Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
ĐBSCL: Bán cá tra chịu lỗ cũng không ai mua
15 | 11 | 2008
Ông Lê Văn Đẹp (ấp Vĩnh An, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang) nói: “Tôi cần bán 100 tấn cá tra để giải quyết món nợ một tỷ đồng vay ngân hàng, nhưng tìm mãi vẫn không có người mua”.

Tình trạng cá tới lứa mà không ai mua đang tái diễn, mặc dù giá cá chỉ còn 13.000đồng/kg. Theo ông Đẹp, trong số 27 hộ nuôi thuộc chi hội nuôi cá Long Thạnh, nay phần lớn đã bỏ nghề, trốn nợ biệt xứ vì thua lỗ cá tra. Số còn lại đang sống trong cảnh nợ bủa vây.

Ngày 13.11.2008, tại An Giang, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã đưa ra quy hoạch phát triển cá tra đến năm 2010: diện tích nuôi toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long là 8.600 ha để đạt sản lượng 1.250.000 tấn, xuất khẩu 500 ngàn tấn phi-lê, kim ngạch xuất khẩu dự kiến 1,3 – 1,5 tỷ USD.

Ông Châu Minh Chinh, trưởng phòng Tư vấn – kinh tế - thương mại, hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang (AFA), cho rằng những con số nói trên có gì đó chưa ổn, vì sản phẩm cá tra Việt Nam đã xuất ổn định sang 117 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại An Giang, dự kiến năm 2009, vùng nuôi được quy hoạch 3.000 ha, sản lượng dự kiến đạt 312 ngàn tấn, trong khi vùng nguyên liệu doanh nghiệp tự có đã ước mức sản lượng 350 ngàn tấn. Những con số dự báo này càng mâu thuẫn với kế hoạch nguyên liệu 2009 của 10 doanh nghiệp chế biến tại An Giang: 40% (trong tổng số 920 ngàn tấn) là nguyên liệu tự có, 42% mua từ khách hàng truyền thống, 18% mua từ bên ngoài. Riêng Agifish, Nam Việt, Afasco, Cửu Long đã sớm công bố rằng, không mua thêm nguyên liệu trong năm này. Ông Chinh cảnh báo: nông dân cần hết sức thận trọng với các quyết định có tiếp tục đầu tư nuôi cá vụ mới hay không.

Ông Võ Kế Nghiệp, chi hội trưởng chi hội nghề cá Vĩnh Phú Quý, xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú, An Giang nói: "Lâu nay, việc Chính phủ bơm vốn để cứu con cá tra, nhưng thực chất đến thời điểm này, đồng vốn đó khó tới tay nông dân". Không được bơm vốn, người nuôi cá phải tự cứu mình bằng cách giảm diện tích thả nuôi. Còn việc ký hợp đồng bán cá, thì phía doanh nghiệp vẫn "bẻ kèo", ký hợp đồng lúc đầu giá cao, nhưng khi bắt cá thì ký giá thấp. Trong khi đó hợp đồng nông dân ký với doanh nghiệp này có điều khoản là nếu nông dân bẻ kèo, họ phải bồi thường 10% giá trị. Ở xã Mỹ Nhơn, huyện Chợ Mới, An Giang, 4 hộ nuôi cá ký hợp đồng bán với doanh nghiệp ở Đồng Tháp, cá đã quá tuổi thu hoạch hơn hai tháng, nhưng doanh nghiệp này không bắt cá. Hiện tại, nông dân đến yêu cầu doanh nghiệp bắt cá, thì phía doanh nghiệp ký thêm phụ lục hợp đồng với giá thấp hơn hợp đồng đầu tiên, nhưng mấy tuần qua cũng không bắt cá!

Ông Đặng Ngọc Giao, chi cục trưởng chi cục Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản Hậu Giang, khẳng định: muốn bình ổn được vấn đề con cá tra, phải có cơ chế ràng buộc trách nhiệm từ đơn vị xuất khẩu tới người nuôi. Đặc biệt, phải đánh giá đúng tỷ suất lợi nhuận từ xuất khẩu là bao nhiêu, chia sẻ lợi ích công bằng như thế nào.




Nguồn: tintuc
Báo cáo phân tích thị trường