* "ĐỊNH VỊ" MẶT HÀNG CHIẾN LƯỢC
Cá tra, cá ba sa Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD nhiều năm qua, cho thấy vị trí chiến lược của mặt hàng này trong kim ngạch xuất nhập khẩu thủy sản cả nước. Trong đó, con cá tra chiếm đến trên 90% tổng giá trị cá nuôi của cả vùng, với trên 6.000 ha diện tích mặt ao nuôi. Bên cạnh sản xuất lúa truyền thống, sản lượng cá thả nuôi hằng năm đều tăng, tăng thu nhập cho hàng trăm ngàn nông dân ĐBSCL.
Một nghiên cứu mới đây về thị trường cá da trơn trong khuôn khổ hợp tác giữa Trường Đại học Cần Thơ và Đại học Striling của Scotland cho thấy, xu hướng tích cực trong việc phát triển nghề nuôi cá tra, cá ba sa là việc người nuôi đã có sự quan tâm hơn đến yếu tố chất lượng cá nguyên liệu. Có trên 80% người nuôi đã áp dụng các quy trình chăn nuôi sạch như ISO, SQF, HACCP... nhằm đạt những tiêu chuẩn tốt nhất, tăng thế cạnh tranh khi tiêu thụ. Việc thay đổi nhận thức ấy đã giúp mặt hàng cá tra Việt Nam ngày một nâng chất, những vướng mắc trong rào cản chất lượng cá nguyên liệu hay vấn đề nhiễm các chất cấm trong thịt cá nguyên liệu giảm đến mức thấp nhất.
Ông Châu Minh Chinh, Trưởng phòng Tư vấn - Kỹ thuật -Thương mại Hiệp hội Nghề nuôi và Chế biến thủy sản An Giang (AFA), cho rằng: "Người nuôi cá hiện đã biết tự cứu lấy mình bằng việc ứng dụng những quy trình chăn nuôi sạch, hầu như không sử dụng các loại thuốc có chất cấm... Sản xuất sạch chính là mấu chốt để tăng thế cạnh tranh khi tiêu thụ".
Tuy nhiên, việc gia tăng quy mô sản xuất và ứng dụng nhiều phương thức sản xuất hiệu quả mà không có sự kiềm chế về mặt quy hoạch phát triển sẽ dẫn đến một hệ quả ngược tức khủng hoảng thừa, cá nuôi không tiêu thụ được, nhà máy chế biến không thể xuất khẩu và hệ quả dây chuyền là cả ngành cá da trơn đi vào khủng hoảng. Dẫu tình hình thời gian qua có nhiều khó khăn, nhất là năm 2008, cá tra Việt Nam phải thoi thóp nhờ Chính phủ "bơm" cả nghìn tỉ đồng vốn để giải khó.
Bên cạnh đó, về mặt chế biến, với năng lực hiện tại các nhà máy chỉ cầm chừng sản xuất khoảng 200.000 tấn/năm, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khoảng 15,7%/năm thì cần mở rộng quy mô chế biến thêm khoảng 33.000 tấn/năm mới đáp ứng được quá trình phát triển chăn nuôi. Song song đó, tuy hiện cá tra Việt Nam vẫn ở thế độc quyền về chăn nuôi, xuất khẩu nhưng những điều kiện tự nhiên để nuôi cá vẫn có thể bị cạnh tranh bởi các nước Trung Quốc, Thái Lan, Bangladesh... Cần nhanh chóng tiếp tục tìm những giải pháp thật sự khả thi, tạo cơ chế phát triển bền vững, đáp ứng những quy định khắt khe của các rào cản kỹ thuật của các nhà nhập khẩu ở các thị trường khó tính. Muốn đạt được những điều ấy, liên kết vùng và quy hoạch vùng chính là mấu chốt để giải quyết bài toán trên.
* TÌM GIẢI PHÁP KHẢ THI
Đầu năm 2009, Bộ NN&PTNT chính thức công bố quy hoạch vùng nuôi cá tra, cá ba sa khu vực ĐBSCL trên nền tảng khảo sát, báo cáo của các địa phương, Trung tâm Tin học và Thống kê và Cục Nuôi trồng thủy sản. Theo quy hoạch, vùng nuôi gồm 9 tỉnh, thành phố: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ, Tiền Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre và Hậu Giang. Dự kiến, năm 2010 diện tích nuôi sẽ đạt 8.600ha, sản lượng cá nguyên liệu 1,25 triệu tấn, chế biến trên 500.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,5 tỉ USD, giải quyết việc làm cho trên 200.000 lao động và định hướng đến 2020, diện tích nuôi lên đến 13.000 ha, sản lượng nguyên liệu 1,85 triệu tấn, đạt kim ngạch xuất khẩu ngưỡng 2,3 tỉ USD.
Mới đây, tại hội nghị "Bàn biện pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cá tra, tôm nước lợ vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2009", Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám đã nhấn mạnh: Các tỉnh cần rà soát và phân tích tình hình, thực trạng người nuôi, phân loại trang trại sản xuất quy mô lớn và hộ nuôi có quy mô nhỏ lẻ để có giải pháp khôi phục, phát triển sản xuất. Quy hoạch đã có, chính sách đã có, chỉ đạo thực hiện cũng có, nhưng việc cần làm là các địa phương, hiệp hội và những người trong cuộc có nhận thức được vấn đề, nhanh chóng triển khai thực hiện hay không?!
Cuối tháng 2-2009, tại An Giang, Hiệp hội Nghề cá và đại diện UBND, Sở NN&PTNT, thành viên Ban vận động, các Tổ giúp việc Ban điều hành sản xuất, tiêu thụ cá tra, cá ba sa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL đã nhóm họp và thống nhất gửi kiến nghị lên Các thành viên Ban điều hành sản xuất, tiêu thụ cá tra, ba sa Việt Nam với 9 nội dung chủ yếu nhằm xây dựng mô hình liên kết vùng, phát triển bền vững ngành cá da trơn ở ĐBSCL. Trong đó, việc xây dựng cổng thông tin thị trường, cải thiện hoạt động, vai trò của các hiệp hội nghề cá, nâng cao năng lực thị trường trong liên kết chuỗi cung ứng ngành hàng... là những yêu cầu tiên quyết. Việc thiết lập hệ thống thông tin thị trường thông qua Ban điều hành các tỉnh triển khai công tác thống kê thủy sản mỗi quý 1 lần, 1 kỳ tổng điều tra và 3 kỳ cập nhật/năm sẽ nhằm đối phó diễn biến của thị trường, kịp thời điều hành quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ NN&PTNT cho phép thành lập Hiệp hội Ngành cá da trơn Việt Nam thay cho việc thành lập Hiệp hội Sản xuất, chế biến, tiêu thụ cá tra, cá ba sa các tỉnh ĐBSCL để việc điều hành, quy hoạch phát triển, kiểm soát vùng nuôi, người nuôi, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra được mở rộng, nâng chất vai trò quản lý, điều hành của hiệp hội.