Theo nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ, việc áp mức thuế xuất khẩu 5-10% cho một số nhóm hàng đồ gỗ làm từ nguyên liệu có nguồn gốc gỗ rừng tự nhiên của Bộ Tài chính là cách để xóa bỏ ưu ái dành cho ngành gỗ.
Trước đây, các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ nguyên liệu về Việt Nam chỉ chịu thuế đầu vào 10%. Số nguyên liệu này sau khi chế biến và xuất trở lại thì chịu mức thuế 0%. Nếu tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thì doanh nghiệp được “lời 10% thuế nguyên liệu đầu vào đã nộp, hay nói cách khác là được hoàn trả tiền thuế”.
Thế nhưng, văn bản của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành ngay lập tức kể từ ngày 23-9 đã đẩy các doanh nghiệp sản xuất ván sàn, khung cửa lâm vào cảnh “dở khóc dở cười” khi mà hợp đồng với khách hàng và kế hoạch kinh doanh của họ cho những tháng cuối năm hay đầu năm tới không hề tính đến khoản thuế 10% nói trên.
Trích Công văn “Thuế xuất khẩu hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu vật tư nhập khẩu”, ký ngày 23-9:
Khung cửa, cầu thang làm từ gỗ rừng tự nhiên chịu thuế suất 5%, nhưng ván sàn làm từ gỗ rừng tự nhiên thì 10%, đồ gỗ chế biến từ thanh gỗ tà vẹt đường sắt, từ đai thùng, thùng đựng hàng (gỗ nguyên liệu nhập, có nguồn gốc gỗ rừng tự nhiên) đều 10%.
Bà Ngô Hồng Thu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành chứng minh, tuy sản xuất ván sàn xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong sản xuất của công ty nhưng việc áp thuế xuất khẩu ván sàn làm từ gỗ rừng tự nhiên sẽ nảy sinh rắc rối, tranh cãi giữa doanh nghiệp và hải quan. Đó là việc làm sao phân biệt lô hàng gỗ ván sàn làm hoàn toàn bằng gỗ tự nhiên nếu doanh nghiệp vừa nhập khẩu nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên và gỗ rừng trồng; rồi cũng rất khó để tính toán nếu như doanh nghiệp nhập khẩu cả gỗ rừng trồng lẫn gỗ rừng tự nhiên và chế biến ra nhiều mặt hàng, trong đó có khung cửa, cầu thang, ván sàn, vốn phải chịu thuế xuất khẩu 10%, còn bàn ghế, giường tủ thì không chịu thuế.
Còn nếu doanh nghiệp chỉ nhập khẩu gỗ nguyên liệu hoàn toàn từ gỗ rừng tự nhiên và chỉ sản xuất đơn thuần ván sàn hay khung cửa, cầu thang thì dễ dàng tính toán nhưng đây là điều không thực tế theo như nhiều doanh nghiệp, bởi không ai khi nhập khẩu gỗ lại tính toán cho tương lai là sẽ chịu thuế 10% để né tránh.
Tất nhiên phía hải quan sẽ lựa chọn phương pháp tính toán gỗ nguyên liệu sao cho đơn giản nhất, thuận tiện nhất cho mình và đẩy phần thiệt hại về phía doanh nghiệp trong cách tính toán hàm lượng gỗ nguyên liệu từ gỗ rừng tự nhiên trong thành phẩm xuất khẩu.
Hơn nữa, các doanh nghiệp chế biến gỗ còn lập luận, trước đây Nhà nước đánh thuế xuất khẩu các sản phẩm gỗ sử dụng từ nguyên liệu gỗ rừng tự nhiên trong nước là cách hạn chế khai thác rừng tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái và khuyến khích sử dụng gỗ rừng trồng. Nay, Bộ Tài chính đánh thuế cả sản phẩm chế biến từ gỗ rừng tự nhiên nhập khẩu là điều quá khó hiểu đối với doanh nghiệp.
Thuế xuất khẩu gỗ 10% đã được một số đại biểu Quốc hội đưa ra chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh hôm 11-11.
Đại biểu Mai Hữu Tín (Bình Dương) chất vấn vì sao thuế 10% áp cho sản phẩm gỗ xuất khẩu được chế biến từ gỗ rừng tự nhiên cũng áp luôn cho cả sản phẩm gỗ được sản xuất từ gỗ nguyên liệu nhập khẩu? Quy định này đã làm hàng ngàn doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó, “đẩy” doanh nghiệp trong nước sang làm gia công cho nước ngoài thay vì nhập nguyên liệu để sản xuất với giá trị gia tăng cao hơn.
Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích do… khó phân biệt giữa gỗ rừng tự nhiên với nguyên liệu gỗ nhập khẩu trong khi một số doanh nghiệp có hành vi gian lận thương mại!