Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nuôi cá tra gia công: Lời ít mà chắc ăn
16 | 03 | 2009
Người dân chưa nên tự nuôi lại cá tra khi chưa có hợp đồng đảm bảo ổn định đầu ra.

Sau một thời gian dài yên ắng, có lúc giá sụt giảm dưới giá thành thì nay giá cá tra đang nhích dần lên 16.000 đồng/kg. Với giá này, người nuôi cá đang có lời. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng không nên vội nuôi lại cá tra khi chưa có hợp đồng bảo đảm đầu ra của doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Nuôi gia công cầm chừng

Ông Võ Văn Tiển (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) nói: “Hiện nhiều người nuôi cá của hợp tác xã Thới An đều nuôi gia công cho Công ty Thủy sản Hùng Vương. Người nuôi lo ao nuôi, giống cá, thuốc, còn công ty cung cấp 1,7 kg thức ăn cho 1 kg cá. Khi thu hoạch, người nuôi được trả 2.500 đồng/kg”.

Theo ông Hồ Ngọc Phước - Chủ tịch xã An Bình, huyện Long Hồ (Vĩnh Long), trước đây đến thời kỳ cá vào lứa là gia đình ông lo sốt vó vì không biết giá cá tra diễn biến như thế nào. Có lúc cá sụt giá thê thảm, nhiều người chấp nhận lỗ, neo cá chờ giá lên. Hiện nay, ở Vĩnh Long, Công ty Thủy sản Hùng Vương đầu tư gần 13.700 tấn cá tra nuôi dưới hình thức gia công. Đây là hình thức đầu tư lợi cả đôi đường: Doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, người nuôi không phải thấp thỏm khi cá vào lứa bán.

Thật ra hình thức nuôi gia công chỉ là giải pháp ngắn hạn, cầm chừng của người nuôi, tránh việc ngân hàng siết nợ. Ông Tiển cho biết ông từng vay ba tỷ đồng của ngân hàng để nuôi đến sáu ao cá (3.500 m2 mặt nước). Trong thời kỳ lãi suất cao từ 1% lên 1,75%/tháng, mỗi tháng ông phải mất 50 triệu đồng trả lãi ngân hàng. Hiện tại, khi chuyển sang nuôi gia công cho công ty, số tiền thu được tuy không trả hết nợ nhưng cũng giúp ông đóng được tiền lãi, tránh bị ngân hàng siết nợ.

Phải đảm bảo đầu ra

Chuyện hợp đồng bảo đảm đầu ra cho cá tra giữa người nuôi và doanh nghiệp tạo thế ổn định lâu dài ở đồng bằng sông Cửu Long luôn được xem là chuyện thời sự. Lúc giá cả tăng vọt thì có hiện tượng người nuôi “bẻ kèo” hợp đồng, còn khi cá giảm giá lại xuất hiện tình trạng doanh nghiệp ép người nuôi giảm giá bán cá.

Hiện tại, sau một thời gian dài do giá cá giảm mạnh nên có tới 30%-50% ao nuôi tại đồng bằng sông Cửu Long bị bỏ trống, dẫn đến chuyện doanh nghiệp thiếu nguyên liệu xuất khẩu. Ông Lê Vĩnh Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết diện tích nuôi cá tra tại tỉnh này đã giảm từ 1.000 ha xuống còn 950 ha nhưng chỉ 60% diện tích trong số đó được nuôi lại, 40% diện tích còn lại bỏ không do người nuôi chưa an tâm về đầu ra.

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khuyên: “Người nuôi không nên vội nuôi cá trở lại khi chưa có hợp đồng chính thức ký kết với doanh nghiệp”. Theo ông Năng, ngoài vùng nuôi riêng của mình, doanh nghiệp phải tính chuyện bảo đảm đầu ra cho người nuôi cá. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản phải có khả năng tự cung cấp ít nhất 1/3 khối lượng nguyên liệu phục vụ cho nhu cầu sản xuất thực tế tại cơ sở. Lượng nguyên liệu còn lại doanh nghiệp chế biến phải có hợp đồng ràng buộc trách nhiệm với cơ sở nuôi đạt điều kiện vệ sinh thú y thủy sản, định kỳ thực hiện giám sát trực tiếp tại cơ sở nuôi cung cấp nguyên liệu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên xem cá tra như một sản phẩm xuất khẩu chiến lược của quốc gia để có giải pháp cụ thể giữ vững và phát triển lâu dài.

Trước triển vọng chưa thật sáng sủa của cá tra, ông Lê Vĩnh Tân cũng đồng tình không nên khuyến khích người nuôi sớm nuôi lại cá tra khi chưa giải quyết được vấn đề đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Nuôi quá tải cá tra sẽ gây ô nhiễm nguồn nước

Cạnh nỗi lo rớt giá là việc nuôi cá tra dễ gây ô nhiễm môi trường. Ở một số xã tại các huyện Mang Thít, Long Hồ (Vĩnh Long), có lúc người dân phản ứng dữ dội vì việc nuôi cá tra gây ô nhiễm nguồn nước. Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Vĩnh Long đã phải lấy mẫu nước về phân tích. kết quả là các chỉ tiêu về ô nhiễm cao gấp nhiều lần cho phép.

Thạc sĩ Phạm Thu Hồng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Vĩnh Long, cho biết khoảng ba năm trở lại đây, diện tích nuôi cá tra tăng liên tục. Chi cục đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định người nuôi phải cam kết bảo vệ môi trường, đối với dự án trên 10 ha phải có 20%-30% diện tích ao lắng, lọc.



Nguồn: www.phapluattp.vn
Báo cáo phân tích thị trường