là biện pháp tốt nhất để DN chủ động nguồn nguyên liệu và mạnh dạn ký hợp đồng xuất khẩu với đối tác mà không lo thiếu cá như bây giờ. Điều này cũng sẽ khắc phục được tình trạng khi thừa lúc thiếu cá chế biến” - ông Hậu nói.

Nuôi cá có điều kiện

Giải pháp chủ động nguồn nguyên liệu sẽ được các DN và VASEP áp dụng từ quý 4-2008. Tuy nhiên, vẫn có nguy cơ tái diễn tình trạng thừa cá do giá cá tra có xu hướng tăng cao, có thể nảy sinh tư tưởng thua keo này, bày keo khác trong một bộ phận người nuôi cá.

Theo ông Ngô Phước Hậu, mặc dù hiện nay chưa có quy hoạch vùng nuôi hoàn chỉnh, nhưng vẫn có thể áp dụng quy định về điều kiện nuôi do Bộ NN&PTNT ban hành. Chỉ cần chính quyền quyết liệt thực hiện quy định này thì vẫn có thể ngăn chặn được tình trạng nuôi tự phát. “Bộ NN&PTNT cũng cần phải quy định điều kiện thành lập các nhà máy chế biến, tránh tình trạng có quá nhiều nhà máy, phá vỡ quy hoạch vùng nguyên liệu, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh” - ông Hậu kiến nghị.

Quý 4-2008, không quá lo thiếu cá

Sau một thời gian bị thừa, hiện đang trở lại tình trạng thiếu cá tra chế biến xuất khẩu. Giá cá tra philê xuất khẩu tăng khoảng 10% (xấp xỉ 3 USD/kg), nhưng một số DN không dám ký hợp đồng vì... lo ngại không đủ hàng để giao. Tuy nhiên, ông Hậu cho rằng tình trạng thiếu nguyên liệu sẽ không quá nghiêm trọng vì DN đã dự báo trước và đã tổ chức nuôi từ nhiều tháng nay.

Giá cá tra tại ĐBSCL ngày 7-9 đã tăng lên 17.000 đồng/kg (cá loại 1), còn cá tra quá lứa (còn rất ít) xấp xỉ 16.000 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi có lãi khoảng 1.000 đồng/kg.

Theo VASEP, tới đây các DN sẽ chủ động tiếp cận và ký hợp đồng với người nuôi trong vùng quy hoạch và đáp ứng điều kiện nuôi của Bộ NN&PTNT. Người nuôi cá theo hợp đồng sẽ được đảm bảo đầu ra ổn định và chắc chắn sẽ có lãi.

Tới đây VASEP cũng sẽ điều hành xuất khẩu bằng cách phân công mỗi DN lớn giữ vai trò trưởng nhóm thị trường mà họ có thế mạnh. Trưởng nhóm có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về giá xuất khẩu để các DN khác tham khảo ký hợp đồng nhằm hạn chế tình trạng bán phá giá cá tra, gây thiệt hại cho DN và người nuôi cá.

Hết cửa nuôi cá tự phát

Ngoài ra, với việc DN chủ động ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với nông dân cũng sẽ làm chùn tay những người có ý định nuôi cá tự phát, không ký hợp đồng với DN. Ông Hậu khẳng định từ năm 2009 trở đi, nếu người nuôi cá không ký hợp đồng với DN thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì gần như không có cơ hội được tiêu thụ sản lượng cá... ngoài kế hoạch này.

Ông Nguyễn Văn Phòng, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh đã tổ chức hai cuộc hội thảo với nông dân về định hướng phát triển nghề nuôi cá tra. Quan điểm của tỉnh là thuyết phục người nuôi cá phải ký hợp đồng với DN để hạn chế rủi ro như vừa qua. Tỉnh cũng sẽ cương quyết không để xảy ra tình trạng nuôi tự phát ngoài vùng quy hoạch và không đủ điều kiện nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT. VASEP cho hay lãnh đạo nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL cam kết phối hợp với VASEP quản lý, điều hành việc nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra đạt kết quả cao nhất, đảm bảo người nuôi và DN đều có lãi.


Xem tin gốc tại đây:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=277442&ChannelID=11



Báo cáo phân tích thị trường