Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chế biến thủy sản ĐBSCL hướng tới mục tiêu phát triển bền vững
15 | 09 | 2008
Trong 5 năm gần đây, nhờ tích cực khai thác tiềm năng và lợi thế sẵn có, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã chuyển đổi 270.000 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, góp phần đưa sản lượng thủy sản nuôi và xuất khẩu tăng mạnh và luôn giữ vai trò tiên phong trong xuất khẩu của cả nước.
Tuy nhiên, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, các địa phương đang phải đối mặt với nhiều bất cập.

Tập trung đầu tư cho hạ tầng

Các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang phát triển mạnh nuôi loài nhuyễn thể và nuôi tôm, cá nước lợ, nước ngọt, đặc biệt là cá tra, cá ba sa. Các địa phương quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng, không triển khai các dự án mới mà tập trung vào các dự án chuyển tiếp để sớm đưa vào khai thác, đạt hiệu quả kinh tế cao. Một số dự án phát triển ngành tại ĐBSCL như xây dựng cảng cá, bến cá; qui hoạch nuôi tôm, nuôi cá biển; qui hoạch sản xuất, tiêu thụ cá tra, ba sa, qui hoạch bảo tồn vùng nước nội địa...đã được triển khai.

Bên cạnh đó, một loạt các công trình hạ tầng khác cũng đã được xây dựng như mở rộng cảng cá Mỹ Tho (Tiền Giang), khu sản xuất giống Hiệp Thành (Bạc Liêu), vùng sản xuất giống tập trung Ngọc Hiển (Cà Mau), khu tàu neo đậu tránh, trú bão Hòn Tre; công trình cấp nước ngọt từ hồ chứa Ba Lai; Trung tâm chất lượng giống thủy sản vùng 5, Trung tâm tập huấn khuyến ngư tại ĐBSCL ở Sóc Trăng...Nhờ đó, năng lực và công nghệ chế biến thủy sản đã được cải thiện.

Các mặt hàng chế biến phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Một số doanh nghiệp tại ĐBSCL đã nghiên cứu sản xuất thành công dầu bôi trơn công nghiệp từ mỡ cá tra, tăng hiệu quả nghề nuôi cá tra, cá ba sa tại khu vực này. Việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm tôm vào thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản giai đoạn 2006-2015, chương trình nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cá tra, ba sa Việt Nam giai đoạn 2005-2010 cũng được xúc tiến.

Còn nhiều bất cập

Tuy nhiên việc kiểm tra, giám sát, quản lý nhà nước về tàu thuyền, phương tiện, quản lý ngư trường, an toàn đi biển của ngư dân, các qui định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản còn nhiều bất cập. Nguồn lợi thủy sản ven bờ giảm mạnh, sản xuất tôm giống mới đáp ứng được 50%. Đặc biệt, tình hình tôm bị nhiễm bệnh diễn ra nghiêm trọng tại ĐBSCL. Nguyên nhân chính là do chất lượng giống không bảo đảm, ngư dân chưa tuân thủ thời vụ thả giống, nhiều vùng nuôi chuyển đổi chưa được qui hoạch, đầu tư...

Toàn vùng có hơn 160 nhà máy chế biến sản phẩm từ tôm nhưng hoạt động không hết công suất vì thiếu nguyên liệu, phải nhập tôm từ Ấn Độ, Trung Quốc để phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu. Các địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác quản lý chất lượng giống khiến số lượng giống được kiểm dịch chiếm tỉ lệ thấp. Bên cạnh đó, môi trường vùng nuôi của một số địa phương có dấu hiệu suy thoái nhưng không được khắc phục kịp thời. Nhiều cơ sở chế biến trong vùng chưa chủ động xây dựng nguồn nguyên liệu bền vững dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu. Công tác dự báo ngư trường, cơ sở hậu cần các cảng cá, khu neo đậu tàu thuyền...của nhiều địa phương chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất.

Hướng tới phát triển bền vững

Để phát huy những kết quả đạt được và khắc phục tồn tại, từ nay đến năm 2015, các tỉnh ĐBSCL đề ra nhiều giải pháp gồm: tiếp tục duy trì tốc độ tăng truởng, chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, đối tượng khai thác, nuôi trồng nhằm tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu trên cơ sở chất lượng, hiệu quả, bền vững. Cụ thể là: tập trung tổ chức lại sản xuất trên biển, xây dựng quan hệ sản xuất gắn với các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ tàu thuyền, các đơn vị hoạt động công ích...nhằm khai thác hải sản xa bờ hiệu quả, hạ giá thành sản xuất và cải thiện, nâng cao đời sống ngư dân ven biển, hải đảo; giảm nhanh số tàu thuyền nhỏ khai thác ven bờ; lựa chọn một số sản phẩm và xây dựng thương hiệu Việt Nam, trước hết là cá tra, ba sa.

Các địa phương tiếp tục thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2010, trong đó, tập trung sản xuất, lưu thông giống, bảo đảm đủ giống sạch bệnh, đa dạng, đúng mùa vụ, hình thành cơ cấu nhóm giống chủ lực phục vụ nuôi thủy sản xuất khẩu; tăng cường quản lý môi truờng nước vùng nuôi, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại với từng nhóm sản phẩm để có giải pháp tổ chức phát triển sản xuất. Để giữ vững thị trường trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp cần tăng cường quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế; tập trung xây dựng thương hiệu gắn với tiêu chuẩn chất lượng của từng sản phẩm chủ lực; mở rộng xây dựng vùng nguyên liệu.




Nguồn: kinhte24h.com
Báo cáo phân tích thị trường