Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguy cơ thiếu tôm nguyên liệu
15 | 06 | 2011
Tôm nuôi ở ĐBSCL chết hàng loạt không chỉ làm người nuôi tôm điêu đứng, mà còn khiến doanh nghiệp phải đương đầu với tình trạng thiếu nguyên liệu, dự báo có thể kéo dài đến cuối năm nay.

Hụt hẫng!

Sản lượng chế biến tôm xuất khẩu sụt giảm do nguồn nguyên liệu tại chỗ ít đi vì dịch bệnh tấn công.

Kỹ sư Lê Quý Thuỷ - Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư (Sở NNPTNT Bạc Liêu), nhận định: Cho dù hơn 30.000ha tôm nuôi trong mô hình tôm-lúa đang ổn định và thu hoạch dài dài, thì cũng chỉ cung cấp chưa đầy 30% sản lượng cho các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở Bạc Liêu. Bởi lẽ, trên 60% còn lại được cung cấp bởi diện nuôi tôm công nghiệp-bán công nghiệp. Trong khi nguồn nguyên liệu dồi dào này đang bị đe doạ khi dịch bệnh tấn công và làm thiệt hại gần chục nghìn ha tôm nuôi đầu vụ năm nay.

Thực tế, tại 7 nhà máy chế biến lớn nhất ở Bạc Liêu cùng hơn 20 xưởng chế biến của tư nhân đều thiếu nguyên liệu. Ông Nguyễn Thanh Hiển - Giám đốc Công ty Chế biến tôm xuất khẩu Phước Đạt (huyện Hòa Bình), cho biết: “Sản lượng chế biến đã giảm hơn 10% và có thể sẽ còn sút giảm thêm vài tháng nữa khi tôm nuôi công nghiệp chưa thể phục hồi”. Trong khi đó, Công ty Chế biến tôm Việt Cường ở xã Vĩnh Trạch (TP.Bạc Liêu) cũng phải cử nhiều chân rết mua tôm nguyên liệu ngay tại chân ruộng thuộc vùng tôm nuôi quảng canh để bù đắp hơn 20% sản lượng tôm đang thiếu hụt.

Ở Sóc Trăng, Công ty Fimex cũng “hụt hơi” khi nguyên liệu mua vào hơn 20 -30 tấn/ngày, chỉ đáp ứng chưa đến 50% công suất. Ông Hồ Quốc Lực - Tổng Giám đốc Fimex, đánh giá: Hút nguyên liệu, thị trường tăng sức cạnh tranh cả về giá.

Các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu trong thời đoạn khó khăn về nguyên liệu đã cố năng động trong tìm nguồn hàng. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vào cũng chỉ đáp ứng khoảng 50-70%, ngoại trừ một số doanh nghiệp cận vùng tôm-lúa thì ít bị ảnh hưởng hơn.

Sẽ thiếu tôm

Nếu vài tháng tới, thị trường khởi sắc, bài toán tôm nguyên liệu sẽ trở nên nan giải. Bởi lẽ, tính đến đầu tháng 6 này, khoảng 10% diện tích thả nuôi tôm ở ĐBSCL đã bị thiệt hại bởi dịch bệnh.

Ông Trang Văn Khanh - Giám đốc Công ty Chế biến thuỷ sản xuất khẩu Trang Khanh (Bạc Liêu), cho biết: Giá tôm xuất khẩu loại 18-20 con, dao động ở mức 11-12USD/kg, trong khi giá tôm nguyên liệu trong nước tăng vọt trong vòng mấy tháng qua, từ 180.000 đồng/kg lên 250.000 đồng/kg - thậm chí 280.000 đồng/kg khi hút hàng.

Biến động giá tôm trên đã làm không ít doanh nghiệp chế biến rơi vào thế thủ. Bởi lẽ, giá tôm xuất khẩu bị khống chế, trong khi chi phí đầu vào tăng, giá tôm nguyên liệu đội lên làm một số doanh nghiệp chế biến co lại. Họ nhập ít hàng hơn, duy trì chế biến ở mức sản lượng thấp hơn, chờ thời cơ mới đẩy mạnh công suất sản xuất.

Thạc sĩ Phạm Giang Nam (Trường Đại học Bạc Liêu), đánh giá: Sắp tới, nguồn tôm tại chỗ khu vực ĐBSCL sẽ ít đi về sản lượng do tôm chết hàng loạt thời gian qua. Và khả năng điều tiết từ miền Trung (tôm thẻ chân trắng) vẫn là có hạn. Sắp tới, các nhà máy chế biến ở ĐBSCL sẽ hụt nguồn vì thiếu cơ sở bù đắp nguồn nguyên liệu, ít nhất là hết niên vụ này.



Theo Dân Việt
Báo cáo phân tích thị trường