Theo ông Đoàn Hoàng Đeo - phó chủ tịch UBND xã Phong Thạnh A (Giá Rai, Bạc Liêu), đến cuối tháng 3-2010, toàn xã thả nuôi khoảng 2.900ha tôm sú nhưng đến nay đã có trên 1.600ha xuất hiện các triệu chứng bệnh như đốm trắng, đỏ thân, phù đầu... Trong đó có khoảng 500ha bị thiệt hại gần như hoàn toàn vì tôm “khát” nước mặn.
Không chỉ các hộ nuôi tôm ở xã Phong Thạnh A bị ảnh hưởng, nhiều hộ nuôi tôm ở thị trấn Hộ Phòng, xã Phong Thạnh, Tân Thạnh... của huyện Giá Rai đều nhấp nhổm nhìn đầm tôm cạn đáy từng ngày. Ông Mã Kim Phú ở ấp 4, xã Phong Thạnh A than vãn: “Năm ngoái mùa này nước mặn đầy kênh nên nuôi tôm thành công. Năm nay nước mặn đến sớm gần một tháng, nông dân trong vùng háo hức thả giống nhưng chỉ bơm được một lần sau Tết Canh Dần rồi “chết đứng” đến nay nên tôm chết đỏ ao”.
Tại huyện Phước Long, người nuôi tôm cũng đang “kêu trời” vì vuông tôm sắp phơi đáy do thiếu nước mặn. Đã xuất hiện tình trạng tôm chết hàng loạt như bên huyện Giá Rai nên nông dân tìm mọi cách bơm chuyền nước mặn vào vuông để khẩn cấp cứu tôm.
Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, đến nay nông dân toàn tỉnh đã thả giống được trên 110.000ha tôm sú. Trong đó riêng hai huyện Giá Rai và Phước Long có đến 60.000ha nhưng đã có 7.000ha bị thiệt hại. Nếu tính bình quân mỗi hecta nông dân thiệt hại khoảng 5 triệu đồng thì tổng mức thiệt hại của người nuôi tôm đến thời điểm này cũng lên đến vài chục tỉ đồng. Chính vì vậy mà hàng trăm nông dân đã làm đơn tập thể gửi UBND tỉnh Bạc Liêu và các ngành chức năng kiến nghị mở các cống lớn đưa nước mặn vào đồng cứu tôm nhưng chưa được giải quyết.
Trong khi đó, theo ông Lương Ngọc Lân - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu, hiện toàn tỉnh còn trên 20.000ha lúa đông xuân muộn chưa thu hoạch nên UBND tỉnh Bạc Liêu đã chỉ đạo phải bảo vệ lúa. Để cứu tôm, trước mắt ngành nông nghiệp cố gắng điều tiết nước mặn thông qua các cống nhỏ nằm dọc quốc lộ 1A, đồng thời tận dụng nguồn nước mặn từ Cà Mau đẩy lên và từ biển Tây bên phía Kiên Giang dẫn vào vùng nuôi tôm của huyện Phước Long.
Theo ông Lân, về lâu dài để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cây lúa và con tôm, ngành nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu đang kiến nghị trung ương đẩy nhanh tiến độ đầu tư nạo vét toàn bộ hệ thống kênh trục đẩy mặn, dẫn ngọt và nâng cấp, xây mới hệ thống cống kiểm soát mặn, ngọt vùng bán đảo Cà Mau nhằm chủ động nguồn nước mặn phục vụ nuôi tôm nhưng không làm ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt của vùng trồng lúa.