Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thủy sản dễ bị tổn thương khi trở thành thành viên WTO
02 | 12 | 2008
Ngành thủy sản Việt Nam, dù hội nhập quốc tế khá sớm, có nhiều kinh nghiệm trong các vụ kiện chống bán phá giá, nhưng vẫn dễ bị tổn thương sau khi Việt Nam trở thành thành viên của (WTO).
Tại hội thảo “Đánh giá tác động hội nhập của ngành thủy sản sau hai năm gia nhập WTO” vào cuối tuần qua tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lương Lê Phương đã nhấn mạnh tới những yếu kém hiện nay của ngành thủy sản trong hội nhập.
Dễ tổn thương
Gần như những ai quan tâm tới ngành thủy sản đều biết đây là một trong những ngành hội nhập khá sớm, từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước khi nhà nước cho phép ngành thủy sản xuất khẩu theo cách thu ngoại tệ để tự trang trải kinh phí.
Rồi liên tiếp 2 vụ kiện chống bán phá giá cá tra, tôm sú tại thị trường Mỹ cũng phần nào nói lên thủy sản Việt Nam đã ra thị trường thế giới với khối lượng lớn, đáng để các đối thủ cạnh tranh e dè.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản cũ cho biết Việt Nam hiện đứng thứ 12 trên thế giới về khai thác thủy sản, đứng thứ 3 về sản lượng thủy sản nuôi trồng và đứng thứ 7 (có tài liệu nói là thứ 8) về giá trị xuất khẩu thủy sản.
Trước khi Việt Nam trở thành thành viên WTO, ngành thủy sản Việt Nam đã phát triển với tốc độ nhanh, từ kim ngạch xuất khẩu 1 tỉ đô la Mỹ năm 2000 thì sang năm 2001 đã đạt gấp đôi và năm 2006, trước khi Việt Nam gia nhập WTO, kim ngạch ngành đã lên tới 3 tỉ đô la Mỹ.
Hai năm sau gia nhập WTO, kim ngạch xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng ổn định như năm 2007 đạt 3,76 tỉ đô la Mỹ và 11 tháng đầu năm nay hơn 4,27 tỉ đô la Mỹ. “Có quá nhiều điều để nói về thành công, kinh nghiệm hội nhập của ngành thủy sản trong những năm qua, nhưng chúng ta không quên một điều là ngành này rất dễ tổn thương”, ông Lương Lê Phương cho hay.
Theo ông Phương, đầu vào cho chế biến là khâu nuôi trồng có chi phí cao so với nhiều nước, bởi việc nuôi trồng thủy sản của nông dân hiện nay manh mún, trình độ nuôi trồng thấp, năng suất thấp.
Mặc dù nhiều người gắn bó với ngành thủy sản khen là đã xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa người nuôi trồng và doanh nghiệp nhưng ông Phương cho rằng việc nhân rộng các mô hình này còn quá chậm chạp.
Ông Phương cũng nhận xét, 40% nhà máy chế biến thủy sản hiện có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu và chủ yếu làm khâu sơ chế ban đầu.
Ngoài ra, những chuyện như Nhật từng kiểm tra bắt buộc 100% lô hàng tôm và mực của Việt Nam do nhiễm dư lượng kháng sinh, Nga từng tạm dừng nhập khẩu cá tra trong quá khứ, cũng cho thấy từ nuôi trồng tới chế biến vẫn chưa gắn kết, vẫn chưa loại trừ hoàn toàn các hiểm họa về mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Một quốc gia xuất khẩu thủy sản đứng thứ 7 trên thế giới mà vẫn chưa có một chợ đầu mối giao dịch nguyên liệu ”, ông Phương nói và cho rằng Việt Nam vẫn còn thua xa Thái Lan ở điểm này, dù điều kiện nuôi trồng thủy sản của Thái Lan không bằng Việt Nam.
Ông Phương còn nhấn mạnh, thủy sản Việt Nam đang dần “thua trên sân nhà” khi hàng đồ hộp thủy sản mang nhãn hiệu của các doanh nghiệp Thái tràn vào Việt Nam ngày một nhiều hơn.
Nguy cơ chống bán phá giá
Nguy cơ các vụ kiện chống bán phá giá đang treo lơ lửng trên đầu các doanh nghiệp thủy sản. Ông Phương cho biết là có thông tin nhóm ngư dân Tây Ban Nha đang đòi kiện con cá của Việt Nam tại thị trường nước này.
Rồi một quốc gia khác - vốn đang nhập nhiều thủy sản của Việt Nam, được các doanh nghiệp chế biến cá tra trong nước đặt nhiều kỳ vọng thì hiện cũng đang chuẩn bị áp đặt một số quy định tạm gọi là “hàng rào kỹ thuật” để hạn chế con cá tra.
Hiện nay, ngành nông nghiệp đang có ba kịch bản xấu mà khủng hoảng tài chính toàn cầu tác động đến nông, thủy sản xuất khẩu Việt Nam.
Kịch bản thứ nhất rất bi quan, tức khủng hoảng còn kéo dài và kết thúc sau năm 2010. Kịch bản thứ hai là giữa năm 2009 khủng hoảng sẽ kết thúc, xuất khẩu thủy sản hồi phục mạnh. Kịch bản thứ ba là dung hòa giữa hai kịch bản nói trên.
“Tôi tin là ngành thủy sản chúng ta còn khốn khó với khủng hoảng cho tới hết năm 2010, tức theo kịch bản thứ nhất”, ông Phương dự đoán.
Một doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cho biết do khủng hoảng tài chính nên 200 - 300 container hàng thủy sản xuất sang Nga phải quay đầu về kho dự trữ ở EU do khách hàng đòi hạ giá bán xuống còn 1 - 1,5 đô la Mỹ/kg sản phẩm. Nguyên nhân do một phần đồng rúp mất giá so với đô la Mỹ nên xuất khẩu thủy sản vào Nga thanh toán bằng đồng rúp cũng làm thiệt hại không ít cho doanh nghiệp Việt Nam.
Đây chính là tác động của cuộc khủng hoảng tài chính nhưng suy cho cùng, cũng là tác động của hội nhập quốc tế.


Nguồn; vinanet.vn
Báo cáo phân tích thị trường