Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Phát triển nuôi trồng thủy sản ĐBSCL chưa xứng với tiềm năng
03 | 02 | 2015
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm sản xuất thủy sản, hàng năm cung cấp trên 52% sản lượng thủy sản cả nước. Năm 2014, vùng ĐBSCL có diện tích nuôi thủy sản gần 800.000 ha, sản lượng đạt trên 2,4 triệu tấn, trong đó có 1,2 triệu tấn cá tra, 400.000 tấn tôm phục vụ cho nhu cầu chế biến, xuất khẩu đạt trên 5 tỷ USD. Tuy nhiên, hai sản phẩm xuất khẩu chủ lực này của vùng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khiến sức cạnh tranh trên thị trường còn yếu, dễ bị tổn thương bởi các rào cản thương mại.

 Đối mặt với nhiều khó khăn

 
Dù có nhiều tiềm năng để phát triển thủy hải sản, nhưng nhìn tổng thể sản xuất, chế biến thủy sản ĐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế như chất lượng nguồn nhân lực thấp, khả năng cạnh tranh sản phẩm của doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế. Hầu hết hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nuôi thủy sản của các địa phương ĐBSCL chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất, nhất là chưa có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.
 
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, hệ thống thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), hiện hữu dựa trên nền tảng của hệ thống thủy lợi phục vụ canh tác lúa trước đây, không thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật về quản lý nước, cấp, thoát nước đối với nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt, nuôi trồng thủy sản vùng ven biển ĐBSCL trên vùng rất rộng, có vùng xa biển vài chục kilômet, các mô hình nuôi trồng đan xen, manh mún, hệ thống ao nuôi chưa hoàn thiện, thiếu ao chứa, ao xử lý nước thải dẫn đến tình trạng chất lượng nước không đảm bảo cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm.
 
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, cho biết: tổng diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 72.000 ha, trong đó diện tích nuôi tôm nước lợ là 45.000 ha, chiếm 62,5%. Nhu cầu giống để thả nuôi hàng năm rất lớn, trên 17 tỷ con giống với hơn 90% con giống được thả nuôi của tỉnh lệ thuộc vào nguồn cung cấp từ các tỉnh khác. Nhìn chung, nghề nuôi phát triển nhưng trong thời gian qua còn nhiều bất cập, nhất là việc đầu tư về thủy lợi, giao thông, điện chưa đáp ứng nhu cầu phát triển về diện tích nuôi, đối tượng nuôi. Năng lực người nuôi tôm, nhất là các hộ nuôi quy mô nhỏ, trình độ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, vốn đầu tư còn hạn chế… Một số khu nuôi không có hệ thống xử lý kém hiệu quả, cộng vào đó tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây cũng làm dịch bệnh gia tăng.
 
Ông Châu Công Bằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cà Mau bày tỏ, mặc dù có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất vùng ĐBSCL (296.000 ha), trong đó nuôi nước ngọt khoảng 28.000 ha, còn lại chủ yếu là nuôi tôm nước lợ với hơn 260.000 ha. Nhưng cơ sở hạ tầng về điện, thủy lợi, cấp thoát nước… của tỉnh chưa đáp ứng cho nhu cầu sản xuất. Để đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ cho vùng nuôi này nguồn vốn dự kiến cần khoảng 15.000 tỷ đồng, trong khi ngân sách của tỉnh mỗi năm chỉ đầu tư được 200 tỷ đồng.
 
Khó khăn lớn tác động đến nuôi trồng thủy sản là biến đổi khí hậu ảnh hưởng nghiêm trọng, thời tiết thất thường, nhiệt độ, mưa gió thất thường, triều cường nước dâng nên dẫn đến thiên tai, dịch bệnh tác động xấu đến quá trình nuôi. Trong khi đó, phần lớn nông dân nuôi thủy sản ở vùng ĐBSCL có quy mô nhỏ, khả năng nhận thức ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, nguồn vốn đầu tư ít, ý thức bảo vệ môi trường, trình độ áp dụng khoa học kỹ thuật của người nuôi còn hạn chế, dịch bệnh dễ xảy ra nên ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng, chất lượng… Năm 2014, cả nước có hơn 48.000 ha nuôi tôm nước lợ thì các tỉnh ĐBSCL chiếm diện tích thiệt hại lớn nhất (chiếm gần 60%), tập trung ở các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Bến Tre.
 
Ngoài ra, một thực trạng làm cản trở sự phát triển ngành thủy sản của vùng là tự phát, tràn lan ngoài quy hoạch. Đặc biệt là mô hình cá tra sau một thời gian cho hiệu quả kinh tế cao nên nông dân ồ ạt nuôi không theo khuyến cáo của các ngành chức năng… Có thể thấy, vào thời điểm cá tra mang lại lợi ích kinh tế cao nhất, người dân ồ ạt tự đào ao nuôi cá mà không nắm chắc đầu ra của sản phẩm khiến diện tích tăng đột biến, năm 2008 diện tích nuôi cá tra đạt cao nhất là 6.012 ha. Sau đó, diện tích nuôi cá tra có xu hướng giảm dần, đến năm 2012 diện tích nuôi toàn vùng giảm còn 5.469 ha, năm 2013 giảm còn 5.050 ha và năm 2014 là 4.699 ha. Nguyên nhân giảm là do giá thành sản xuất cao, trong khi giá cá tra nguyên liệu lại giảm, nên người nuôi không có lời.
 
Phát triển thủy sản bền vững
 
Nhằm phát triển ngành thủy sản nói chung và lĩnh vực nuôi tôm nước lợ bền vững trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, các tỉnh ĐBSCL đang tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản theo hướng bền vững, ưu tiên đẩy mạnh phát triển nuôi tôm theo hình thức thâm canh ở các vùng được quy hoạch, có điều kiện thuận lợi, được đầu tư cơ sở hạ tầng như thủy lợi, giao thông, điện… Trong đó, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi nghề nuôi tôm, chuyển đổi từ quy mô nuôi tôm nhỏ lẻ sang hình thức nuôi tôm tập trung với quy mô diện tích và sản lượng lớn. Thời gian tới, những hộ nuôi cá thể, nhỏ lẻ sẽ phải tổ chức lại sản xuất để có được những hợp đồng cung cấp nguyên liệu chặt chẽ với các nhà chế biến xuất khẩu. Xây dựng và nhân rộng các mô hình quản lý cộng đồng vùng nuôi tập trung để áp dụng tiêu chuẩn Vietgap và các tiêu chuẩn quốc tế khác theo yêu cầu của thị trường…
 
Về nuôi nước ngọt, theo ông Phạm Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Bộ đã công bố quy hoạch diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL đến năm 2020 là 7.260 ha theo tiêu chuẩn Vietgap. Diện tích này được phát triển tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh và Hậu Giang, nhằm đảm bảo cho người nuôi có lãi từ 1.000-1.500 đồng/kg, nâng tổng lợi nhuận từ việc nuôi cá tra của vùng lên khoảng 1.600 tỷ đồng đến 2.400 tỷ đồng. Từ đó, phát huy lợi thế của vùng ĐBSCL trong sản xuất và quản lý toàn bộ chuỗi giá trị theo hướng hiệu quả, bền vững, phù hợp nhu cầu thị trường.
 
Theo nhận định của ông Trần Hữu Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ) thì, Nghị định 36 /2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra ra đời đòi hỏi đến hết năm 2015, tất cả các hộ nuôi dù doanh nghiệp hay hộ nuôi nhỏ lẻ đều phải nuôi theo chứng chỉ, ít nhất là Vietgap, nhấn mạnh đến chất lượng. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội mới cho doanh nghiệp, người nuôi cá tra. Muốn có sự phát triển, muốn đảm bảo lợi ích cho người nuôi, đảm bảo lợi ích của người chế biến thì phải đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng. Đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ với những yêu cầu mới như truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa các tiêu chuẩn của sản phẩm cá tra đòi hỏi những người nuôi nhỏ lẻ phải liên kết lại với nhau, liên kết với các doanh nghiệp mới đảm bảo các yêu cầu mới.
 
Theo ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nguyên nhân cản trở sự phát triển của ngành thủy sản khu vực ĐBSCL là thiếu sự liên kết và hợp tác giữa các chủ thể của ngành; quan hệ giữa các doanh nghiệp sản xuất thức ăn, doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và nông dân còn thiếu chặt chẽ. Vì vậy, phát triển bền vững ngành thủy sản cần phải đẩy mạnh hợp tác liên kết, giữa các địa phương với nhau, giữa doanh nghiệp và nông dân. Các đơn vị cũng như các tỉnh cần đẩy mạnh các mô hình liên kết giữa nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, áp dụng các phương pháp quản lý tiên tiến nhằm hạn chế rủi ro, dịch bệnh… Đồng thời, xây dựng tầm nhìn và chiến lược phát triển chung cho vùng, có cơ chế và phương pháp để thu hút các ngân hàng tham gia vào mối liên kết chiến lược ngân hàng - doanh nghiệp - nông dân./.


Theo Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường