Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
"Mỏ tôm" dần... cạn
18 | 06 | 2008
Bán đảo Cà Mau được mệnh danh là "mỏ tôm" của cả nước vì diện tích, sản lượng nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) không khu vực nào sánh bằng. Con tôm sú đã đem đến sự trù phú cho vùng quê này kể từ khi Nghị quyết 09/CP của Chính phủ ra đời.
Tuy nhiên, hiện nay vùng đất này đang đối mặt với sự chậm phát triển, người nuôi tôm nhiều nơi không mặn mà; các nhà máy chế biến xuất khẩu đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất. Thuỷ sản được các tỉnh: Bạc Liêu, Cà Mau, Sóc Trăng xác định là kinh tế mũi nhọn đang có nguy cơ không còn... nhọn nữa.

Tôm... trở chứng

Ông Trần Văn Lành - xã Hoà Tú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng - nuôi 2ha hơn 2 tháng đã phải... thu hoạch sớm. Ông than thở: "Mấy năm trước, tôi nuôi chỉ hơn 3 tháng là đạt cỡ 30 con/kg, năm rồi nuôi đến 5 tháng mới đạt cỡ như vậy".

Thời gian nuôi kéo dài đã làm cho người nông dân gồng mình chịu thêm nhiều khoản chi phí, cao nhất là thức ăn và công chăm sóc. Đã vậy năm nay gần như cả xã Hoà Tú 2 đều bị thiệt hại. Theo thống kê của Sở NNPTNT Sóc Trăng, cho đến cuối tháng 5, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại lên đến 7.500ha. Tại Bạc Liêu, con số này trên 20.000ha và Cà Mau trên 33.000ha.

Tôm nuôi bị thiệt hại gần như năm nào cũng xảy ra tại bán đảo Cà Mau với mật độ và diện tích khác nhau, nhưng điều làm cho người nông dân lo lắng là: Thời gian nuôi kéo dài, vốn đầu tư cao, giá thấp, ngân hàng không còn "mặn" với việc đầu tư cho nông dân vay NTTS. Chính điều này đẩy người nông dân đến chân tường của sự khốn khó.

Ông Nguyễn Hải - ấp Kinh Tế, phường Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu, sở hữu căn nhà trên 200 triệu đồng với đầy đủ tiện nghi - không ngần ngại nói: "Nhà này nhờ trúng tôm hồi năm 2002. Bây giờ thì 2 đứa con tôi đi làm thuê tận TPHCM để kiếm tiền nuôi cha mẹ. Vì con tôm mà ra đấy". Không riêng gì anh Hải, mà nhiều người nuôi tôm tại khóm Kinh Tế buộc phải cho con em họ đi làm thuê kiếm sống vì tôm nuôi thất bại, nợ nần chồng chất.

Trong khi đó, mô hình tôm - rừng, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) được cho là bền vững cũng mất dần yếu tố vững bền. Ông Cao Văn Hơn - ấp Tân Châu, xã Tân An Tây, huyện Ngọc Hiển - có 3,9ha diện tích tôm - rừng từ đầu năm đến nay thu hoạch không đủ trả tiền chiếc máy bơm nước. Ông cho biết: "Con tôm mấy năm nay khó nuôi quá, thả xuống bao nhiêu nó đi mất bấy nhiêu, làm nhà tôi cũng mất thêm người vì không thể bám mảnh đất này mãi được".

Anh Nguyễn Thanh Việt - Phó phòng Nông nghiệp huyện Năm Căn - xác nhận: Tôm chậm lớn là có thật. Không chỉ chậm lớn, mà kích cỡ không đều ngay trên diện tích nuôi. Con số thống kê của Trung tâm Khuyến ngư tỉnh Bạc Liêu cho thấy, hai năm trở lại đây, đối với mô hình nuôi công nghiệp và bán công nghiệp (CN-BCN), phải mất 6 tháng tôm mới đạt kích cỡ 30 con/kg, đầu tư thức ăn theo tỉ lệ 3/1, giá tôm từ 120.000 đồng/kg xuống còn 93.000 đồng/kg. Theo trung tâm này, năng suất đạt 3,8 tấn/ha đối với mô hình CN-BCN người nuôi hoà vốn.

Tôm nuôi khó khăn, trong khi giá lúa đang ổn định theo hướng có lợi cho người nông dân đã vô tình tạo làn sóng bỏ tôm sang trồng lúa. Cuộc chia tay với con tôm sú quả là...

Cuộc chia tay không mong đợi

Cuối năm 2007, Cty NTTS Vĩnh Hậu, huyện Hoà Bình (Bạc Liêu) chính thức nói lời chia tay sau 5 năm "vật lộn" với con tôm. Đây là Cty "kiểu mẫu" trong việc NTTS theo mô hình CN-BCN của tỉnh Bạc Liêu với tổng diện tích trên 1.000ha. Năm 2005 lợi nhuận của Cty lên đến 14 tỉ đồng, sau đó liên tiếp thua lỗ. Cuối năm 2007, Cty chính thức tuyên bố phá sản, chấm dứt niềm hy vọng nuôi tôm CN-BCN tại vùng đất bãi bồi ven biển Bạc Liêu.

Tương tự như vậy, Cty Duyên Hải Bạc Liêu (100% vốn nước ngoài) liên tiếp 5 năm liền không thu về một đồng lãi nào từ con tôm. Vụ nuôi 2008, Cty vẫn chưa có phương án sản xuất cho trên 500ha đất của mình. Trước đó, hàng loạt những người nuôi tôm theo mô hình CN-BCN tại Bạc Liêu "vứt áo ra đi" bỏ lại những khoảng đất trống mặc tình cho con nước lớn ròng. Bà Nguyễn Thị Định cho biết: Nuôi tôm bây giờ vốn đầu tư quá cao, trong khi rủi ro quá lớn. Chính vì vậy, bà quyết định tạm ngừng để cho đất nghỉ ngơi và chờ đến chừng nào thuận lợi sẽ tiếp tục cải tạo ao thả nuôi.

Đó là những cuộc chia tay của các "đại gia" nuôi tôm. Chuyện chẳng có gì ầm ĩ, nhưng khi hàng loạt nông dân đứng lên làm đơn xin trồng lúa; chuyển đất trồng tràm, khóm, tôm sang lúa mới thật sự là "câu chuyện thời sự" của tỉnh Bạc Liêu.

Ông Lương Phương Đông - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Hồng Dân - cho biết: Năm nay người dân đăng ký trồng lúa trên đất tôm tăng lên trên 2.000ha. Thậm chí có những diện tích cây khóm, cây tràm, cũng được người dân đăng ký trồng lúa.

Nông dân Nguyễn Văn Khởi - xã Ninh Thạnh Lợi, vừa đốn bỏ 5 công tràm 2 năm tuổi - cho biết: "Cây tràm bây giờ giá thấp quá, trước khi phá bỏ, tôi đắn đo lắm, nhưng cuối cùng quyết định đốn một số để lấy đất nuôi tôm và trồng lúa".

Theo con số thống kê của Sở NNPTNT Bạc Liêu, năm 2008, có gần 10.000ha diện tích người dân đăng ký mới sản xuất mô hình lúa tôm. Trong đó, đáng chú ý tại xã Tân Thạnh, Phong Thạnh Tây B, Phong Thạnh, Phong Tân, ngành nông nghiệp không khuyến cáo sản xuất lúa do nằm đầu nguồn nước mặn. Tuy nhiên, người dân cũng vẫn đăng ký sản xuất lúa, cho dù khu vực này mỗi năm nước ngọt chưa đến 4 tháng.

Tại vùng nam quốc lộ 1A, vùng được quy hoạch NTTS, ưu tiên sản xuất theo mô hình CN-BCN, người dân cũng quay lại trồng lúa. Con số thống kê chưa đầy đủ của Phòng Nông nghiệp huyện Hoà Bình và Đông Hải hiện có trên 3.000ha. Điển hình của việc bỏ con tôm "ôm" cây lúa là ông Sơn Hen - ấp Vĩnh Kiểu, xã Vĩnh Thịnh, Hoà Bình. Năm 2002, ai cũng ùn ùn nuôi tôm, ông quyết giữ lại lúa.

Với 4ha của mình, một năm sản xuất một vụ lúa, trồng một vụ dưa cho thu nhập ổn định. Cho đến nay, ông là một trong số ít người không mắc nợ ngân hàng của xã. Ông Nguyễn Văn Phi - xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải - nuôi tôm 3 năm mắc nợ 70 triệu đồng. Vụ mùa này, ông quyết định trồng lại cây lúa như ông cha mình đã làm trên mảnh đất này.

Chính thức nói lời từ biệt con tôm, ông bảo: "Cây lúa nó không mau chóng đem đến giàu có cho nông dân, nhưng từ trước đến giờ, tôi chưa thấy ai có 20 công đất trồng lúa mà đói, nghèo cả. Tại mình tham làm giàu quá nên ủi đất thịt, đất gò lên nuôi mà không biết hậu quả nên mới chịu mắc nợ vầy nè". Chưa có con số thống kê chính thức bao nhiêu nông dân "quay lưng" lại với con tôm, tìm cây lúa để làm phương kế sinh nhai, nhưng làn sóng này đang lớn dần tại Bạc Liêu, buộc chính quyền phải vào cuộc.

Nông nghiệp đâu chỉ lúa, tôm

Sau chuyến khảo sát thực tế và thông qua báo cáo của Sở NNPTNT, ông Phạm Hoàng Bê - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - nói với tôi: Đúng là người dân có chuyện xin quay lại trồng lúa thật. Vùng bắc quốc lộ 1A trước đây mình quy hoạch lúa tôm, ai cũng nuôi tôm các ngành vận động mãi mới sản xuất lúa tôm với diện tích không đáng kể. Bây giờ thì họ xin làm cái việc mà cách đây 5 năm mình khuyến cáo. Âu cũng là hợp lý.

Đứng trước nhu cầu của người nông dân, UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo cho các ngành - nhất là ngành nông nghiệp - phải tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân sản xuất lúa trên đất tôm. UBND tỉnh chỉ đạo, phải cung ứng đủ lúa giống chịu phèn mặn, ngắn ngày cho người dân có nhu cầu sản xuất; tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật; khuyến khích người dân sản xuất một vụ lúa - một vụ tôm, không vì cây lúa "lên ngôi" mà sản xuất nhiều vụ sẽ không đủ nước ngọt cung cấp, ảnh hưởng đến năng suất.

Trong khi đó, ông Huỳnh Quốc Khởi - Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư tỉnh - cho biết: "Sắp tới, chúng tôi sẽ tăng cường khuyến cáo bà con nuôi tôm theo kiểu kết hợp, nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm công nghiệp mật độ thưa".

Vậy là mô hình nuôi CN-BCN mà thời gian dài Bạc Liêu giữ ở mức 30.000ha/năm chính thức được khuyến cáo hạn chế, năm nay diện tích chưa tới 8.000ha. Tất cả vì tránh sự rủi ro cho người nuôi. Điều này có vẻ mâu thuẫn với việc số nhà máy chế biến thuỷ sản toàn vùng tăng lên từng ngày. Bạc Liêu từ chỗ có 7 nhà máy vào năm 2000, nay đã lên đến 12. Và nó hoàn toàn có lý khi bình quân các nhà máy chế biến thuỷ sản tại vùng bán đảo Cà Mau hoạt động chỉ 58% công suất.

Nhìn nhận một cách khách quan, kể từ sau ngày thực hiện Quyết định 09 của Chính phủ đến nay, đời sống của đại bộ phận nhân dân tăng lên, nếp sống nông thôn cũng có sự thay đổi. Tuy nhiên, trong vòng xoáy của cơ chế thị trường, người nuôi bị áp lực từ nhiều phía, một bộ phận đã bắt đầu lung lay với ý chí làm giàu từ con tôm. Dẫu biết rằng cây lúa khó mau chóng làm giàu, nhưng họ lại quá ngán ngẩm con tôm.

Chưa ai nói trước điều gì sẽ xảy ra khi người nông dân ồ ạt chuyển đổi từ "độc canh" cây lúa sang "độc canh" con tôm và bây giờ manh nha làm cái điều ngược lại trong bối cảnh các nhà xuất khẩu "chê" tôm sú, chú trọng thẻ chân trắng.

Với cái đà này, "mỏ tôm" sẽ có nguy cơ cạn kiệt.




Nguồn: kinhtenongthon.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường