Từ một cơ sở thu mua, thuê gia công chế biến và xuất khẩu ủy thác với số vốn xoay vòng khiêm tốn chỉ 120 triệu đồng, trong vòng 15 năm, vợ chồng ông Lê Văn Quang đã gầy dựng nên thương hiệu Minh Phú tiếng tăm với hơn 4.500 lao động, trong mô hình: sản xuất con giống, nuôi trồng và chế biến thủy sản khép kín. Kim ngạch xuất khẩu tôm của Minh Phú luôn đứng đầu ngành thủy sản cả nước, đạt 150 triệu USD/năm với những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Canada, EU... Năm 2008 kim ngạch xuất khẩu ước đạt 165 triệu USD.
Tạo bước ngoặt
Trong vụ kiện chống bán phá giá của Liên minh miền Nam Hoa Kỳ, Minh Phú gặp rất nhiều khó khăn, thử thách. Ngoài việc áp thuế 4,38%, muốn xuất vào thị trường Mỹ phải đóng bond (ký quỹ). Giải quyết bài toán này, Minh Phú đã mở một Công ty Mseafood tại Mỹ và xin Ngân hàng Nhà nước cho mở LC bằng ngoại tệ số tiền 6,4 triệu USD để đóng bond. Đây là một đơn vị kinh doanh xuất khẩu đầu tiên của cả nước thực hiện công việc này. Trong vụ kiện chống bán phá giá, Minh Phú là đơn vị duy nhất chứng minh được với Bộ Thương mại Mỹ, sản phẩm của mình không bán phá giá và được hưởng thuế suất 0%. Đòi được sự công bằng là thắng lợi lớn vì Mỹ chiếm đến 70% thị phần xuất khẩu của Minh Phú, quan trọng hơn là đã chứng minh được uy tín và năng lực của công ty trên thương trường.
Để có được kết quả đáng tin cậy như vậy, ông Lê Văn Quang đã áp dụng những quyết sách vô cùng táo bạo trong việc đầu tư con người và áp dụng khoa học công nghệ. Minh Phú áp dụng nghiêm ngặt khâu quản lý chất lượng ngay từ khâu đầu vào. Từ hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với 4 thành viên trực thuộc, Minh Phú chủ động từ khâu sản xuất con giống sạch đến nuôi tôm thương phẩm theo công nghệ vi sinh và chế biến xuất khẩu. Chính vì vậy, Minh Phú là đơn vị duy nhất trên cả nước được Tổ chức Nuôi trồng quốc tế cấp chứng chỉ ACC 3 sao (trại giống, vùng nuôi và nhà máy chế biến).
Những quyết sách táo bạo
Minh Phú là một trong những đơn vị có vùng nguyên liệu chủ động cho chế biến xuất khẩu rộng lớn. Với công ty chuyên sản xuất tôm giống đặt ở Ninh Phước - Ninh Thuận, Minh Phú không những bảo đảm cho 250 ha nuôi ở tỉnh Kiên Giang mà còn cung cấp con giống cho các địa phương trong cả nước. Tỉnh Kiên Giang cũng đã ký quyết định giao thêm 1.000 ha để Minh Phú mở rộng diện tích thả nuôi. Đây là vùng nguyên liệu tôm sú đầu vào phục vụ nhà máy chế biến với công suất 120 tấn/ngày.
Thị trường ngày càng cạnh tranh và yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng. Tôm thẻ chân trắng của Thái Lan, Malaysia và các nước lân cận giá rất mềm nhờ có định hướng và quy hoạch vùng nguyên liệu nông nghiệp tốt. Sau khi nghiên cứu kỹ quy trình nuôi và tìm hiểu tường tận về tôm thẻ chân trắng, Minh Phú biết rằng thời gian nuôi loại tôm này chỉ chưa đầy 3 tháng là thu hoạch, một năm làm được từ 2 đến 3 vụ, trong khi với tôm sú nếu kỹ thuật tốt, một năm chỉ tối đa 2 vụ, Minh Phú quyết định đầu tư. Minh Phú tìm thợ nuôi tôm giỏi nhằm thực hiện mô hình mới mẻ này. Ông Trần Văn Tuấn, một “vua tôm” kỹ thuật cao của vùng Năm Căn, được lựa chọn. Ông Trần Văn Tuấn cho biết: “Tôi vốn là dân nuôi tôm sú, trang trại khá nhiều. Nhưng rồi sau mấy vụ thất mùa liên tiếp, tôi phá sản và phải thế chấp tài sản ở ngân hàng. Minh Phú đã tìm đến tôi, đặt vấn đề, trả nợ ngân hàng giúp và đầu tư vốn liếng, kỹ thuật, thức ăn và con giống để tôi thực hiện nuôi tôm thẻ chân trắng. Minh Phú bao tiêu sản phẩm. Đến thời điểm này, tôi đã triển khai được trên 22 vuông tôm với khoản đầu tư khoảng 3 tỉ đồng từ Minh Phú”.
Cộng sinh
Minh Phú đang từng bước cùng nông dân thực hiện mô hình công ty cổ phần. Nông dân góp vốn bằng đất, Minh Phú đầu tư trang trại, con giống, thức ăn. Con cái, người thân của nông dân có đất cùng làm. ngoài mức lương cứng, Minh Phú khoán thưởng 1,5 triệu đồng/tấn sản phẩm thu hoạch.
Minh Phú đã xây hơn 5.000 m2 nhà ở tập thể bán trả góp giá rẻ cho người lao động. Xây dựng nhà ăn công nhân 1.500 m2 với bữa trưa và tăng ca miễn phí. Và để công nhân yên tâm gắn bó lâu dài, trong thời buổi lạm phát, Minh Phú đã quyết định tăng 20% lương như một sự chia sẻ. Lương trung bình của công nhân Minh Phú hiện nay khá cao so với mặt bằng chung (2,4 triệu đồng/người).
Ông Lê Văn Quang bộc bạch: “Bất cứ doanh nghiệp nào muốn đứng vững và phát triển đều phải dựa vào lực lượng nòng cốt là con người. Để mọi người yên tâm và tận lực làm việc, đòi hỏi người sử dụng lao động phải biết trân trọng và chăm sóc đầy đủ đời sống vật chất và tinh thần. Phải cộng sinh để cùng tồn tại và phát triển”.
Lý thuyết ấy ai cũng biết, nhưng trên thực tế có mấy người sử dụng lao động thực hiện được?