Tăng sản lượng nuôi trồng
Tổng sản lượng thủy sản năm 2008 ước đạt 4,58 triệu tấn, mức cao nhất từ trước tới nay. Sản lượng khai thác thủy sản đạt 2,13 triệu tấn, trong đó sản lượng khai thác hải sản đạt 1,94 triệu tấn, tăng 2,9 % so với năm 2007. Sản lượng nuôi trồng thủy sản đã vượt qua sản lượng khai thác thủy sản, đạt 2,45 triệu tấn, tăng 15,3 % so với năm 2007. Ðặc biệt, kim ngạch xuất khẩu đã đạt mức tăng trưởng cao, vượt qua mốc 4 tỷ USD, đạt khoảng 4,5 tỷ USD, tăng hơn 700 triệu USD (19,6 %) so với năm trước.
Giá trị sản xuất của ngành thủy sản năm 2008 (theo giá cố định năm 1994) tăng 6,69% so với năm 2007. Ðây là những kết quả xứng đáng với sự nỗ lực chung của hàng triệu lao động trong mọi lĩnh vực hoạt động của ngành, từ các cấp quản lý đến các doanh nghiệp và người lao động.
Lĩnh vực khai thác hải sản đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước tình trạng nguồn lợi suy giảm, chi phí xăng dầu tăng, đồng thời bảo đảm an toàn sản xuất trên biển, nhiều tổ hợp tác sản xuất trên biển đã được hình thành, các hình thức thông tin nhân dân đã tạo ra những thuận lợi đáng kể cho các cơ quan quản lý trong việc nắm bắt hoạt động của tàu cá, tạo ra thông tin hai chiều giữa tàu và bờ phục vụ điều hành sản xuất, phòng, chống bão và tìm kiếm cứu nạn.
Mô hình tổ hợp tác sản xuất trên biển đã phát huy tác dụng không chỉ trong công tác bảo đảm an toàn, mà còn có tác dụng không nhỏ trong việc bảo đảm trật tự, an ninh và chủ quyền quốc gia trên biển.
Trước tình trạng số lượng tàu thuyền khai thác thủy sản tăng mạnh, công tác quản lý tàu cá đã được Bộ và các cơ quan quản lý chuyên ngành chú trọng. Ðến hết năm 2008, cả nước có 123.609 tàu thuyền, trong đó có 18.344 tàu có công suất trên 90 CV; 94,41% tổng số tàu cá được đăng ký; 90% số tàu cá thuộc diện phải đăng kiểm đã được kiểm tra an toàn kỹ thuật; 76,30% số tàu cá được kiểm tra và cấp giấy phép.
Số tàu chưa được đăng ký và cấp phép chủ yếu là tàu thuyền thủ công, lắp máy công suất nhỏ dưới 20 CV hoạt động ở trong sông, vùng cửa sông và đầm phá. Hệ thống cảng, bến cá tại các tỉnh ven biển bước đầu được hình thành, tạo điều kiện về cơ sở hậu cần dịch vụ cho phát triển khai thác hải sản, tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định đời sống của ngư dân.
Trong năm 2008, trước sự biến động tăng mạnh giá xăng dầu, ngành đã kịp thời đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 289/QÐ-TTg, ngày 18-3-2008. 28 tỉnh ven biển đã tích cực triển khai với 94.321 tàu thuyền đã được nhận hỗ trợ theo Quyết định này.
Nhờ chính sách hỗ trợ kịp thời, hợp lý và đúng vào thời điểm ngư dân đang gặp khó khăn, cho nên hoạt động khai thác vẫn được duy trì và phát triển, bảo đảm ổn định đời sống của ngư dân và cộng đồng dân cư ven biển, gìn giữ an ninh quốc phòng trên biển, hải đảo của đất nước. Quyết định này còn có tác dụng nâng cao ý thức của ngư dân và các cơ quan trong việc đăng ký, đăng kiểm và quản lý tàu thuyền.
Trong hoạt động trên biển, công tác phòng, chống bão, ATNÐ và tìm kiếm cứu nạn đã được cải thiện đáng kể. Hệ thống thông tin liên lạc giữa các ngành, các cấp, cũng như từng hộ chủ tàu và đến từng tàu cá đã và đang được thiết lập, trong đó có mô hình thông tin nhân dân đã giúp nâng cao hiệu quả của công tác phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tàu thuyền do thiên tai gây ra.
Nuôi trồng thủy sản tiếp tục là lĩnh vực có sự tăng trưởng mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Sản lượng nuôi thủy sản năm 2008 đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng. Việc nuôi trồng thủy sản đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, an sinh xã hội ở nhiều vùng nông thôn thuộc miền núi và hải đảo. Cá tra tiếp tục tăng trưởng mạnh và trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực sau tôm, đóng góp tỷ trọng cao trong tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Có được kết quả này là do ngành xác định đây là mặt hàng chủ lực, có sự chuẩn bị trong việc quy hoạch, chính sách hỗ trợ nông dân trong sản xuất và các doanh nghiệp trong thu mua sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Mở rộng thị trường xuất khẩu
Năm 2008, là năm có nhiều biến động về giá cả trên thị trường quốc tế và nhất là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đang ảnh hưởng sâu rộng đến nền kinh tế thế giới, lĩnh vực chế biến và xuất khẩu ở nước ta cũng đã chịu nhiều tác động mạnh.
Tuy vậy, với sự nỗ lực của các cấp quản lý, sự năng động của các doanh nghiệp, sản phẩm thủy sản Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì vị trí cao trên thị trường thế giới. Mặt hàng thủy sản đã có mặt tại thị trường của hơn 150 nước và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường mới như khu vực châu Phi và Trung Ðông. Tôm vẫn là mặt hàng xuất khẩu số một.
Xuất khẩu tôm 11 tháng năm 2008 đạt 176,29 nghìn tấn (tăng 20,37% so với cùng kỳ năm 2007) với giá trị gần 1,5 tỷ USD (tăng 8,98%). Xuất khẩu cá tra, basa trong 11 tháng năm 2008 đạt 584,7 nghìn tấn với giá trị 1,33 tỷ USD, tăng 66,65% về khối lượng và 48,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2007. Các mặt hàng khác như mực, cá ngừ, các loại cá khác vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá. Các thị trường truyền thống vẫn duy trì ổn định. Ðến hết tháng 11-2008, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ thủy sản lớn nhất của Việt Nam, duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chiếm 25,35% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tăng 27,98% về giá trị so với cùng kỳ năm 2007.
Tiếp đến là Nhật Bản, chiếm tỷ trọng 18,07 %, tăng 11,53% và thị trường Mỹ chiếm 16,21%, tăng 3,85 %. Nhiều thị trường mới, trong những năm gần đây, có mức tăng trưởng đáng kể như Nga, U-crai-na và cả ở khu vực châu Phi, mở ra tiềm năng thâm nhập vào các thị trường mới của mặt hàng thủy sản Việt Nam.
Những thành tựu trong xuất khẩu thủy sản năm 2008 đạt được là do kết quả của lĩnh vực khai thác và nuôi trồng thủy sản đã tạo ra nguồn nguyên liệu với khối lượng lớn, chất lượng ngày càng được cải thiện. Bên cạnh đó là sự nỗ lực của các bộ, ngành và các cơ quan hữu quan của Nhà nước trong hoạt động xúc tiến thương mại được đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Các cơ quan quản lý ngành và các doanh nghiệp đã phối hợp trong việc mở rộng, quảng bá sản phẩm trên các thị trường mới.
Sự tăng trưởng ổn định của ngành thủy sản năm 2008 đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của các ngành nông, lâm, thủy sản và sự ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện chuyển dịch cơ cấu sản xuất thủy sản nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo không chỉ cho cư dân vùng nông thôn ven biển, mà cả ở vùng trung du, miền núi, Tây Nguyên và các vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, sự hiện diện dân sự của lực lượng tàu thuyền và ngư dân tham gia hoạt động khai thác hải sản trên các vùng biển còn góp phần thực hiện nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Những khó khăn và thách thức
Năm 2008, ngành thủy sản đã đạt được những kết quả nổi bật, tạo tiền đề quan trọng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, đây cũng là năm mà những biến động của giá cả, thị trường tiêu thụ và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động mạnh đến nền kinh tế nước ta.
Ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng là ngành sản xuất hướng mạnh ra xuất khẩu sẽ chịu tác động mạnh của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Chính vì vậy, để phát triển thủy sản bền vững và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế thế giới, ngành thủy sản đang đứng trước nhiều thách thức và khó khăn cần sớm có những giải pháp tháo gỡ, khắc phục.
Một là, mặc dù có nhiều lợi thế phát triển thủy sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản ở cả nước ngọt, nước lợ và biển, nhưng phần lớn nguồn lợi tự nhiên như nguồn lợi hải sản ven bờ, diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản đã và đang được khai thác, sử dụng ở mức tối đa. Sự tăng trưởng thời gian qua tuy đã có chú ý phát triển theo chiều sâu, nhưng chưa đồng đều ở các địa phương, vùng lãnh thổ, chủ yếu phát triển theo chiều rộng, qua việc tăng diện tích nuôi trồng, tăng số lượng tàu thuyền khai thác, phát huy tiềm năng nguồn lợi và điều kiện tự nhiên là chính.
Mặc dù công nghệ chế biến thủy sản đã bước đầu tiếp cận được trình độ công nghệ của khu vực và một số nước tiên tiến trên thế giới, nhưng kỹ thuật, công nghệ khai thác hải sản và bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu. Nuôi trồng thủy sản, tuy có nhiều tiến bộ trong phương thức sản xuất và kỹ thuật nuôi, nhưng vẫn chưa theo kịp trình độ của các nước có ưu thế về nuôi thủy sản ở khu vực và thế giới.
Hai là, trước sự phát triển nhanh của sản xuất thủy sản, và quá trình hội nhập ngày càng sâu rộng, cũng như những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, hệ thống quản lý ngành đã bộc lộ nhiều hạn chế. Mặc dù trong năm qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tổ chức lại hệ thống quản lý thủy sản, chú trọng nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý chuyên ngành, nhưng kết quả thực hiện ở một số địa phương còn chậm, chưa tạo ra bước đột phá mạnh mẽ trong công tác quản lý.
Ba là, hệ thống cơ sở hạ tầng nghề cá chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ, không đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nghề cá và chưa tương xứng với tiềm năng thủy sản và yêu cầu phát triển bền vững. Vẫn còn gần 40% số nhà máy chế biến quy mô nhỏ với máy móc, thiết bị đã cũ và lạc hậu, công nghệ đơn điệu, chủ yếu là sơ chế, không đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ðã quy hoạch các khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu thuyền, nhưng việc triển khai thực hiện còn chậm do kinh phí đầu tư còn khó khăn.
Bốn là, an toàn vệ sinh thực phẩm vẫn là thách thức lớn, tạo ra nhiều khó khăn, nhất là trong xuất khẩu. Ngành mới chỉ làm tốt công tác an toàn vệ sinh trong khu vực chế biến, trong khi yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm đang ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi phải thực hiện "từ ao nuôi đến bàn ăn" và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, trong khi đó, sản xuất thủy sản vẫn ở quy mô nhỏ, năng lực kiểm tra, kiểm soát của địa phương còn yếu, lại thiếu cơ sở dịch vụ như chợ cá tập trung ở những vùng sản xuất nguyên liệu.
Năm là, thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại chưa được quan tâm đúng mức. Hoạt động cung cấp thông tin, dự báo thị trường còn thiếu cụ thể, không kịp thời, thiếu kinh nghiệm trong cạnh tranh quốc tế, nên thường bị động và lúng túng khi có tranh chấp thương mại xảy ra. Mặt khác, chúng ta mới chỉ chú trọng xúc tiến thương mại ra thị trường xuất khẩu, trong khi đó thị trường tiêu thụ nội địa, vốn rất tiềm năng, lại không được quan tâm đúng mức. Mặt khác, do khả năng liên kết ngang, dọc trong cộng đồng doanh nghiệp, người sản xuất thủy sản còn yếu, cạnh tranh không lành mạnh, nên dễ nảy sinh nguy cơ xảy ra tranh chấp thương mại quốc tế.
Trong nhiều năm qua, ngành thủy sản đã duy trì được nhịp độ tăng trưởng ổn định, góp phần vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế quốc gia. Tuy nhiên, trước những khó khăn, thách thức, ngành phải nâng cao hơn nữa năng lực của các cơ quan quản lý đối với ngành thủy sản, đẩy mạnh cải cách hành chính, tổ chức lại sản xuất, hạn chế tính tự phát trong sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản và an toàn chất lượng sản phẩm, nhằm phát triển thủy sản bền vững, góp phần thực hiện CNH, HÐH đất nước trong thời kỳ đổi mới.