Chế biến gỗ VN trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Theo ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), năm 1996 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ chế biến VN chỉ khoảng 217 triệu USD nhưng đến năm 2007 đã là 2,4 tỷ USD và dự kiến năm nay lên khoảng từ 2,8 tỷ USD đến 3 tỷ USD. Đây là ngành có hàm lượng chế biến, công nghệ và chất xám cao, thu hút gần 200.000 lao động. Tiến sĩ Trịnh Minh Anh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia hợp tác kinh tế quốc tế cho biết, sau khi gia nhập WTO, vốn FDI đổ vào công nghiệp chế biến gỗ ngày càng tăng, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ, nhờ vậy đầu tư trong nước được kích thích.
Tuy nhiên, ông cho rằng ngành này phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, lên đến 80% gỗ nguyên liệu, làm giảm khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững. Đó chính là “gót chân Achille” mà ngành chế biến gỗ không thể khắc phục trong thời gian tới. Ngoài ra, công nghệ chậm chuyển đổi, chủ yếu là Trung Quốc (bao gồm Đài Loan), trong khi công nghệ tiên tiến nhất hiện nay là của Ý và Đức rất ít nhà máy đầu tư; công nghiệp hỗ trợ cho ngành này lại quá khiêm tốn. Do lực còn yếu vì chủ yếu là DN nhỏ và vừa nên trước những vấn đề lớn rất dễ bị tổn thương, bộc lộ ngay những hạn chế mà khủng hoảng tài chính hiện nay là một điển hình.
Theo Bộ NN-PTNT, có khoảng 20% DN chế biến gỗ đứng trước nguy cơ phá sản, “cơn bão” tài chính đang gây ra những hậu quả rất lớn, vốn đầu tư giảm, thị trường eo hẹp, sức mua giảm… Điều an ủi mà theo ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch HAWA, dù bị tác động khủng hoảng nhưng ngành chế biến gỗ VN vẫn có cơ hội không nhỏ, nhiều nhà nhập khẩu nước ngoài đã xem VN là điểm đến tốt.
Thủy sản - Không thể trông chờ vào cá và tôm
Cũng như ngành chế biến gỗ, từ vị trí gần như vô danh, năm 2007 thuỷ sản VN xếp thứ 8 về giá trị xuất khẩu trong top 10 của thế giới, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng gấp 4 lần so năm 1997. Năm nay, dù gặp khó khăn do khủng hoảng tài chính thế giới, ngành thủy sản vẫn vượt mức 4 tỷ USD xuất khẩu. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Bộ NN-PTNT), nhận định, nhờ chủ động phát triển và đa dạng thị trường, các doanh nghiệp hội nhập sâu vào kinh tế thế giới đã góp phần quan trọng xây dựng nên ngành sản xuất hàng hóa lớn, phục vụ xuất khẩu ngành thủy sản VN.
2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản là con tôm và con cá (tra, ba sa) đã tạo ra sự “thần kỳ” của ngành thủy sản VN thời gian qua, nhất là trong thời điểm 2 mặt hàng này bị Mỹ - thị trường xuất khẩu chủ lực thủy sản VN trước đó, đánh thuế chống bán phá giá. Tất nhiên, bối cảnh khó khăn hiện nay ảnh hưởng đến ngành thủy sản không nhỏ, nhưng khi mà người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới thắt chặt chi tiêu, chuyển sang tiêu thụ sản phẩm giá rẻ thì có thể đây lại là cơ hội với cá tra VN tiếp tục phát triển ngay trong giai đoạn khó khăn này.
Nhưng, theo bà Minh, để ngành thủy sản phát triển, hạn chế sự cạnh tranh của các nước, cần phải cơ cấu lại sản phẩm chủ lực và cách tổ chức sản xuất. Thủy sản VN, ngoài con cá tra và con tôm, phải có thêm sản phẩm khác mới tạo ra bước đột phá mới.
Tuy nhiên, nếu nói hạn chế chung của 2 ngành hàng này, theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương, đó là bỏ trống sân nhà. Trong lúc hàng thủy sản xuất khẩu dư thừa nhưng thị trường trong nước lại bị thủy sản Thái Lan cạnh tranh. Tương tự, trong khi doanh nghiệp chế biến gỗ VN cung ứng sản phẩm đồ gỗ gần 120 nước trên thế giới, nhưng lại có đến 80% sản phẩm đồ gỗ tại thị trường trong nước đã nhường sân cho nước ngoài “khai thác”.